Đâu là cách tránh thai tốt nhất cho trường hợp của mình là vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong 2 giờ diễn ra buổi tư vấn trực tuyến chủ động tránh thai an toàn.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Văn Hiền – Tổng thư ký Hội Sản phụ khoa TP HCM cho biết, không có biện pháp tránh thai nào là tối ưu cho tất cả mọi người. Do vậy để có thể chọn biện pháp tránh thai hiệu quả và an toàn nhất cho từng cá thể, mọi người nên đến khám và tư vấn tại các phòng khám chuyên khoa kế hoạch hóa gia đình.
Với những cặp vợ chồng trẻ chưa sinh con, muốn ngừa thai, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng – Phó chủ tịch Hội Sản phụ và Sinh đẻ có kế hoạch Việt Nam dẫn khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới uống thuốc viên nội tiết tránh thai vì đây là biện pháp an toàn và hiệu quả, cũng có thể sử dụng bao cao su kèm theo.
Việc chủ động tránh thai giúp chị em tròn vai thiên chức, bởi biết cách thiết lập cuộc sống năng động và hiện đại.
Dưới đây là phần tư vấn của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng – Phó chủ tịch Hội Sản phụ và Sinh đẻ có kế hoạch Việt Nam; Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hà – Trưởng khoa hậu sản M, Bệnh viện Từ Dũ; Thạc sĩ, bác sĩ Lê Văn Hiền – Tổng thư ký Hội Sản phụ khoa TP HCM với độc giả.
– Thưa bác sĩ, tôi sinh con được một năm, vợ chồng tôi kế hoạch 5 năm nữa sinh lại, trong thời gian kế hoạch nếu tôi sử dụng thuốc tránh thai thì sau 5 năm tôi có thể sinh con được không thưa bác sĩ? (Nguyễn Nhật Uyên)
– Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng:
Chào bạn,
Thuốc tránh thai có thể được sử dụng an toàn để ngừa thai trong 5 năm như bạn mong muốn. Bạn cần nhớ uống thuốc đều đặn mỗi ngày và đúng giờ thì hiệu quả ngừa thai rất cao, trên 99%.
Thuốc ngừa thai không ảnh hưởng gì đến khả năng sinh sản sau này cũng như không gây ung thư và các bệnh lý tim mạch. Một vài phụ nữ lo lắng về thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch khi uống thuốc ngừa thai nội tiết. Tuy nhiên, nếu so sánh nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch của thuốc ngừa thai nội tiết (khoảng 10 đến 20 trên 100.000 phụ nữ) với nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch ở người phụ nữ mang thai và sau sinh (khoảng từ 50 đến 200 trên 100.000 phụ nữ) thì tỷ lệ này ở người uống thuốc ngừa thai thấp hơn nhiều.
– Xin chào chuyên gia tư vấn!
Xin cho tôi hỏi biện pháp an toàn trong tránh thai hiện nay là gì? Thuốc tránh thai hàng ngày có an toàn không và khi dùng có bị tác dụng phụ không, có bị nám mặt không? (kato, 29 tuổi)
– Thạc sĩ, bác sĩ Lê Văn Hiền:
Chào bạn,
Hiện nay các thuốc tránh thai với hàm lượng nội tiết thấp và thế hệ mới ít tác dụng phụ cũng như ít thay đổi cân nặng của người phụ nữ. Tuy nhiên, một số tác dụng phụ nhẹ như nhức đầu, đau bụng, buồn nôn… có thể xảy ra ở một số ít người. Do vậy, bạn cứ yên tâm sử dụng để chủ động tránh thai.
Các nội tiết estrogen và progestogen thế hệ mới ít gây nám da. Tuy nhiên, một số người có làn da nhạy cảm với nội tiết (nám da khi mang thai) thì nên đi khám và tư vấn bác sĩ trước khi quyết định chọn phương pháp tránh thai phù hợp nhất.
