Tin tức thời sự

Buôn lậu ngà voi và sừng tê giác: Băng đảng nào đang lộng hành tại châu Phi?

Nhiều nước châu Phi được xem như là vương quốc của ngà voi và sừng tê giác. Vậy, những băng đảng nào đang tàn sát voi và tê giác tại đây. Trong số đó, liệu có cả người Việt Nam hay không?

“Sát thủ” cầm đầu đến từ đâu?

T  heo Navin Singh Khadka, phóng viên chuyên về môi trường của Đài BBC News, hàng ngàn con voi và tê giác từ những cánh rừng ở châu Phi đã bị giết để cưa lấy ngà, sừng mà sát thủ đa số là người Trung Quốc và Việt Nam.

Những chế phẩm từ ngà voi được buôn lậu khắp thị trường thế giới.

Rừng ở Tanzania là nơi có nhiều loại voi, tê giác quý, tuổi già nên cặp sừng rất có giá trị đối với bọn buôn lậu ngà voi và tê giác trên thế giới. Do đó, không chỉ là Tanzania, mà tổ chức Công ước về Buôn bán Quốc tế Các loài Động vật và Thực vật Hoang dã có Nguy cơ Tuyệt chủng (CITES) cũng rất quan tâm. Bởi thế, nhằm mục đích khuyến cáo, tại sảnh đi của sân bay quốc tế Julius Nyerere International Airport, Tanzania, nhân viên CITES đặt các tấm biển kêu gọi không buôn bán, vận chuyển ngà voi.

Trong bài phóng sự của mình, Khadka nhận xét rằng các mạng lưới tội phạm Đông Á tại châu Phi đã trở thành thách thức lớn nhất trong cuộc chiến chống lại nạn buôn bán bất hợp pháp ngà voi và tê giác trên toàn cầu, đúng như một bản phúc trình của CITES mới được công bố. Giới chức chống buôn lậu ngà voi quả quyết rằng, các băng đảng chủ yếu do công dân Trung Quốc và Việt Nam điều hành trên toàn châu lục này đã phát triển mạnh tới mức chưa từng có trong những năm gần đây. Bọn tội phạm hỗ trợ cho các hoạt động săn bắn trộm và tham gia vào quá trình xử lý sản phẩm thô, chuyển những khối hàng lớn trên toàn châu Phi đi các nơi khác trên thế giới, nhiều nhất là đưa về Trung Quốc, Malaysia, Singapore và cả Việt Nam.

Theo nhà báo Khadka, kết quả điều tra chủ yếu dựa trên số các vụ bắt giữ ngày càng tăng một số cá nhân người Trung Quốc và Việt Nam trong các vụ tịch thu hàng quy mô lớn. Các chuyên gia chống buôn lậu nói rằng trong một số vụ, còn có cả các công dân Thái Lan và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

Số sừng tê giác buôn lậu vào Việt Nam bị bắt giữ.

Nhân viên hải quan Malaysia bắt một trùm buôn lậu vận chuyển hàng trăm kg ngà voi từ châu Phi về Kuala Lumpur.

Theo bản phúc trình được soạn cho tổ chức CITES, thì: “Vào lúc này, các mạng lưới tội phạm châu Á, thường là kết hợp với giới chính trị gia và giới doanh nhân cao cấp ở địa phương, đang hoàn toàn kiểm soát việc cung ứng ngà voi thô ra khỏi châu Phi. Điều này càng trở nên trầm trọng, bởi ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự tham dự trực tiếp của những trùm buôn lậu Trung Quốc vào các hoạt động chế biến ngà voi tại châu Phi, bao gồm các nước Angola, Zambia, Togo, Tanzania, Bờ Biển Ngà, Cộng hòa Dân chủ Congo, Mozambique, Nigeria, Nam Phi và Zimbabwe”.

Sau khi mua được số ngà voi buôn lậu từ châu Phi, theo điều tra của CITES, chủ những cơ sở chế biến thường chế thành thành phẩm trước khi vận chuyển về châu Á và khắp nơi trên thế giới. Còn sừng tê giác thì để nguyên, chỉ làm vệ sinh và bảo quản.

