Bác sĩ Tạ Anh Tuấn cảnh báo cách phát hiện và phòng tránh hiện tượng “đuối nước trên cạn” ở trẻ ngày hè.
Khi mùa hè nóng nực đang đến, người người nhà nhà lại đổ dồn đến các bãi biển, bể bơi để giải nhiệt cơ thể. Để tránh những tai nạn đáng tiếc cho trẻ, các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý đến một hiện tượng tuy không phổ biến nhưng vẫn có thể xảy ra ở bất cứ đâu: đó là chứng “chết đuối trên cạn”.
Mới đây, thông tin bé trai người Mỹ 10 tuổi tử vong sau khi đi bơi về đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, đặc biệt là những ông bố, bà mẹ có con nhỏ.
Cụ thể, bé trai Johnny khi đi bơi về thấy mệt mỏi, đã nói với mẹ và đi ngủ nhưng bà mẹ không biết đó là dấu hiệu nguy hiểm. Sau đó, bà hoảng hốt khi vào đánh thức con thấy bọt trắng tràn đầy mặt Johnny, cậu đang rất khó thở. Bà đưa con đến bệnh viện ngay nhưng vẫn không cứu được cậu bé. Các bác sĩ tại đó cho biết bé mắc hội chứng “secondary drowning”.
Trường hợp sau khi bơi bệnh nhân vẫn tự lên bờ bình thường, thậm chí vẫn sinh hoạt như mọi ngày, sau đó mới tử vong được gọi là hiện tượng chết đuối do các nguyên nhân thứ phát.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Tạ Anh Tuấn – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương, đuối nước có 3 hình thức:
Tình trạng phổ biến nhất, là khi nạn nhân bị chìm xuống nước, lúc hít vào, nước sẽ vào đường thở gây tình trạng thiếu ô xy. Bệnh nhân sẽ tử vong do thiếu ô xy, do ngừng tim, hoặc nếu cấp cứu được cũng gây ra các di chứng về thần kinh hay tổn thương các cơ quan.
Tình trạng này chiếm đa số và thường gặp nhiều nhất. Còn 2 hình thức còn lại rất hiếm gặp, chỉ chiếm 1 – 2% các trường hợp đuối nước, gọi là “dry drowning” và “secondary drowning”. Theo bác sĩ, các thuật ngữ này không chính thức về mặt y học, để dịch ra tiếng việt là rất khó.
– “Dry drowning” là tình trạng khi nạn nhân chìm xuống nước, ở thì hít vào sẽ có một lượng nhỏ nước đi vào đường thở, sẽ kích thích gây co thắt khí phế quản. Từ đó bệnh nhân sẽ có các dấu hiệu về hô hấp và có thể xảy ra muộn trong vòng vài giờ sau khi đã được cứu sống và lên bờ.
– “Secondary drowning” có nghĩa là những biến chứng muộn hơn sau khi bị đuối nước. Nguyên nhân do nước đi vào phổi gây tổn thương phổi, cụ thể là gây phù phổi do tổn thương các chât sulfactan ở phế nang. Tình trạng này có thể xảy ra muộn sau khi bơi lội vài giờ hoặc vài ngày.
Các dấu hiệu nhận biết sớm hiện tượng đuối nước:
– Trẻ mệt mỏi quá sức sau khi bơi, ăn kém
– Ho, khó thở, đau ngực
– Trẻ đột ngột thay đổi tâm trạng, thay đổi hành vi (cáu gắt, hung hăng…) mà không rõ nguyên nhân
Phương pháp điều trị: phụ thuộc vào mức độ tổn thương có thể thở ô xy hoặc phải thở máy nếu nặng.
Đề cập đến vấn đề này, tiến sĩ, bác sĩ Tạ Anh Tuấn – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu – Bệnh viện Nhi Trung ương đã đưa ra những lưu ý giúp phòng tránh các tai nạn có thể gặp khi đi bơi nói chung và chết đuối do các nguyên nhân thứ phát nói riêng.