– Bác cho con hỏi: con năm nay 33 tuổi mới sinh mổ bé lần hai, lần một con cũng sinh mổ. Bé thứ hai được 10 tháng rồi ạ. Con muốn đặt vòng tránh thai nhưng nhiều người bảo không nên đặt vì con sinh mổ hai lần. Bác có thể tư vấn giúp con cách nào tốt nhất không ạ? Con cảm ơn! (Hương Lan)
– Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng:
Chào con,
Tiền sử hai lần sinh mổ và lần mổ lấy thai thứ nhì cách đây 10 tháng không ảnh hưởng gì đến việc đặt vòng để tránh thai vì vết mổ trên tử cung đã lành sẹo. Ngoài việc đặt vòng thì con có thể uống thuốc viên nội tiết hàng ngày để ngừa thai an toàn và hiệu quả. Sử dụng bao cao su cũng rất tốt vì đồng thời có thể ngăn chặn các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhưng bao cao su có tỷ lệ vỡ kế hoạch cao nhất là đối với các cặp vợ chồng trẻ tuổi.
– Cháu mổ đẻ và sinh được một cháu. Trong khi tránh thai cháu dùng thuốc tránh thai khẩn cấp mấy lần. Hiện tại cháu bị kinh nguyệt 2 lần trong tháng. Cháu đã đi khám 2 lần bệnh viện phụ sản, bác sĩ bảo bị rối loạn kinh nguyệt và uống thuốc nhưng không khỏi. Cháu muốn hỏi nên dùng thuốc nào hiệu quả hơn và cháu muốn dùng biện pháp tranh thai đặt vòng có được không? Hay dùng biện pháp khác tốt hơn vì cháu muốn sau sẽ sinh tiếp ạ. Cháu xin cám ơn các chuyên gia. (Nguyễn Thị Tuyến, 29 tuổi, Khoái châu – Hưng Yên)
– Bác sĩ Lê Văn Hiền:
Chào bạn,
Bạn không nên dùng thuốc tránh thai khẩn cấp như một biện pháp tránh thai thường quy vì nó có một số tác dụng phụ, đặc biệt là rong huyết và hiệu quả ngừa thai thấp hơn so với các viên thuốc tránh thai hàng ngày. Thuốc tránh thai khẩn cấp chỉ nên dùng trong những tình huống quan hệ tình cờ, không được bảo vệ. Dùng càng muộn sau quan hệ, hiệu quả ngừa thai sẽ càng thấp. Bạn không nên dùng quá 2 viên trong tháng. Tốt nhất, bạn nên dùng viên thuốc tránh thai kết hợp hàng ngày để chủ động ngừa thai.
– Thưa bác sĩ!
Em năm nay 24 tuổi, em mới kết hôn hồi tháng 9. Em lấy chồng bên đạo Thiên Chúa giáo (em không tôn giáo), theo quan điểm và tín ngưỡng thì các biện pháp tránh thai như uống thuốc, đặt vòng, bao sao su thì không được phép. Và chỉ có thể là dùng biện pháp tự nhiên theo chu kì kinh nguyệt canh ngày.
Hiện tại vợ chồng em chưa muốn có em bé, mà kinh nguyệt của em không đều nên khó canh. Vậy cho em hỏi còn biện pháp nào an toàn và hiệu quả để tránh thai không ạ? Nếu muốn sinh con thì em cần tiêm những loại vắcxin nào và khám tiền sản như thế nào ạ? Xin bác sĩ tư vấn giúp em ạ. Em cảm ơn. (NGUYỄN THỊ THU HÀ, 24 tuổi, 31/81/3 đường số 3 p. Bình Hưng Hòa A quận Bình Tân)
– Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng:
Chào em,
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo các cặp vợ chồng trẻ chưa sinh con, muốn ngừa thai, nên uống thuốc viên nội tiết tránh thai vì đây là biện pháp an toàn và hiệu quả. Em cũng có thể sử dụng bao cao su kèm theo.
Các biện pháp ngừa thai tự nhiên cũng có tác dụng tốt, tuy nhiên, tỷ lệ vỡ kế hoạch có thể 15 đến 20 trong 100 phụ nữ mỗi năm, nhất là đối với những cô gái có kinh nguyệt không đều như em.
Vấn đề khám tiền sản và tiêm vắcxin trước khi mang thai là rất tốt, hoan nghênh em đã nghĩ đến việc này. Em nên khám sức khỏe tổng quát, khám phụ khoa, siêu âm và các xét nghiệm để phát hiện và điều trị các bệnh lý nội khoa, ngoại khoa, phụ khoa nếu có trước khi mang thai, như thế sẽ đảm bảo việc “làm mẹ an toàn”, tức là mẹ và thai nhi đều an toàn.
