Trong ba lô cô nữ sinh để lại có 5 lá thư tuyệt mệnh, trong đó có 2 bức gửi cho bố mẹ, còn lại gửi cho chị gái, bạn bè. Tất cả đều có nội dung thể hiện sự buồn chán, thất vọng vì kết quả học tập không đáp ứng được sự kỳ vọng của bố mẹ, người thân.
Bức thư nạn nhân gửi bố mẹ có đoạn: “Con luôn suy nghĩ rằng phải đậu trường công an hay y cho bố mẹ vui lòng, nhưng con thực sự rất mệt, con mệt lắm, con buông xuôi tất cả. Con không thể hoàn thành nó được…”.
|
Một trong năm bức thư của nữ sinh lớp 11 – Ảnh: Người lao động. |
Trang vốn là con út trong gia đình, hai người chị đều không học đến nơi đến chốn nên mọi kỳ vọng của cha mẹ đều đổ dồn vào em. Năm lớp 11, Trang là học sinh tiên tiến nhưng kết thúc kỳ thi học kỳ 1 vừa rồi, điểm thi của Trang không cao, chỉ xếp loại học sinh trung bình.
Việc cha mẹ đòi hỏi con phải đạt điểm cao, kỳ vọng vào thành tích học tập của con không phải là điều quá xa lạ ở Việt Nam. Giáo sư, tiến sĩ Vũ Gia Hiền, thành viên hội khoa học tâm lý và giáo dục TPHCM, nhận xét, tâm lý người Việt Nam thường coi trọng thành tích hơn hiệu quả thực tế nên nhiều khi có những kỳ vọng sai lầm. Ở phạm vi gia đình, cha mẹ thường quá đề cao thành tích học tập của con.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên trường đại học Sư phạm Hà Nội, cũng đồng tình rằng cha mẹ Việt thường khao khát con có một thành tích học tập tốt, một công việc có vẻ oai (chứ không hẳn là lương cao, là hiệu quả, là đúng khả năng của con). Việc cha mẹ quá kỳ vọng vào kết quả học tập của con sẽ khiến đời sống của trẻ nghèo nàn và không có nhiều mục tiêu để sống.
Các chuyên gia đều khẳng định sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ không giúp con tiến bộ hơn mà ngược lại còn khiến con thất vọng, sợ hãi, có suy nghĩ rất cực đoan khi kết quả không được như ý.
Thùy Trang không phải là trường hợp đầu tiên tự tử khi không đáp ứng được kỳ vọng trong học tập của cha mẹ. Cách đây một tháng, một học sinh lớp 9 ở Gò Vấp, TP HCM đã nhảy từ lầu ba của trường xuống đất sau khi bị mẹ mắng vì chểnh mảng trong học tập, có điểm số không tốt ở một số môn. Bình thường, em là một học sinh khá giỏi, ngoan ngoãn, được thầy cô cũng như bạn bè quý mến, là một đứa con út trong gia đình rất được yêu thương. Do nhảy từ độ cao khoảng 12m xuống sân trường bằng bê tông, nam sinh này bị chấn thương rất nặng.
Hay trước đó, một nữ sinh lớp 8 ở Bình Thuận và một nữ sinh lớp 8 ở Quảng Nam đều uống thuốc sâu tự tử vì chán sống khi luôn bị bố mẹ mắng do thành tích học tập kém.
Bà Hương cho rằng, bản thân người lớn khi bị kỳ vọng quá cao cũng sống rất áp lực khổ sở chứ không chỉ là trẻ em. Bởi vì để đáp ứng được kỳ vọng, ta sẽ phải làm việc rất vất vả, phải cố gắng vô cùng. Ngược lại nếu làm không được, người ta dễ xuất hiện cảm giác thấy mình vô dụng, tồi tệ, thất vọng với bản thân. Không chỉ trẻ cấp hai, cấp ba, mà ngay trẻ tiểu học khi được kỳ vọng lớn mà không thực hiện được cũng đã có suy nghĩ rất tiêu cực.
Bà Hương vẫn còn nhớ một học sinh tại trung tâm kỹ năng sống của mình. Cô bé này được đánh giá là một ngôi sao toán học trong lớp. Một lần, bé làm bài sai, cô giáo khen các bạn khác và không nói gì đến bé khiến bé cảm thấy hụt hẫng vô cùng, cảm thấy mình như kẻ bất tài. Vậy là cô bé bỏ tất cả các môn học khác, chỉ để tập trung học toán. Việc phải gánh một kỳ vọng quá lớn khiến đứa trẻ luôn phải gồng mình, rất nhiều trường hợp đã bị mắc bệnh tâm lý, trầm cảm vì học quá sức.
Theo các chuyên gia giáo dục, thay vì đòi hỏi con phải đạt thành tích cao trong học tập, cha mẹ nên hướng con đến nhiều mục tiêu khác trong cuộc sống, ví dụ chơi thể thao, giúp đỡ cộng đồng… dựa trên sự tự nguyện của trẻ, để khi trẻ thất bại với mục tiêu học tập, bé vẫn còn những thứ khác để bấu víu. Cha mẹ không nên đặt mục tiêu cho trẻ mà hãy để trẻ tự đặt mục tiêu cho mình, như thế trẻ sẽ dễ phấn đấu và thành công hơn. Cha mẹ có thể phân tích cho con cái hay cái dở của mục tiêu đó, hướng con đến mục tiêu phù hợp với khả năng của con.
Tiến sĩ Hương cũng chia sẻ cách giáo dục con gái của mình. Cô bé từ lâu có mục tiêu cấp ba thi đỗ trường chuyên Amsterdam. Mẹ phân tích cho con thấy những ưu và khuyết điểm của mục tiêu đó, ví dụ vào trường này sẽ được học những thầy cô giỏi, có bạn bè giỏi, chất lượng học tập tốt nhưng áp lực học tập rất cao, sự cạnh tranh giữa các bạn trong lớp lớn. Cuối cùng cô bé đã chuyển mục tiêu xuống một trường hạng hai để vừa sức mình hơn.
Giáo sư Hiền cũng khuyên, để trẻ phát triển tốt hơn, thay vì kỳ vọng con thì cha mẹ nên có phương pháp cụ thể để rèn luyện bản lĩnh cho con, dựa trên đặc điểm và khả năng của con. Cha mẹ có thể giao cho con làm những việc khó hơn khả năng của con một chút, chỉ một chút thôi, như thế con sẽ gắng sức mà đạt được. Nếu cha mẹ đòi hỏi cao quá, con không thể làm được sẽ thất vọng, chán chường và có thể làm những điều dại dột.
Kim Kim
Nguồn: VnExpress
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…