Viện Y tế công cộng TP HCM chủ động lấy mẫu giám sát và phát hiện bắp non, đậu hòa lan (hà lan) do cơ sở Nguyên Thảo sản xuất không đạt về chỉ tiêu natri benzoate. Ngày 11/1, Đoàn kiểm tra liên ngành TP HCM kiểm tra cơ sở này.
Báo cáo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, Viện Y tế công cộng TP HCM cho biết, khi kiểm tra, điều kiện vệ sinh cơ sở vật chất khu vực sản xuất, đóng gói, kho nguyên liệu và kho thành phẩm của doanh nghiệp này có tình trạng nền đọng nước và trần chưa được vệ sinh định kỳ; thành phẩm để trực tiếp dưới sàn nhà; đóng màng co và dán nhãn sản phẩm trực tiếp dưới nền nhà. Cơ sở cũng thiếu các phương tiện rửa và khử trùng, thiếu thiết bị phòng chống côn trùng. Ngoài ra, nhãn sản phẩm bắp non, đậu hà lan ghi thiếu năm của số công bố chất lượng, chất bảo quản natri benzoate (211)…
Đoàn lấy mẫu bắp non ngày sản xuất 10/07/2015) và đậu hà lan ngày sản xuất 5/8/2015. Kết quả kiểm tra sản phẩm bắp non sử dụng màu vàng tartrazine (E 102) khi chưa công bố, sử dụng chất bảo quản natri benzoate vượt ngưỡng (2.557 mg/kg, cao hơn mức giới hạn quy định 1.000 mg/kg); đậu hà lan sử dụng màu E102 và brilliant khi chưa công bố, sử dụng chất bảo quản natri benzoate vượt ngưỡng (1.632 mg/kg).
Cơ sở này đã tiêu hủy hơn 1.000 kg đậu hà lan và bắp non, thu hồi được 4 thùng đậu hà lan, 3 thùng bắp non lưu thông trên thị trường.
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng tại địa phương để tăng cường triển khai các biện pháp kiểm soát, giám sát an toàn thực phẩm nhằm phát hiện sớm các mối nguy ô nhiễm thực phẩm.
Phẩm màu vàng tổng hợp E 102, phẩm màu xanh brillian, chất bảo quản natri benzoat đều được phép sử dụng trong thực phẩm nhưng trong ngưỡng nhất định.
Chất bảo quản natri benzoat đã được chứng minh có thể gây chứng hiếu động thái quá ở trẻ nhỏ. Hiện Anh, Canada, Mỹ, đã cấm sử dụng các chất này trong thực phẩm dành riêng cho trẻ nhỏ. Việt Nam cũng đã có quy định không sử dụng các chất bảo quản gốc benzoat đối với thực phẩm dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi.
Phẩm màu vàng tổng hợp E 102 hay tartrazine trước từng gây rất nhiều tranh cãi vì có thể gây hiếu động thái quá ở trẻ, gây hen, gây yếu năng lực ở nam giới… Nó bị hạn chế sử dụng ở một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, Văn phòng Ủy ban Codex Việt Nam chính thức có thông báo khẳng định, người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng các loại thực phẩm có E 102 đúng hàm lượng. E 102 vẫn nằm trong danh mục các chất phụ gia thực phẩm của Codex (năm 2010). Cho đến nay các nước trong Liên minh châu Âu, Mỹ, các nước trong ASEAN và các nước khác vẫn cho phép sử dụng E 102 trong chế biến thực phẩm.
Nam Phương
Nguồn: VnExpress
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…