Sau khi khám trước khi mang thai, các bác sĩ sẽ cho xét nghiệm tìm kháng thể một số các bệnh lây nhiễm có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Khi đó chúng ta sẽ biết cần phải tiêm vắcxin nào. Em có thể đã nhiễm một số bệnh như viêm gan siêu vi B hay Rubella và đã có kháng thể nhưng vì không triệu chứng rõ rệt nên em không thể tự biết.
– Em không muốn sử dụng các biện pháp tránh thai có ảnh hưởng đến nội tiết. Nhưng dùng bao cao su hay tính ngày rụng trứng xác suất không an toàn thì phải? Xin bác sĩ cho ý kiến về biện pháp an toàn mà không ảnh hưởng sức khỏe phụ nữ. (Nguyễn thị huyền, 29 tuổi)
– Bác sĩ Lê Văn Hiền:
Chào Huyền,
Hiện nay nhiều bạn có những hiểu lầm về viên thuốc tránh thai hàng ngày sẽ ảnh hưởng đến nội tiết và khả năng sinh sản. Nhưng, quan niệm này hoàn toàn không đúng. Vì viên thuốc tránh thai hàng ngày sẽ giúp điều hòa kinh nguyệt đều đặn, và hiệu quả ngừa thai khá cao, lên đến 99% nếu dùng đúng cách. Ngay cả những trường hợp bị rối loạn kinh nguyệt, bác sĩ cũng thường kê toa thuốc tránh thai để điều hòa nội tiết và kinh nguyệt.
Về phương pháp tự nhiên tránh quan hệ quanh ngày rụng trứng có hiệu quả ngừa thai thấp, đặc biệt đối với những phụ nữ có chu kỳ kinh không đều.
Để có thể chọn phương pháp tránh thai an toàn và phù hợp nhất còn tùy thuộc vào cơ địa, điều kiện, hoàn cảnh và công việc của mỗi người. Do đó, bạn nên đi khám phụ khoa để được bác sĩ tư vấn chọn phương pháp tránh thai tốt nhất cho bạn.
– Cháu năm nay 26 tuổi, hiện đang nuôi con nhỏ 6 tháng. Cháu sinh mổ 2 lần. Theo cháu tìm hiểu thì sinh mổ sẽ rất khó đặt vòng tránh thai. Vậy cháu nên dùng biện pháp tránh thai nào cho phù hợp, tiện lợi mà không ảnh hưởng tới sức khỏe của bé và mẹ ạ? Cháu cảm ơn các bác sĩ nhiều. (Nguyễn Thị Duyên, 26 tuổi, Minh Đức, Mỹ Hào, Hưng Yên)
– Bác sĩ Lê Văn Hiền:
Chào Duyên,
Sau sinh mổ, bạn vẫn có thể đặt vòng tránh thai. Tuy nhiên, đặt vòng tránh thai có hiệu quả ngừa thai thấp hơn so với thuốc tránh thai hàng ngày (nếu dùng đúng cách), có một số chống chỉ định và điều kiện đặt vòng. Do vậy, trước khi quyết định đặt vòng, bạn cần phải khám phụ khoa để kiểm tra các chống chỉ định và điều kiện đặt vòng.
Trong thời gian cho con bú, bạn vẫn có thể sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày chỉ chứa progestogen. Loại này có hiệu quả ngừa thai cao và không ảnh hưởng đến sữa mẹ.
– Bác sĩ Lê Văn Hiền:– Từ trước đến nay, khi quan hệ với vợ, tôi đều xuất tinh ra ngoài. Tôi sợ hành động này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.
Vậy xin hỏi bác sĩ, ngoài xuất tinh ra ngoài thì nam giới có cách nào khác để giúp vợ không có thai ngoài ý muốn không? (Thành Nam, 40 tuổi, Vĩnh Long)
Chào anh,
Biện pháp tránh thai xuất tinh ngoài không ảnh hưởng đến sức khỏe của người đàn ông, nhưng hiệu quả tránh thai thấp vì tinh trùng sẽ được xuất từng đợt và có thể đã xuất một phần trong lúc quan hệ (trước khi xuất tinh thật sự).
