Categories: Vợ chồng

Con rể… ngại… bà ngoại

Mẹ vợ: Cứ theo những khoa học hiện đại mà nuôi con, có ngày con rể biến cháu bà thành người máy vô tri vô giác chỉ biết làm theo hướng dẫn được lập trình sẵn mà thôi.

Ai đời, có bà ngoại nào mà không thương cháu muốn cháu không khỏe đâu! Mẹ không chỉ đẻ một mình vợ con, mà trên dưới vợ con còn có cả chục anh chị em nữa. Vậy thì sao con rể mà lại dám nói là mẹ không biết nuôi con nuôi cháu! Nếu thế thì vợ con nó lớn lên từ đâu, làm sao nó khỏe mạnh và xinh đẹp để con thầm yêu trộm nhớ và làm sao nó đủ giỏi giang để làm vợ con!

Mẹ không những chăm con khỏe con giỏi, mà còn biết cách dạy con ngoan, sống có tình có nghĩa… chứ không vịn vào ba cái khoa học hiện đại mà dám nói càn nói hỗn với mẹ. Nếu không có những kinh nghiệm mà ông bà để lại, rồi đến lượt bố mẹ để lại cho các con cháu, thì lấy đâu ra những bài học nuôi con quý báu mà chẳng có khoa học nào có thể chứng minh.

Kinh nghiệm thực tế của từng đứa con dạy cho mẹ nhiều hơn gấp cả ngàn lần mấy cái phát minh trong phòng thí nghiệm đầy lý thuyết. Mẹ cho cháu mẹ tắm lá trà xanh, cây cỏ, rễ củ khi bị rôm xẩy hay ốm đau thì có gì mà phải sợ không đảm bảo vệ sinh hay bị dị ứng. Ai ít nhất cũng từng được uống một ngụm nước từ lá trà xanh hay rễ cây củ, thế đã có ai chết vì nó không vệ sinh chưa? Uống còn không chết thì tắm có ảnh hưởng gì cho cháu mẹ không?

Mẹ muốn con gái và cháu nằm ngủ trên giường có than giữ ấm để sau này con gái mẹ không bị cảm lạnh, cháu mẹ không bị yếu, tất cả là giúp cả hai mẹ con được cứng cáp và khỏe hơn. Thế nhưng con không nghe, con muốn mọi người nằm máy lạnh để lọc được không khí cho môi trường trong lành. Mẹ chẳng thấy nó trong lành gì mà chỉ thấy cháu của mẹ nó thiếu không khí “tươi” của thiên nhiên. Rồi khi lớn lên nó sẽ phải thích nghi với điều kiện môi trường nóng lạnh khắc nghiệt của thời tiết ra sao? Lúc đó con có mang cái máy điều hòa nhiệt độ theo bên cạnh nó được không?

Mẹ bực nhất là cái vụ cho ăn uống. Cháu mẹ khó ăn, cái gì cũng phải xay nhuyễn, mà đâu phải lúc nào cũng có thời gian để mà làm mấy cái việc đó. Mẹ “nhá” cơm cho cháu thì con cho là không hợp vệ sinh bởi trong tuyến nước bọt có hàng ngàn vi khuẩn gì đó mà khoa học chứng minh. Thế lúc hai vợ chồng con hôn nhau, dùng chung đôi đũa, thậm chí nhường qua nhường lại miếng bánh… có thấy vệ sinh không? Vợ con lúc còn bé toàn phải “nhá” cơm mới chịu ăn đó, vậy mà giờ nó được khỏe mạnh, xinh đẹp thế kia.

Còn hàng chục thứ khác mà con nói nữa, nhưng mẹ chẳng hơi sức để mà đi đôi co với con. Mẹ là bà mẹ quê muốn chăm sóc cháu của mẹ theo cách mà mọi đứa bé ngày xưa đã lớn lên và đều khỏe mạnh. Mẹ không chê bai khoa học là không tác dụng nhưng nó chưa phù hợp với cách suy nghĩ, cơ địa và tập tính của người Việt Nam. Cái gì đụng đến khoa học ai mà nói là không hay không tốt, nhưng nó lạnh lùng và vô cảm quá. Mẹ ẵm cháu trong tay, “nhá” cơm bằng tình thương của bà, chăm sóc nó bằng lá cây hoa cỏ thiên nhiên thì làm sao mà cháu mẹ lớn lên lại thiếu cái tình cái nghĩa với cội nguồn của mình được.

Ảnh minh họa

Con rể: Mẹ chăm cháu toàn bằng những điều không hợp lý và mất vệ sinh. Bây giờ thời đại tiên tiến, làm gì cũng cần phải lo lắng cho sức khỏe của tương lai hết mẹ à.

Nhìn mẹ chăm sóc cháu mà con thấy khó chịu quá. Cái gì mẹ đã làm thì phải nhất nhất theo mẹ, con có ý kiến gì mẹ cũng gạt phắt ra mà chẳng mảy may đoái hoài đến suy nghĩ của con. Dù sao con cũng là cha của cháu mẹ, ít nhất con cũng phải có được cái quyền lo lắng cho con của con. Ai cũng biết là ngày xưa một tay mẹ nuôi cả chục đứa con, kinh nghiệm thì không ai bằng mẹ, nhưng nếu mang ra so sánh giữa cuộc sống hiện đại và ngày xưa thì nó phải khác nhau nhiều chứ mẹ.

