Dù phải chịu sự chỉ trích nặng nề từ nhiều tổ chức nhân quyền, Nhật Bản vẫn quyết định giữ lại bản án tử hình. Hành động này bị đánh giá là đi ngược lại xu hướng Thế giới.
Chỉ vài tuần trước thềm hội nghị G7 diễn ra tại Nhật Bản, đất nước này đã chứng kiến hai vụ xử tử đầu tiên của năm 2016, nâng tổng số các vụ thi hành án tính từ khi ông Shinzo Abe chính thức nhậm chức vào năm 2012 lên con số 16. Nhật Bản cùng với Mĩ là hai nước duy nhất trong khối G7 vẫn còn giữ bản án tử hình.
Động thái trên của Nhật đã khơi dậy làn sóng phản đối dữ dội từ các quốc gia và các tổ chức nhân quyền trên toàn Thế giới. Những nhà hoạt động bảo vệ quyền con người chỉ trích chính phủ Nhật Bản cùng lối suy nghĩ rằng án tử hình có thể ngăn chặn sự gia tăng của tội phạm.
Thủ tướng Shinzo Abe, người đi đầu chiến dịch loại bỏ bản án tử hình ra khỏi cơ chế xử phạt của Nhật Bản.
“Dẫu cho 140 quốc gia trên Thế giới đã quyết định bãi bỏ án tử hình từ một thập kỉ trở lại đây, chính phủ Nhật Bản vẫn quay lưng lại với xu hướng,” Ông Hideki Wakabayashi, tổng thư kí của tổ chức Ân Xá Quốc tế tại Nhật phát biểu. “Đã tới lúc chúng ta cần chấm dứt hình phạt tàn ác và vô nhân tính này.”
Hai tử tù mới bị hành quyết vào ngày 25/3 vừa rồi là Yasutoshi Kamata, 75 tuổi, bị buộc tội sát hại tổng cộng năm người, bao gồm một bé gái chín tuổi, trong khoảng thời gian từ năm 1985 đến 1994 và Junko Yoshida, người mang tội danh giết hai người đàn ông để chiếm khoản tiền bảo hiểm. Yoshida là nữ phạm nhân đầu tiên bị hành hình tại Nhật từ năm 2012.
Nhật Bản cũng vấp phải nhiều phản đối về cách thi hành án bí mật, đi ngược lại các tiêu chuẩn Quốc tế. Các tử tù chỉ nhận được thông báo trước vài giờ, còn thân nhân và luật sư biết tin sau khi bản án đã diễn ra. Bên cạnh đó, thời gian chờ đợi kể từ khi tuyên án cho tới khi thi hành án quá dài – Kamata bị kết tội từ 11 năm trước, trong khi Yoshida là 6 năm. Tổ chức Ân Xá Quốc tế còn cáo buộc các tử tù người Nhật bị ngược đãi một cách độc ác, vô nhân tính và bị dồn ép tới mức phát điên trong thời gian chờ đợi này.
Dư luận cũng dấy lên quan ngại về việc kết án sai với trường hợp của Iwao Hakamada. Ông được thả tự do vào năm 2014, sau 45 năm kể từ ngày bị tuyên án tử hình, cho dù trong quá trình điều tra đã có nhiều nghi ngờ về những chứng cứ giả mạo được dùng để chống lại ông.
Giữa bão chỉ trích, chính phủ Nhật Bản tuyên bố án tử hình tại nước này được người dân ủng hộ và là một công cụ để giảm tỉ lệ tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Quyết định tiếp tục hay hủy bỏ bản án phải là quyết định độc lập của từng nước dựa trên ý kiến người dân và tình hình tội phạm nước đó. Theo cuộc khảo sát vào năm 2010, 86% số người được hỏi cho rằng khó có thể bãi bỏ án tử hình. Quan điểm này được củng cố từ sau vụ tấn công nhằm vào hệ thống tàu điện ngầm ở Tokyo của một nhóm truyền đạo cuồng tín khiến 13 người tử vong và hàng ngàn người khác bị thương.
Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn còn 124 tù nhân đang phải đối mặt với bản án chết tại Nhật.
Tham khảo The Guardian
Nguồn: GenK
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…