Đối với đàn ông, hiện nay chỉ phổ biến phương pháp tránh thai tạm thời bằng bao cao su hoặc vĩnh viễn bằng thắt ống dẫn tinh.
– Do chu kỳ kinh nguyệt của em không đều (dao động từ 20 đến 30 ngày) nhưng em muốn tránh thai tự nhiên thì nên làm như thế nào ạ? Em không muốn sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày ạ. Vì do chu kỳ kinh nguyệt của em không đều nếu chọn biện pháp xuất tinh ra ngoài thì có an toàn không ạ? (Nguyen Mai Tran, 27 tuổi, TPHCM)
– Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng:
Chào em,
Biện pháp xuất tinh ngoài âm đạo có hiệu quả tránh thai thấp nhất là đối với những cặp vợ chồng trẻ tuổi. Tinh trùng có thể đã được xuất tiết một ít trước khi có hiện tượng xuất tinh hoàn toàn, do đó, tỷ lệ vỡ kế hoạch có thể lên đến 10-20 trên 100 phụ nữ mỗi năm. Ngoài ra, biện pháp xuất tinh ngoài âm đạo có thể gây ảnh hưởng về mặt tâm lý cho cả hai vợ chồng.
Nếu em không muốn sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày thì có thể có nhiều biện pháp khác có thể lựa chọn như cấy que nội tiết, đặt vòng tránh thai (nếu đã có con rồi). Bao cao su kèm với xuất tinh ngoài âm đạo có thể làm tăng hiệu quả tránh thai và giúp ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
– Nếu em chưa muốn có con mà thắt ống dẫn tinh thì sau này khi muốn có con, có thể tháo ra không thưa bác sĩ? (Công Hưng, 30 tuổi, Sài Gòn)
– Bác sĩ Lê Văn Hiền:
Chào bạn,
Thắt ống dẫn tinh là biện pháp tránh thai vĩnh viễn. Sau khi thắt ống dẫn tinh, việc phẫu thuật nối ống dẫn tinh có tỷ lệ thành công thấp. Đối với những người đàn ông đã phẫu thuật thắt ống dẫn tinh, nếu muốn có con, có thể làm thụ tinh ống nghiệm với tinh trùng được lấy trực tiếp từ mào tinh hoàn. Thủ tục này khá phức tạp, tốn kém và tỷ lệ thành công thấp. Do vậy chỉ áp dụng đối với những người đàn ông lớn tuổi, đã đủ số con.
– Cháu vừa đẻ mổ được gần 3 tháng, cho bé bú mẹ hoàn toàn và chưa có kinh trở lại. Cháu đang bị viêm âm đạo khá nặng. Mong bác sĩ cho lời khuyên nên chọn phương pháp tránh thai nào hiệu quả mà không làm giảm sự hưng phấn khi quan hệ. Mong nhận được hồi âm của bác sĩ. Cháu cảm ơn ạ! (Nguyễn Bích Ngọc, 24 tuổi)
– Bác sĩ Lê Văn Hiền:
Chào Ngọc,
Trong thời gian cho con bú có thể bạn chưa có kinh, nhưng vẫn có khả năng mang thai. Do vậy, bạn vẫn phải áp dụng các biện pháp tránh thai khi quan hệ. Biện pháp tránh thai phù hợp với trường hợp của bạn có thể là bao cao su (ngoài việc ngừa thai còn ngừa các bệnh lây truyền đường tình dục) hoặc viên thuốc tránh thai hàng ngày chỉ chứa progestogen.
– Thưa các chuyên gia, làm thế nào để tránh thai đạt hiệu quả 100%. Xin cảm ơn! (Cheng, 30 tuổi, Quảng Nam)
– Bác sĩ Lê Văn Hiền:
Chào bạn,
Về nguyên tắc không có biện pháp tránh thai nào đạt hiệu quả 100% cho tất cả mọi người. Viên thuốc tránh thai hàng ngày có hiệu quả khá cao, đạt đến 99% nếu dùng đúng cách theo hướng dẫn của nhà sản xuất và không được quên thuốc.