Ngày xưa mẹ không có nhiều tiện nghi như bây giờ thì mẹ chỉ sống phù hợp với những cái mẹ có. Còn bây giờ khoa học tiên tiến, cái gì muốn sử dụng hay được sử dụng thì cũng phải xét nghiệm đủ thứ xem nó có phù hợp với sức khỏe hay không. Dù kinh nghiệm của mẹ nhiều và giỏi đến mấy thì cũng không bằng được những cái mà người ta đã chứng minh nghiên cứu. Mà kinh nghiệm được truyền miệng thì đôi khi cũng “tam sao thất bản” mẹ ạ.

Con không dám lên đời dạy mẹ, nhưng những cái mẹ làm cho cháu con thấy không hợp lý chút nào. Bây giờ ai cũng biết là nằm sưởi ấm bằng than thì lợi ít hại nhiều, bởi trong than có rất nhiều khí độc có thể không ảnh hưởng ngay nhưng nó sẽ tích tụ và để lại di chứng sau này. Mẹ cũng biết thời tiết bây giờ khắc nghiệt, nhà có máy lạnh mẹ không dùng, cứ để cho vợ và con của con mồ hôi đầm đìa ướt hết quần áo. Còn bật máy lạnh thì làm sao có thể đốt than sưởi ấm trong phòng được hả mẹ?

Da của trẻ sơ sinh dễ bị dị ứng, ngày xưa mẹ làm gì có các loại xà phòng để mà tắm cho trẻ, nên mẹ mới làm theo cách của ông bà xưa là dùng lá cây cỏ. Mà cây cỏ cũng có hàng trăm loại, đâu phải loại nào cũng phù hợp để tắm cho da trẻ. Không khéo mẹ lại làm cho cháu bị dị ứng thì lúc đó lại tốn tiền đi bác sĩ. Con chẳng ngăn cấm mẹ dùng theo kinh nghiệm, nhưng nếu mình có được những sản phẩm đã được nghiên cứu sản xuất cho riêng trẻ em thì mình cũng nên sử dụng để cho cháu được khỏe mạnh lại chẳng lo dị ứng. Cái gì mình có ở thời đại nào thì mình dùng ở thời đại ấy mẹ ạ.

Rồi lại thêm nữa vấn đề vệ sinh nữa, nhìn mẹ “nhá” cơm cho cháu mà con thấy sợ, bao nhiêu là vi trùng trong nước bọt từ mẹ truyền sang cho cháu. Dơ thì con không dám nói là dơ, nhưng chắc chắn một điều là nó không hợp vệ sinh chút nào. Mẹ muốn cho cháu ăn nhuyễn như thế nào, cũng đều có máy móc làm dùm hết. Con ra tay làm dùm thì mẹ lại nói là con chia cắt cảm xúc bà cháu. Cảm xúc thì con không biết có được bao nhiêu trong những miếng cơm “nhá” đó nhưng con chắc chắn là trong đó có hàng trăm vi khuẩn trực chờ để gây bệnh cho cơ thể yếu ớt của cháu đó mẹ ơi.

Nói ra điều nào, mẹ cũng cho là con hỗn láo dám cãi lời. Mà không nói ra con không chịu được khi phải chứng kiến những việc làm theo kinh nghiệm không còn phù hợp với thời đại. Chẳng đặng đừng mới có lúc con lớn tiếng với mẹ, nhưng con chỉ muốn xin mẹ hiểu một điều ở thời đại nào cũng có những nghiên cứu và phát minh phù hợp với con người, vì thế mẹ nên sử dụng những gì mà khoa học đã kiểm chứng để đảm bảo không chỉ sức khỏe hiện tại mà còn trong tương lai sau này cho con của con, cháu của mẹ, mẹ nhé!

Vũ Hùng

adminyhoc

Recent Posts

Mất cân bằng vi khuẩn đường ruột gây rối loạn tự kỷ

Theo các số liệu thống kê từ Liên Hợp Quốc cho thấy hiện có 1%…

1 day ago

Vi khuẩn đường ruột oxalobacter formigenes hỗ trợ điều trị sỏi thận

Cơ thể con người chứa đến hàng tỷ các vi sinh vật khác nhau bao…

2 days ago

Vai trò, ảnh hưởng của hệ vi sinh đường ruột đối với bệnh tiểu đường, béo phì, ung thư đại tràng

Hệ vi sinh đường ruột của con người là một cộng đồng vi sinh vật…

3 days ago

JARDIANCE, empagliflozin điều trị đái tháo đường týp 2

JARDIANCE viên nén bao phim chứa 10 hoặc 25 mg empagliflozin. Thành phần tá dược:…

4 days ago

Vi khuẩn đường ruột có thể ảnh hưởng đến não như thế nào?

Hơn một thế kỷ trước, chúng ta phát hiện ra rằng vi khuẩn sống trong…

4 days ago

Mối liên hệ giữa hệ vi sinh đường ruột và trí thông minh

Hệ vi sinh đường ruột đảm nhiệm vai trò quan trọng trong cuộc sống của…

4 days ago