Sau khi Bộ Y tế chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur tiến hành lấy khoảng hơn 200 mẫu xét nghiệm bệnh phẩm trên nhiều tỉnh, thành phố trọng điểm để tiến hành xét nghiệm phát hiện trường hợp nhiễm virus Zika thì nghi ngờ 3 trường hợp.
Cụ thể, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang thực hiện xét nghiệm với 3 trường hợp bệnh nhân nghi ngờ nhiễm Zika từ bệnh viện Phụ sản Trung ương (2 trường hợp) và bệnh viện Bạch Mai (1 trường hợp).
3 trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Zika ở Hà Nội. Ảnh minh họa |
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hiện đang tiếp nhận hơn 100 mẫu bệnh phẩm được lấy từ các bệnh viện trung ương tại Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Thanh Hóa và 16 mẫu được Viện Pasteur Nha Trang chuyển đến.
Tại khu vực miền Trung, Viện Pasteur Nha Trang đã triển khai thu thập mẫu bệnh phẩm và tiến hành xét nghiệm tổng số trên 38 mẫu.
Khu vực miền Nam, từ ngày 15/02/2016, Viện Pasteur TP.HCM cũng đã triển khai giám sát và lấy 83 mẫu bệnh phẩm tại 8 điểm gồm các bệnh viện: An Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, TP.HCM, Tây Ninh, Vĩnh Long.
Kết quả cho thấy tất cả các trường hợp được thực hiện xét nghiệm đều âm tính với virus Zika. Như vậy, tính tới ngày 18/3/2016, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm virus Zika.
Hiện Bộ Y tế đang tăng cường các biện pháp giám sát, truyền thông và phối hợp với các đơn vị hữu quan để ngăn chặn tối đa các nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây lan tại Việt Nam.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Việt Nam, Viện Pasteur Hồ Chí Minh có đủ khả năng để xét nghiệm, chẩn đoán bệnh do vi rút Zika. USCDC, WHO khẳng định sẽ cung cấp thêm các trang thiết bị cần thiết cũng như cử chuyên gia quốc tế đến hỗ trợ, phối hợp với ngành y tế Việt Nam trong công tác chẩn đoán, điều trị dịch bệnh này.
Trong buổi họp khẩn cấp, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Bộ Y tế ngày 02/02/2016 vừa qua, đại diện tổ chức WHO tại Việt Nam đã đánh giá rất cao khả năng phản ứng nhanh chóng và đáp ứng sẵn sàng của Việt Nam trước nguy cơ dịch bệnh do vi rút Zika có thể xâm nhập.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, dù chưa ghi nhận trường hợp nhiễm virus Zika, Việt Nam vẫn có nguy cơ dịch xâm nhập và lan rộng trong cộng đồng, do những nguyên nhân:
Thứ nhất, lượng lao động rất lớn ở Việt Nam tại các quốc gia và lãnh thổ vùng bị dịch có thể quay về nhà trong dịp lễ Tết, và một lượng không nhỏ các công dân Việt Nam đi du lịch, công tác đến các vùng dịch trên thế giới. Đồng thời, cả người các nước khác đi từ vùng dịch tới Việt Nam.
Thứ hai, nước ta đang lưu hành bệnh sốt xuất huyết cùng với sự lưu hành của muỗi Aedes truyền bệnh. Đây cũng là loại muỗi truyền virus Zika.
Thứ ba, Việt Nam chưa có dịch bệnh lưu hành nghĩa là cũng chưa có miễn dịch cộng đồng. Vì thế, khi có ca bệnh thì khả năng dịch bùng phát mạnh là rất lớn.
Thứ tư, căn bệnh nguy hiểm này chưa có vắc xin và thuốc đặc trị đặc hiệu.
“Tuy dịch bệnh do virus Zika có diễn biến phức tạp, nhưng chưa ghi nhận có ca tử vong, do đó, Bộ Y tế khuyên người dân không nên quá hoang mang, lo lắng”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Khuyến cáo của Bộ Y tế Việt Nam. |
Bộ Y tế Việt Nam hiện đang khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Cụ thể như sau:
1. Phụ nữ có thai hoặc đang có kế hoạch mang thai không nên đến các quốc gia đang có dịch bệnh. Danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch bệnh đã được đăng tải trên website của Cục Y tế dự phòng tại đây: http://vncdc.gov.vn
2. Người nhập cảnh về từ các quốc gia có lưu hành virus Zika chủ động tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Tuyệt đối, không tự ý điều trị tại nhà.
3. Thực hiện các biện pháp phòng bệnh để tránh muỗi đốt cũng như loại bỏ nơi sinh sản của muỗi:
– Thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết; thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
– Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…
– Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
– Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch.
Cúc Phương
Nguồn: Báo Đất Việt
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…