Bố mẹ nên làm gì để hạn chế nguy cơ đuối nước ở trẻ?
1. Cho trẻ học bơi từ bé
Bác sĩ cho biết, tại nhiều nước trên thế giới, trẻ được làm quen với bộ môn bơi lội từ khi còn rất nhỏ và đó là bộ môn bắt buộc trong trường. Trong khi ở Việt Nam, bờ biển khá dài và địa hình rất nhiều ao hồ sông suối nhưng rất nhiều người không hề biết bơi: “Song song với việc học văn hóa, tôi nghĩ các bậc cha mẹ cũng cần chú trọng cho con học các kỹ năng sinh tồn từ nhỏ, trong đó bơi lội là một bộ môn không thể thiếu” – bác sĩ đưa ra lời khuyên.
2. Có sự giám sát chặt chẽ của người lớn
Nếu không sát sao với trẻ trong suốt quá trình vận động, bố mẹ sẽ không thể nắm rõ được tình hình sức khỏe của con cũng như các biểu hiện bất bình thường để theo dõi hoặc kịp thời xử lý.
3. Lựa chọn những địa chỉ hồ bơi uy tín
Khi quyết định cho trẻ đi bơi, bố mẹ nên chú ý lựa chọn những cơ sở tổ chức dịch vụ bơi lội có uy tín, được cấp phép, đầy đủ điều kiện như có giáo viên dạy bơi hay người bảo vệ, cứu hộ…
4. Cho trẻ khởi động kỹ càng trước khi xuống nước
Việc khởi động kỹ trước khi bơi sẽ giúp cơ thể làm quen dần với các vận động mạnh, tăng tiết dịch nhờn trong các khớp, giảm nguy cơ bị bong gân, chuột rút và nhiều rủi ro khác, giảm đau mỏi cơ sau khi bơi… Thời gian bơi cũng không nên quá lâu, tùy theo thể lực của trẻ để cân đối, tránh tình trạng vận động quá sức, gây co rút, mệt cơ, hao tổn năng lượng…
Những sai lầm thường gặp khi sơ cứu người đuối nước
Nói về hiện tượng đuối nước nói chung, bác sĩ Tạ Anh Tuấn cho biết, thời gian ngừng thở, ngừng tim càng lâu thì tình trạng của bệnh nhân càng nguy hiểm do tình trạng thiếu ô xy kéo dài dẫn đến nhiều cơ quan như thần kinh, tim, thận… đều bị tổn thương.
Nhiều trường hợp khi cấp cứu có thể tim đập trở lại nhưng các cơ quan khác vẫn tổn thương nặng nề. Mức độ tổn thương phụ thuộc vào thời gian bị thiếu ô xy và cả kỹ năng cấp cứu. Bên cạnh đó có thể có biến chứng tổn thương phổi như viêm phổi, ARDS… hoặc biến chứng tổn thương do thủ thuật cấp cứu ngừng tim không đúng cách.
Ngoài ra, nếu hiện tượng đuối nước xảy ra ở các ao hồ với nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, bệnh nhân còn thêm nguy cơ bị nhiễm khuẩn máu, nhiễm trùng phổi, tổn thương phổi… Bởi phản xạ đầu tiên của người đuối nước luôn là hít vào nên các chất bẩn cũng đi theo vào cơ thể.
Gặp các trường hợp đuối nước như trên, nhiều người thường lựa chọn các phương pháp sơ cứu truyền thống, nhưng cần đảm bảo thao tác phải đúng quy cách. Việc ép tim không đúng cách sẽ dễ gây dập phổi, tổn thương phổi, gãy xương sườn… khiến tình trạng của bệnh nhân càng nguy hiểm.
Đặc biệt, tuyệt đối không nên dốc ngược nạn nhân chạy bởi các hành động này dễ dẫn đến hiện tượng trào ngược, khiến bệnh nhân hít lại những chất trong ruột của mình, chính là những chất gây sặc và tổn thương phổi sau này.
Theo Khám phá
Nguồn: TTOnline
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…