Categories: Tin tức y học

Cà gai leo có công dụng gì?

Tháng 7-2013, có dịp vào TP. Hồ Chí Minh, tôi mang đến tận nhà TS Võ Văn Chi một mẫu dây cà gai đang ủ chồi để nhờ định danh.

Sau khi trồng và theo dõi cây sinh trưởng và ra hoa, TS Võ Văn Chi phản hồi cho biết đó là Cà gai leo, còn có tên cà quýnh, cà quánh, cà gai dây, cà bò. Tên khoa học: Solanum procumhens Lour., thuộc họ Cà – Solanaceae.

Theo mô tả trong Từ điển cây thuốc Việt Nam, Cà gai leo là cây nhỏ sống nhiều năm, mọc leo hay bò dài đến 6m hay hơn. Thân hóa gỗ, nhẵn, phân cành nhiều; cành phủ lông hình sao và rất nhiều gai cong màu vàng. Lá mọc so le, hình bầu dục hay thuôn, xẻ thùy không đều, mặt trên có gai, mặt dưới có lông mềm hình sao màu trắng. Cụm hoa hình xim ở nách lá, gồm 2-5 (7-9) hoa màu tím nhạt. Quả mọng, hình cầu, khi chín màu đỏ. Hạt hình thận dẹt, màu vàng. Hoa tháng 4-5, quả tháng 7-9.

Cây ưa ẩm, ưa sáng và hơi chịu bóng, thường mọc rải rác ven rừng, lùm bụi, đồi gò, đất hoang, trong các hàng rào quanh làng bản vùng đồng bằng và trung du. Thu hái rễ và cành lá, rửa sạch, thái lát, phơi khô hay sấy khô để làm thuốc.

Theo Đông y, Cà gai leo có vị hơi the, tính ấm, hơi có độc; có tác dụng tán phong thấp, tiêu độc, tiêu đờm, trừ ho, giảm đau, cầm máu. Thường dùng trị cảm cúm, dị ứng, ho gà, đau lưng, đau nhức xương, thấp khớp, bệnh về gan, rắn cắn. Liều dùng 16-20g rễ hoặc thân, lá, dạng thuốc sắc, cao lỏng hoặc làm thành viên. Dùng ngoài lấy cây tươi giã nát, chiết nước uống và lấy bã đắp. Cao lỏng Cà gai leo dùng ngậm chữa viêm lợi, viêm quanh răng. Rễ Cà gai leo xát vào răng tránh say khi uống rượu. Nước sắc rễ Cà gai leo cho người say rượu uống để giã độc rượu, giã say.

Gần đây có chế phẩm Giải độc gan từ Cà gai leo và cây Bách bệnh (còn gọi là Bá bệnh, Mật nhơn) đều là những dược liệu rất tốt cho gan mật và làm tăng miễn dịch cơ thể. Thuốc này đã được nghiên cứu dược lý chứng minh có khả năng làm âm tính virus viêm gan mạnh tương đương với các thuốc tân dược hiện hành. Còn có khả năng ngăn ngừa và kìm hãm mạnh xơ gan tiến triển. Đã thử tác dụng trên gen gây ung thư của virus và gen ức chế ung thư p53 và Rb đều cho kết quả tốt.

Cà gai leo có tác dụng chống viêm, ức chế phù thực nghiệm và gây teo tuyến ức. Nó còn chống co thắt phế quản. Rễ cây cà gai leo có tác dụng chống độc của nọc rắn độc Cobra. Và còn có khả năng ngăn chặn sự tiến triển xơ gan trên chuột cống trắng thí nghiệm.

TS Võ Văn Chi cho biết tại Viện Dược liệu từ những năm 70 của thế kỷ trước đã chế các dạng thuốc: Solamin A từ rễ Cà gai leo, rễ Khúc khắc và rễ Ngưu tất, có tác dụng chữa thấp khớp và chống viêm hiệu quả; Solamin B từ rễ Cà gai leo và rễ Ngưu tất cũng có tác dụng chống viêm và giảm đau đối với chứng đau lưng cấp do lạnh và sang chấn; A.P.D bào chế từ Cà gai leo, Ngưu tất và Sâm đại hành, dùng chữa chứng viêm quanh răng, viêm lợi mủ chân răng và làm chậm lại thời kỳ tái phát của bệnh; Haina bào chế từ dạng chiết toàn phần của Cà gai leo, có tác dụng hạn chế sự phát triển của xơ gan, chống viêm, chống oxy hóa và chống colagenose, dùng chữa viêm gan mạn và viêm gan virus B có kết quả tốt.

Bài thuốc có Cà gai leo:

1- Chữa phong tê thấp, đau nhức các khớp chân tay: Rễ Cà gai leo 20g, rễ Cỏ xước 20g, Cành dâu 16g, Cối xay 12g, Hy thiêm 12g, Muồng truổng 12g, Cam thảo 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần sau bữa ăn.

2- Thấp khớp, thấp thũng: Cà gai leo 40g, sắc uống.

3- Phong thấp: Rễ Cà gai leo, rễ Xấu hổ, Thổ phục linh, rễ Cỏ xước, Kê huyết đằng, rễ Cỏ tranh, mỗi vị 16g. Sắc uống.

4- Chữa tê thấp, bàn chân tê buốt, sợ nước, sợ lạnh, khớp xương đau buốt: Rễ Cà gai leo, rễ Lá lốt, Quýt rừng, rễ Gấc, rễ Xuyên tiêu, Cốt khí củ, mỗi vị 20-30g. Sắc uống.

5- Chữa tê thấp: Rễ Cà gai leo, rễ Thổ phục linh, rễ Xích đồng nam, Dây chiều, Dây gắm, Dây mặt quỷ, Dây Tơ xanh, vỏ thân Ngũ gia bì, mỗi thứ 1/2kg. Chặt nhỏ, sắc nước cô thành 1 lít cao. Thêm 500g đường, cô còn 700ml. Đổ rượu 30o vào cho đủ 1 lít. Uống ngày 2 lần, mỗi lần 30ml.

6- Sưng mộng răng: Hạt Cà gai leo 4g, tán nhỏ, cho vào cái đồ đồng với một ít sáp ong, đốt xông khói bay lên vào hàm răng.

7- Ho, ho gà: Rễ Cà gai leo 10g, Lá chanh 30g. Sắc uống làm 2 lần trong ngày.

8- Rắn cắn: Rễ Cà gai leo 30-50g, rửa sạch, giã nhỏ hòa với khoảng 200ml nước, đun sôi để nguội, chiết lấy nước cho uống tức thì. Lại cho uống thêm 1 lần nữa. Sáng hôm sau cho uống nước sắc rễ Cà gai leo 15-30g rễ khô, nấu với 600ml nước còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng uống 3-5 ngày.

Theo báo Đà Nẵng

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

2 days ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

2 days ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

4 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

5 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

7 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

2 weeks ago