Đảng và Nhà nước có chủ trương tự chủ sản xuất vắc xin, sinh phẩm y tế trong nước cung cấp cho nhu cầu Tiêm chủng mở rộng Quốc gia và tiêm dịch vụ. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó xác định đến năm 2020: “vắc xin sản xuất trong nước đáp ứng 100% nhu cầu cho tiêm chủng mở rộng và 30% nhu cầu cho tiêm chủng dịch vụ”. Theo TS. Nguyễn Văn Cường, chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: hiện nay Chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam đã triển khai tiêm chủng miễn phí 12 loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Việt Nam tự hào là một trong số ít nước có thể sản xuất được vắc xin. Trong số 12 loại vắc xin đang sử dụng trong Tiêm chủng mở rộng, có 10 loại vắc xin được sản xuất trong nước, đó là vắc xin phòng bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn. Việt Nam đã thanh toán bại liệt năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh năm 2005 bằng sử dụng vắc xin bại liệt, uốn ván do Việt Nam sản xuất. Các bệnh truyền nhiễm khác trong Chương trình tiêm chủng mở rộng như: bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản, sởi đã giảm từ hàng trăm đến hàng nghìn lần so với trước khi triển khai tiêm chủng.
Công ty TNHH MTV Vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabitotech) đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của ngành vắc xin nước ta. Vabiotech hiện đang được giao thực hiện hai dự án: “Nghiên cứu phát triển vắc xin Hib cộng hợp” và “Nghiên cứu phát triển sinh phẩm vắc xin viêm não Nhật Bản bất hoạt trên tế bào Vero” trong Chương trình sản phẩm quốc gia vắc xin phòng bệnh cho người, đến năm 2020. Dự án “Nghiên cứu phát triển vắc xin Hib cộng hợp” bao gồm hai nhiệm vụ là: Đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vắc xin Hib cộng hợp” và “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất vắc xin Hib cộng hợp ở quy mô công nghiệp”. Vắc xin Hib cộng hợp do Vabiotech được giao chủ trì thực hiện đã tiến hành những bước nghiên cứu đầu tiên từ năm 2005 và đến nay đang chuẩn bị đến bước thử nghiệm trên người. Sau 2019, dự kiến khí dự án hoàn thành sẽ có được quy trình công nghệ sản xuất vắc xin Hib cộng hợp ở quy mô 300.000 liều/loạt. Vắc xin Hib công hợp Alhibvax do Vabiotech sản xuất dựa trên quy trình cộng hợp polysaccharide có kích thước lớn với giải độc tố uốn ván. Vabiotech sử dụng chủng Eagan là chủng quốc tế do NIH cung cấp. Thành phần Hib cộng hợp do Vabiotech sản xuất cũng có thành phần tương đương như thành phần Hib mà 2 nhà sản xuất GSK và Sanofi Pastuer đang sử dụng cho vắc xin 6 trong 1 trong thời gian tới.
Dự án “Nghiên cứu phát triển sản phẩm vắc xin viêm não Nhật Bản trên tế bào Vero” được kế thừa từ đề tài cấp Bộ thực hiện 2006- 2011. Đề tài mang tính ứng dụng cao, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Công nghệ sản xuất vắc xin viêm não Nhật Bản tinh khiết, bất hoạt trên tế bào Vero là công nghệ hiện đại nhất hiện nay trên thế giới áp dụng để sản xuât loại vắc xin này. Sản phẩm có mức độ an toàn cao, không xảy ra các phản ứng nguy hiểm đối với tính mạng người sử dụng. Nghiên cứu sản xuất thành công vắc xin viêm não Nhật Bản trên tế bào Vero có ý nghĩa lớn về mặt khoa học. Vabiotech đưa ra các nội dung và mục tiêu hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất vắc xin viêm não Nhật Bản trên tế bào Vero ở quy mô công nghiệp để mong muốn sớm có sản phẩm được sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho trẻ em Việt Nam. Trong tương lai khi hoàn thành dự án này, sẽ hoàn thiện được dây chuyền công nghệ, sản xuất ổn định vắc xin viêm não Nhật Bản đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Việc chủ động sản xuất loại vắc xin này trong nước sẽ làm hạ giá thành sản phẩm, phù hợp với thu nhập của phần lớn người dân Việt Nam. Mặt khác, việc ứng dụng sản xuất trên quy mô lớn cũng khẳng định được vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong việc tự nghiên cứu và sản xuất vắc xin.
Đầu năm 2015, hệ thuốc quản lý quốc gia về vắc xin nước ta đã được WHO công nhận “đạt tiêu chuẩn”. Việt Nam là một trong 39 quốc gia trên thế giới đạt tiêu chuẩn khắt khe này của WHO và được thế giới công nhận về chất lượng vắc xin. Việt Nam tự tin đủ điều kiện đủ điều kiện về khoa học công nghệ và nhân lực để sản xuất vắc xin đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, nước ta cũng đang liên kết với một số nước như: Nhật Bản, Mỹ để chuyển giao công nghệ về dây chuyền sản xuất vắc xin thế hệ mới. Hiện Việt Nam đã sản xuất thành công nhiều vắc xin như: tả, bại liệt… Nước ta cũng đang nhập vắc xin sởi- rubella để sử dụng nhưng dự tính đến năm 2017, Việt Nam sẽ sản xuất được vắc xin sởi- rubella. Sắp tới Việt Nam cũng trở thành một trong bốn nước sản xuất thành công vắc xin phòng rotavirus. Ngoài ra, nước ta cũng đang tiến hành sản xuất vắc xin “6 trong 1” với thành phần vô bào ho gà. Hiện nay, Bộ Y tế đã giao ba cơ quan nghiên cứu, mỗi cơ quan phát triển 1, 2 loại vắc xin. Bộ cũng thành lập hội đồng chung và ban chủ nhiệm đề tài để nghiên cứu phối trộn vắc xin “6 trong 1”. Hội đồng đang làm việc với các công ty, đơn vị triển khai sản xuất các loại vắc xin này. Dự tính đến năm 2017, Việt Nam sẽ sản xuất thành công vắc xin “6 trong 1” vô bào và đưa vào thử nghiệm, dự kiến đến năm 2020, vắc xin “6 trong 1” của Việt Nam sẽ được đưa ra thị trường.
Nhằm đảm bảo nhu cầu vắc xin cho thị trường trong nước, Việt Nam đang đẩy mạnh sản xuất vắc xin, tiến tới xuất khẩu. Dự kiến đến năm 2020, nước ta sẽ sản xuất và thương mại hóa được ít nhất 7, 8 loại vắc xin quan trọng như: vắc xin đa giá, vắc xin phòng rotavirus, viêm não Nhật Bản trên tế bào Vero, Hib cộng hợp, cúm mùa, thương hàn, dại và viêm gan A.
Bài và ảnh: Quang Nguyễn
Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…