Tôi giao “nhiệm vụ” cho con gái đầu, mỗi buổi tối sau khi học bài xong phải kèm em học chữ. Em đang học lớp lá, cần làm quen với con chữ, con số để ít hôm vào lớp 1 không bị bỡ ngỡ.
Dẫu thấy thế cũng hơi… sớm, nhưng so với một số người đã đưa con đi luyện chữ, tôi thấy mình vẫn còn… chậm chán! Thành ra cũng không nặng nề việc con trước khi vào lớp 1 có biết chữ hay không, chủ yếu là chị em vừa học vừa chơi.
Học toán, chị Hai dạy em học thuộc lòng, 1+1, 1+2, 1+3…, khi kiểm tra lại, chỗ nào em chưa thuộc thì chị Hai bảo em xòe bàn tay ra để đếm các ngón… Em có vẻ thích thú với cách học này, thỉnh thoảng còn… đố ba, ba giả vờ không biết, em kêu ba xòe tay ra để em… dạy.
Vậy là tôi học được ở con cách dạy làm toán cho bé Út, không chỉ có đếm tay, mà còn dùng que.
Nhưng khi dạy chữ thì em hay quên. Em cứ lộn chữ n với u, chữ v với chữ ư, chữ ơ với chữ ô, chữ k với chữ h… Dạy sau quên trước. Chị Hai giận, quát, em cũng không vừa: “Chị la em không học nữa!”.
Chị đòi méc ba thì em đã méc trước: “Chị Hai la con!”. Thế là ba phải “bênh” em: “Con nói nhỏ nhẹ thôi, la lớn em quên hết!”. Chị Hai phân trần một hồi nhưng rồi cũng kiên nhẫn tiếp tục chỉ cho em.
Có hôm con gái lớn hỏi tôi một bài toán đố hai lời giải, một dạng toán thường làm, nhưng hôm ấy lại không nhớ cách giải. Tôi xem đề, vừa hỏi vừa gợi, nhưng con trả lời ngắc ngứ, tôi bực mình, đã suýt lớn tiếng.
Chợt nhớ hôm trước mình đã dặn con không được lớn tiếng với em, sẽ không tập trung mà nhớ được, hiểu được, nên tôi nén giận, ôn tồn chỉ bảo cặn kẽ. Chỉ một lúc là con nhớ lại, thấy mặt giãn ra, tôi hỏi: “Vậy bài này có dễ không?”, con lí nhí đáp: “Dạ dễ, nhưng con quên…”.
Tôi mừng là con hiểu được bài nhưng mừng hơn là bản thân mình đã biết kiềm chế, đã tự điều chỉnh để không tự vi phạm nguyên tắc của mình.
Một lần, đang xem một phim hay mà đến giờ cơm, con gái lớn nằn nì xin ba cho bưng chén cơm lên phòng khách vừa ăn vừa xem. Thấy con háo hức, tôi cũng xiêu lòng. Út thấy vậy cũng đòi lên ăn cùng với chị.
Tôi nghiêm mặt: “Bình thường con đã ăn chậm, bây giờ vừa xem vừa ăn thì bao giờ mới xong?”, rồi từ chối. Con bé mắt ngân ngấn nước: “Con hứa sẽ ăn nhanh…”. Tôi lại xiêu lòng, đồng ý nhưng dặn: “Chỉ hôm nay thôi nhé! Lần sau không được như thế đâu!”. Hôm đó hai chị em đều ăn nhanh và ăn xong thấy vui vẻ hẳn, làm cả nhà cũng vui.
Đôi lúc tôi thấy mình vì tự đặt ra nguyên tắc nên gò ép con cái theo nguyên tắc đó mà không phải lúc nào cũng phù hợp, không chỉ khó cho trẻ thực hiện mà bản thân còn cảm thấy không thực sự thoải mái.
Ví như tôi cứ buộc Út ngồi ăn ở nhà bếp để rồi dỏng tai nghe câu chuyện trên phim hoặc cả hai chị em không được xem phim, phải ăn vội ăn vàng để chạy lên mở ti vi thì có lẽ ăn cũng chẳng ngon. Mà con không vui thì bản thân tôi cũng không thể vui được.
Trên thực tế, hành vi của người lớn cũng phải luôn điều chỉnh cho phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Vì vậy, trong việc dạy con, cha mẹ phải biết điều chỉnh, sao cho việc dạy dỗ đạt kết quả tốt nhất.
Dĩ nhiên, điều chỉnh không có nghĩa là thay đổi tùy tiện, “tiền hậu bất nhất”, bởi nếu như thế, việc dạy dỗ sẽ khó khăn hơn, ít hiệu quả hơn.
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…