Theo giới chức an ninh Tanzania, số các vụ tịch thu ngà voi quy mô lớn như sau: 2011-2014: 61 vụ, 1998-2006: 32 vụ, 1989-1997: 17 vụ và số ngà voi tịch thu được của bọn buôn lậu lên đến hàng trăm tấn. Các nước có hoạt động buôn bán bất hợp pháp ngà voi lớn nhất ở châu Phi là Kenya, Tanzania và Uganda. Còn các nơi có hoạt động buôn bán bất hợp pháp lớn nhất bên ngoài châu Phi là Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Hongkong, Singapore và Malaysia.

Theo CITES, ngà voi được dùng chủ yếu làm vòng đeo tay, bảng gắn tên và đũa, rồi được vận chuyển sang Đông Á. Traffic, cơ quan chuyên điều tra hoạt động buôn bán động thực vật hoang dã và là đơn vị chuẩn bị bản phúc trình gửi cho CITES, ghi nhận có nhiều vụ tịch thu ngà voi quy mô lớn trong thời gian từ 2011-2014, tăng mạnh so với con số 32 vụ trong thời gian từ 1998-2006. Trong hầu hết các vụ tịch thu này đều có các công dân Trung Quốc và Việt Nam bị bắt giữ, tình huống rất là đặc biệt, khi mà những người từ thị trường tiêu thụ thành phẩm nay lại có mặt tại nơi cung ứng và những người ở cả hai bên này đang điều hành hoạt động tàn sát voi quý hiếm.

Nữ vương ngà voi

CITES đưa ra con số, hơn 30.000 con voi bị giết tại châu Phi mỗi năm để lấy ngà, chủ yếu để bán sang thị trường Trung Quốc và Việt Nam. Số tê giác thì ít hơn, khoảng 12.000 con. Theo nhà báo Khadka, có khoảng 87% các vụ tịch thu ở Ethiopia, một cổng đi lại hàng không quan trọng nối liền châu Phi với châu Á, có liên quan tới các công dân Trung Quốc trong năm 2014. Đại sứ quán Trung Quốc và Việt Nam tại Mozambique, quốc gia châu Phi được nêu trong bản phúc trình như một căn cứ ưa thích của các băng đảng tội phạm Đông Á đã không phản hồi các câu hỏi của phóng viên Khadka về vấn đề nhạy cảm này.

Dương Phong Cách Lan – “Nữ vương ngà voi” đã bị tòa án Tanzania xử án tù.

Vụ bà Dương Phong Cách Lan (Yang Feng Glan) được giới chống buôn lậu đặt cho biệt danh là “Nữ vương ngà voi”, đã từng một thời gây xôn xao dư luận Trung Quốc và thế giới. Nay 67 tuổi, sau nhiều năm nổi tiếng là trùm buôn lậu ngà voi khắp châu Phi, một nữ doanh nhân Trung Quốc của hội tam hoàng nhánh châu Phi, bị chính quyền Tanzania bắt giữ và ra hầu tòa ngày 7/10/2015 ở Dar es Salaam, thành phố lớn nhất Tanzania, với cáo buộc cầm đầu đường dây buôn lậu gần 1,9 tấn ngà voi trị giá 2,7 triệu USD. Hai doanh nhân người Tanzania là Manase Philemon và Silvanus Matembo (đều 39 tuổi) cũng nối gót bà này ra tòa. Theo cáo trạng, ba nghi phạm bị cáo buộc từ ngày 1/1/2000-22/5/2014 buôn lậu 706 ngà voi, nặng tổng cộng 1.899 tấn, lấy từ khoảng 350 con voi bị giết. Các công tố viên cho biết bà này là một trong những tay buôn lậu khét tiếng nhất thế giới. Đến ngày 12/10/2015, phiên tòa bị hoãn, và nếu bị kết tội, bà có thể bị tuyên án từ 20-30 năm tù.

Nhóm chuyên trách chống buôn lậu động vật hoang dã thuộc Đơn vị Điều tra tội phạm nghiêm trọng quốc gia và xuyên quốc gia (NTSCIU) của Tanzania đã bắt bà hồi đầu tháng 10/2015 khi đó, bà vừa từ Uganda trở lại Tanzania sau một thời gian biến mất vì bị phát hiện vào năm 2014. Theo điều tra của NTSCIU, những năm 1980, bà Dương từ Trung Quốc đến Tanzania làm thông dịch viên, sau đó trở thành trùm buôn lậu ngà voi, bắt tay với những kẻ săn trộm và kinh doanh ngà voi hàng đầu ở Tanzania và trong khu vực này. Số lượng voi ở Tanzania giảm mạnh từ 109.051 con (năm 2009) xuống còn 43.330 con (năm 2014). Bà có quan hệ với nhiều công ty do người Trung Quốc làm chủ, giao du với giới giàu có người Trung Quốc sống và làm việc tại Tanzania.

