Cha mẹ cứ mặc định rằng con mình ghét ăn từ bé, nếu không ép con sẽ không ăn…
|
Cha mẹ thường quan niệm, không ép thì con không ăn – Ảnh: Bigstock |
Các cha mẹ thường có suy nghĩ: “Mình đã dạy con rất nhiều, đã rất quan tâm làm việc đó, mình đã chăm con rất cẩn thận, tại sao bé thế này, tại sao bé thế kia…”. Cha mẹ là số phận của con cái, nếu con trẻ có vấn đề gì, chắc chắn cha mẹ cũng đã sai ở đâu đó. Dưới đây là một số lỗi cha mẹ hay mắc khi nuôi con nhỏ.
1. Không chuẩn bị trước tư tưởng và tâm lý có con
Vụ này, rất nhiều bố mắc phải. Hoặc cha mẹ cũng có chuẩn bị, nhưng không nhiều, không chịu đọc sách và tìm hiểu các kiến thức cần thiết từ trước khi mang thai. Tư tưởng “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, “lớn lên nó biết”, in đậm trong tâm trí, khiến các cha mẹ vô tư mắc phải tội này.
2. Không học trước hoặc đọc sách về cách chăm sóc bà bầu và thai nhi
Nghe theo kinh nghiệm của các bà các cô đi trước và lời rỉ tai của bạn bè mặc dù chưa kiểm chứng. Những kinh nghiệm này nhiều khi khoa học cũng không chứng minh được.
Ví dụ: Mẹ bầu áp tai nghe vào bụng cho con nghe nhạc. Việc áp tai đó truyền sóng âm và có thể gây bất an cho thai nhi. Điều cần thiết để thai nhi phát triển tốt không phải là nghe nhạc thính phòng giao hưởng mà là tâm trạng thư thái dễ chịu của người mẹ. Vì thế, nghe nhạc là mẹ nghe và nghe theo sở thích của chính mẹ, dĩ nhiên là trừ dòng nhạc nào quá kích động.
3. Không chuẩn bị trước kiến thức chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh
Việc ăn uống kiêng khem, giữ gìn quá kĩ lưỡng nhiều khi là nguyên nhân gây bệnh cho trẻ và mẹ. Nguyên nhân là các mẹ lắng nghe theo kinh nghiệm của người đi trước, tuy nhiên không phải kinh nghiệm nào cũng đúng.
Ví dụ: Sản phụ bị cấm tắm cả tháng trời thì không những gây khó chịu cho mẹ, mà còn làm mẹ căng thẳng, dễ trầm cảm. Ngoài ra, vi khuẩn mẹ tích lũy do không tắm rất dễ dàng truyền sang con.
Hoặc sau khi sinh, hai mẹ con bị nhốt vào phòng ấm áp và kín gió. Chính điều này làm cho bọn trẻ bị suy yếu khả năng miễn dịch. Làm quen từ từ với môi trường là tạo khả năng miễn dịch tốt nhất.
4. Đánh giá thấp trẻ
Cha mẹ luôn nghĩ trẻ vài tháng tuổi là sinh vật yếu ớt, trẻ không thể tự làm được việc gì nên cha mẹ không có ý thức dạy. Đúng ra, khi trẻ biết ngồi, cha mẹ có thể dạy bốc ăn. Từ đó nâng cao dần kĩ năng sống của trẻ, làm trẻ thêm bận rộn và sẽ ít thời gian phá phách.
5. Tạo cho trẻ cảm giác mình “đáng thương”
Trẻ mới é lên một tiếng, cha mẹ lao ngay ra, “mẹ thương, bố thương”, làm cho trẻ cảm thấy mình thật đáng thương. Trẻ sơ sinh chưa hiểu gì về ý nghĩa của ngôn từ, nhưng nó cảm nhận sự cuống quýt của cha mẹ khi nó kêu gào. Chính điều này khiến trẻ hình thành tâm lý thích “gây chuyện” để cha mẹ vỗ về, đây là tiền đề cho tính ăn vạ sau này.
6. Bỏ quên bản năng sinh tồn của trẻ
Trẻ đói sẽ có nhu cầu ăn. Tuy vậy nhiều cha mẹ không đánh giá đúng bản năng sinh tồn này, cứ tâm niệm trẻ con đứa nào chả ghét ăn, không ép sẽ không ăn. Từ tư tưởng này, cha mẹ ép con ăn thật nhiều, thật giàu chất bổ, và vô tình phá hỏng hệ tiêu hóa của con, tạo cho con bệnh chán ăn.
8. Ôm ấp con suốt ngày
Cha mẹ yêu con, nên nhìn con thật dễ thương. Tuy nhiên, được ôm ấp nhiều quá tạo cho con tâm lý vỏ bọc, con chỉ cảm thấy yên ổn, an tâm khi có cha mẹ ở bên. Thế nhưng nếu mẹ đi vắng, đi làm, đi học, bé sẽ bị “quẳng” ra ngoài vỏ bọc và đương nhiên sẽ hoảng sợ. Điều này sẽ tạo ra tâm lý thiếu tự tin ở trẻ.
9. Dạy trẻ liên tục bằng lời
Cha mẹ luôn nghĩ trẻ hiểu 100% những gì bố mẹ dạy bảo và dạy liên tục bằng lời. Trẻ dưới 2 tuổi khả năng nghe, hiểu rất kém. Trẻ sẽ không hiểu tại sao lại bị mẹ quát mắng ầm ầm. Trẻ chỉ sợ vì tiếng động, lời quát chứ chưa hiểu ý nghĩa của câu nói.
10. Quan niệm “yêu cho roi cho vọt”
Cha mẹ có mâu thuẫn: Rất thương xót con, nhưng lại thấy cho con ăn đòn là bình thường. Cha mẹ cảm thấy bình thường khi đánh con, gây tổn thương cho con nhưng lại cảm thấy mình tệ khi không cho con đi chơi. Từ tâm lý này, cha mẹ vừa dạy con không hiệu quả (do không phạt con đúng cách), vừa làm con bị tổn thương liên tục vì đòn roi và quát mắng.
11. Không làm tấm gương cho con
Cha mẹ làm nhiều hành vi xấu (nói tục, xả rác…) và nghĩ đơn giản là con chưa biết gì. Chẳng hạn, cha mẹ bắt con chào trong khi bản thân lại không chào con. Khi con học theo những hành vi xấu đó, cha mẹ lại đánh mắng. Điều này gây ức chế cho trẻ.
12. Đưa con đến trường mầm non đột ngột
Từ lúc sinh ra, con đã quen với môi trường gia đình và luôn có người bảo trợ. Bỗng một ngày, cha mẹ đưa con đến trường với toàn người xa lạ. Vì thế trẻ khóc và ốm là điều dễ hiểu. Tốt nhất, cha mẹ cần có một quá trình chuẩn bị tâm lý cho con trước khi đi học.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương
Giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…
Bạn có biết có một mối liên hệ phức tạp giữa ruột và căng thẳng…
Khi cảm thấy kiệt sức và thiếu năng lượng là mối quan tâm phổ biến…