Ngày10/8, Trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia ở Hà Nội, đã ghi nhận Phạm Sỹ Long (28 tuổi, trú Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đến đăng ký được ghép đầu mình vào thân người khỏe mạnh.
Hiện đã có 5 đơn đề nghị tương tự như Long.
Phạm Sỹ Long bị liệt sau khi bị ngã và tổn thương tủy sống năm 2003. Khi đó Long 15 tuổi, đang học lớp 9.
Thuở đi học, Long có mơ ước sau này được làm nghề đầu bếp hoặc được đi bộ đội, nhưng không may tai nạn đã gắn cuộc đời cậu trai trẻ với giường bệnh và chiếc xe lăn.
Gia đình quá nghèo khó nên Long không được chạy chữa gì nhiều, nhưng Long đã rèn viết chữ, vẽ tranh bằng miệng, đã sống rất lạc quan và giờ lại có thêm một hi vọng: nếu được ghép và được ngồi dậy với cánh tay khỏe mạnh, Long sẽ đi học nghề đầu bếp như mơ ước tuổi thơ.
Còn nếu ca ghép thất bại, Long nguyện được hiến xác cho khoa học.
Hiện, ghép đầu vẫn là một ca phẫu thuật gây tranh cãi khi chưa minh chứng được các kỹ thuật cần thiết đủ để nối ghép, tủy sống của 2 người có thể sống và hoạt động được bình thường.
Hôm 6/8, bác sĩ phẫu thuật thần kinh người Ý, Sergio Canavero, người đầu tiên công bố thực hiện ca cấy ghép đầu người trên thế giới, tuyên bố rằng bệnh nhân đầu tiên của ông là kỹ sư máy tính Valery Spiridonov, 31 tuổi.
Theo International Business Times, bệnh nhân Valery Spiridonov, chia sẻ về ca phẫu thuật trong buổi họp báo do hãng tin Rossiya Segonya của Nga tổ chức: “Tôi vẫn thường trò chuyện với Canavero để trao đổi tin tức. Theo tôi biết, ông ấy đang chuẩn bị tiết lộ một phần thông tin vào tháng 9 năm nay”.
Tại buổi họp báo, Spiridonov thuyết trình về dự án xe lăn mới nhất, một hệ thống tự động giúp cải thiện cuộc sống của bệnh nhân.
Tuy vậy, kỹ sư Spiridonov cho biết dự án của anh và Canavero hỗ trợ lẫn nhau và phẫu thuật ghép đầu sẽ không phổ biến rộng rãi.
Hiện tại, Bác sĩ Canavero đang lên kế hoạch tiến hành ca ghép đầu đầu tiên trên thế giới vào tháng 12/2017. Tuy nhiên, chi tiết ca phẫu thuật vẫn được giữ kín.
Thông tin chi tiết của ca phẫu thuật ghép đầu vẫn chưa được công bố. Từ khi giới thiệu kế hoạch lần đầu tiên vào tháng 2/2015, Canavero mới chỉ phác thảo ngắn gọn về cách tiến hành phẫu thuật.
Ông cũng thừa nhận phẫu thuật ghép đầu có nguy cơ cao, nhưng tin rằng khả năng thành công của ca mổ nằm ở kỹ thuật làm mát cả người cho và người nhận với nhiệt độ xuống tới 12 độ C để các tế bào không chết vì thiếu oxy trong quá trình cấy ghép.
Sau khi được ghép đầu, bệnh nhân sẽ được giữ trong tình trạng hôn mê trong nhiều tuần “để hạn chế chuyển động của phần cổ mới được ghép, trong khi các điện cực sẽ kích thích tủy sống để tăng cường kết nối với chiếc đầu mới”.
Khi được đánh thức, bệnh nhân có thể cử động và nói chuyện ngay lập tức, và sau khi được vật lý trị liệu chuyên sâu, bệnh nhân có thể đi lại trong vòng 1 năm sau đó.
Hồi giữa tháng 5, bác sỹ này đã dự kiến sẽ ra mắt êkip quốc tế của ông vào tháng 6 tới tại một hội nghị phẫu thuật thần kinh ở Maryland, Mỹ, gồm các bác sĩ đến từ Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc.
“Chúng tôi đang sắp xếp ngày để thực hiện ca cấy ghép ở Trung Quốc. Êkíp ở Trung Quốc đã thử nghiệm trên tử thi người để cải tiến công nghệ này”, bác sĩ Canavero tiết lộ.
Song thông tin từ RT cho rằng vị bác sĩ này khẳng định, bệnh nhân đầu tiên của ông là người Trung Quốc, dù trước đây ông nói người này là Valery Spiridonov. Theo Canavero, lý do là kỹ sư Spiridonov không thể nhận cái đầu hiến tặng ở Trung Quốc vì lý do sinh học và đạo đức.
Canavero cho biết vào tháng 1 năm nay, đối tác người Trung Quốc của ông, Xiaoping Ren, đã thực hiện thành công ca cấy ghép đầu cho một con khỉ. Theo vị bác sĩ này, con khỉ đã sống sót sau ca cấy ghép mà không bị bất kỳ tổn thương thần kinh nào trong vòng 20 giờ trước khi được cho chết vì lý do đạo đức.
Nhiều chuyên gia đã lên tiếng chỉ trích gay gắt kế hoạch này bởi không khả thi về kỹ thuậttrong việc nối tủy sống và không phù hợp về mặt đạo đức.
“Nếu Canavero thực sự tìm ra một kỹ thuật đột phá để nối lại tủy sống, vậy tại sao ông ấy không áp dụng cho những người bị chấn thương cột sống trước khi thử ghép đầu? Tôi cho rằng kế hoạch của Canavero chỉ là một ý tưởng hão huyền không khả thi”, Alberto Delitala, Chủ tịch Hiệp hội Giải phẫu Thần kinh Italy, nhận định.
Quế Chi (Tổng hợp)
Nguồn: Báo Đất Việt
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…