Chiều 16/5, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội vận động hiến mô và bộ phận cơ thể người Việt Nam, Nguyễn Thị Kim Tiến đã gặp gia đình người hiến tạng V.T.A.P. của ca ghép tạng xuyên Việt lần thứ 2.
Bộ trưởnggửi lời cảm ơn đến thân nhân, đồng thời trao tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân cho gia đình người hiến tạng.
Bộ trưởng cho rằng, quyết định hiến tạng con mình chẳng may bị chết não do tai nạn giao thông là việc không phải ai cũng làm được. Quyết định đó đã mang lại sự hồi sinh cho 6 người bệnh đang chờ ghép mô – tạng, trong đó có 2 trường hợp được cứu tại Hà Nội.
“Nếu người chết được thiêu, thân thể trở về tro bụi, nếu được chôn cất thì cũng thành bùn đất. Nhưng nhờ tấm lòng cao cả, họ đã cứu sống rất nhiều người. Trái tim của họ vẫn đập trong lồng ngực của người được nhận”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Nội tạng được hiến của người chết não được chuyển đi hàng nghìn cây số từ TP HCM đến Hà Nội. Các bác sĩ phải chạy đua giành giật từng phút với tử thần để nối dài sự sống cho bệnh nhân. Đây cũng là ca ghép tạng xuyên Việt thứ 2 được thực hiện thành công.
Bộ trưởng Kim Tiến chia sẻ: “Vượt qua tâm lý sợ hãi và rào cản từ gia đình, xã hội, nhiều người đã tình nguyện hiến tạng khi còn sống và sau khi mất, để cứu những người không may mắc bệnh hiểm nghèo. Người nhận tạng hiến có thể là người thân, hay người hoàn toàn xa lạ. Những tấm lòng cao cả xứng đáng được tôn vinh, và gương sáng của họ cần được nhân rộng trong xã hội để sự sống được kéo dài mãi mãi”.
Tại buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao sự nỗ lực của ban lãnh đạo và các đơn vị của Bệnh viện Chợ Rẫy đã tham gia vào ca ghép tạng, phối hợp một cách nhuần nhuyễn để mang lại kết quả tốt cho quá trình nhận và ghép tạng.
Bộ trưởng cũng tuyên dương Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, và Phòng Công tác xã hội BV Chợ Rẫy đã theo dõi, chăm sóc cho người sau hiến tạng.
Những công việc thầm lặng này đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển của lĩnh vực hiến – ghép mô – tạng từ người hiến tạng chết não hay ngừng tim tại Việt Nam trong tương lai.
PGS – TS – BS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, từ tháng 4/2008 đến tháng 4/2016 (8 năm), BV Chợ Rẫy nhận được 16 trường hợp tình nguyện hiến mô – tạng khi qua đời, trong đó có 13 trường hợp hiến tặng khi chết não và 3 trường hợp hiến tặng khi tim ngừng đập. Theo đó, bệnh viên nhận được 27 thận, 4 gan, 2 tim, 1 khối tim – phổi, 12 giác mạc, cứu sống 46 người.
Riêng trong năm 2015, một năm sau ngày Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người BV Chợ Rẫy thành lập, bệnh viên nhận được 7 trường hợp. Năm 2016 có 2 trường hợp: 1 trường hợp ngừng tim ở nhà chỉ hiến được 2 giác mạc, và 1 người chết não hiến đa tạng.
Đến nay, Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người BV Chợ Rẫy đã nhận được 1.848 đơn tình nguyện hiến tặng mô tạng nhân đạo khi qua đời.
Năm 2013, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng ký hiến toàn bộ mô tạng khi chết não. Bà cho rằng việc này rất bình thường, khi có hàng chục nghìn người đang chờ được ghép tạng.
Khánh Trung
Nguồn: Zing
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…