Theo CITES, các băng đảng đã được dung dưỡng và phát triển vô cùng nhanh chóng trong những năm gần đây. Trên 6.000 con tê giác châu Phi đã bị giết chết trong khoảng 10 năm qua để lấy sừng. Giới chức ở châu Phi vào lúc này hầu như chỉ chú trọng tới cấp độ bên dưới chứ chưa tập trung vào các mạng lưới tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Những mạng lưới này hoạt động hiệu quả một cách tàn nhẫn, ở thế thượng phong, được bảo vệ, được hỗ trợ và được tiếp tay bởi các quan chức tham nhũng. Các nhà điều tra nói rằng việc thiếu hoạt động điều tra chi tiết sau khi thu giữ khiến các băng đảng không bị lột mặt nạ.

Kết quả nghiên cứu của nhà báo Khadka và Bản phúc trình gửi CITES, đã được trình lên cuộc họp quan trọng của CITES tại Nam Phi hồi tháng 9/2015. Tổ chức này đã mở các chiến dịch chống bọn săn bắt voi và tê giác ở tại những nước nhạy cảm như đã nêu. Với trách nhiệm to lớn, CITES lên tiếng khuyến cáo chính phủ những nước có tình trạng săn bắt voi và tê giác hãy có biện pháp tích cực chống bọn buôn lậu.

Các nguồn cung ứng ngà voi và sừng tê giác quan trọng khác ở châu Phi là Congo, Cameroon và Gabon. Trung tâm phân phối lớn trong khu vực: Nigeria. Quy mô hơn, tại châu Phi, Trung Quốc mở công khai những trung tâm xử lý ngà voi ở các quốc gia như Angola, Congo, Bờ Biển Ngà, Cộng hòa Dân chủ Congo, Mozambique, Nigeria, Nam Phi và Zimbabwe. Cổng vận chuyển đường hàng không chủ chốt là Ethiopia. Căn cứ vận chuyển ngà voi và sừng tê giác là: Mozambique.

“Họ chuyển những lô hàng lớn độ một tấn, hai tấn hoặc ba tấn ngà voi và tê giác. Những mối làm ăn cò con thì không thể đạt được mức đó” – ông Milliken, người viết bản phúc trình gửi CITES nói – “Kết quả xét nghiệm DNA với số ngà voi và sừng tê giác được đưa ra khỏi Togo cho thấy đó là số chúng đến từ phía bên kia của châu Phi. Điều này cho chúng ta thấy các băng nhóm tội phạm này có khả năng hoạt động trên toàn châu lục ra sao. Nó được tổ chức khắp nơi ở châu Phi”.

Lê Miên Tường

Nguồn: Báo Tầm Nhìn

adminyhoc

Recent Posts

Hiểu biết đầy đủ về bệnh túi thừa

Bệnh túi thừa xảy ra ở khoảng 5% và tăng mạnh ở dân số phương…

5 days ago

Các bước cải thiện sức khỏe đường ruột

Sức khỏe đường ruột khỏe mạnh, bao gồm môi trường đường ruột cân bằng và…

5 days ago

Mối liên hệ giữa hệ vi sinh đường ruột bệnh vảy nến, bệnh chàm

Bệnh vảy nến là căn bệnh da liễu khá phổ biến với các biểu hiện…

5 days ago

Sự thay đổi hệ vi sinh đường ruột ảnh hưởng đến sức khỏe người cao tuổi như thế nào?

Sự thay đổi các vi sinh vật trong hệ vi sinh đường ruột ảnh hưởng…

6 days ago

Vi khuẩn đường ruột thay đổi gây lão hóa khi lớn tuổi như thế nào

Các loại vi khuẩn trong ruột của người già rất khác nhau và có liên…

6 days ago

Nguy cơ mắc bệnh tim mạch do mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột

Y học đã chứng minh khi hệ vi sinh đường ruột mất cân bằng có…

6 days ago