– Con năm nay 30 tuổi, đã sinh hai lần, lần thứ hai cách đây khoảng hai năm và con không muốn sinh lần nữa. Xin bác sĩ tư vấn cách tránh thai vừa an toàn mà không phải nhớ hàng ngày, dùng mỗi lần như bao cao su, vì con biết đặt vòng nhưng lại nghe nói nhiều người không hợp bị viêm nhiễm? (legiang, 30 tuổi, Hà Nội)
– Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng:
Chào con,
Con đã có hai con, mới 30 tuổi nên cần phải có biện pháp tránh thai tạm thời, chủ động, an toàn và hiệu quả. Thuốc viên nội tiết tránh thai hàng ngày rất tốt, bao cao su cũng vậy nhưng không được quên quá hai ngày. Bên cạnh đó vẫn có biện pháp khác như cấy que nội tiết tránh thai, trong ba năm không cần nhớ sử dụng mỗi ngày. Tuy nhiên, cấy que nội tiết có thể có tác dụng phụ như rối loạn kinh nguyệt, nhưng khi lấy que ra thì hết. Có người tiêm thuốc nội tiết tránh thai ba tháng một lần; biện pháp này cũng gây rối loạn kinh nguyệt và không phù hợp với phụ nữ trẻ tuổi, vì khi đã tiêm thì không thể rút ra được.
Còn biện pháp đặt vòng có thể gây viêm nhiễm cơ quan sinh dục, nhưng nếu chúng ta biết tự chăm sóc, giữ gìn vệ sinh phụ khoa, vệ sinh kinh nguyệt tốt thì có thể tránh được tác dụng phụ này.
– Nếu trước đây tôi từng uống nhiều thuốc tránh thai khẩn cấp thì sau khi kết hôn tôi có gặp khó khăn trong việc mang thai không thưa bác sĩ? (Trang Thùy, 25 tuổi, Hà Nội)
– Bác sĩ Lê Văn Hiền:
Chào Thùy,
Viên thuốc tránh thai khẩn cấp có nhiều tác dụng phụ và hiệu quả tránh thai thấp, nhưng nó không ảnh hưởng đến khả năng mang thai sau này của bạn. Nếu bạn có kế hoạch trong việc mang thai thì không nên sử dụng biện pháp tránh thai khẩn cấp.
– Cho tôi hỏi khi sử dụng thuốc tránh thai thì nên sử dụng loại hàng ngày hay uống khẩn cấp thì tốt hơn? Dùng thuốc tránh thai hàng ngày thì có bị tác dụng phụ gì không?
Cám ơn chương trình. (Nguyễn Thị Minh Vân)
– Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hà:
Chào bạn, nếu bạn đã có gia đình thì nên sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày vì hiệu quả tránh thai cao và khá an toàn. Tuy nhiên, bạn cần uống đúng giờ và uống mỗi ngày để đạt hiệu quả tối đa.
Riêng thuốc tránh thai khẩn cấp, thì đúng như tên gọi, chỉ nên sử dụng trong trường hợp khẩn cấp như: thủng bao cao su, quan hệ không có chuẩn bị trước… Hiệu quả của thuốc ngừa thai khẩn cấp thường không cao, nhất là sử dụng muộn 24 tiếng đầu sau quan hệ. Ngoài ra, biện pháp này có thể gây rối loạn kinh nguyệt, không phù hợp sử dụng thường xuyên.
Đối với thuốc viên tránh thai hàng ngày, tác dụng phụ tương đối ít. Có thể gây nám da, tăng cân ít trong vài tháng đầu sử dụng và không dùng được cho những phụ nữ trên 35 tuổi có hút thuốc lá (hơn 10 điếu một ngày); bệnh viêm gan đang tiến triển; đang mang thai; tiền căn huyết khối tĩnh mạch hoặc ra huyết âm đạo không rõ nguyên nhân. Ưu điểm của thuốc tránh thai hàng ngày là điều chỉnh vòng kinh đều đặn, giảm lượng máu kinh, đau bụng kinh, nguy cơ thai ngoài tử cung và ung thư nội mạc tử cung.
– Cháu chào bác sĩ. Cháu sinh bé đã được gần một năm, có cấy que tránh thai vì chưa có dự định sinh tiếp. Tuy nhiên, cấy que xong cháu bị khô âm đạo, lúc quan hệ gây đau. Vậy bác sĩ cho cháu hỏi cháu nên dùng thuốc nội tiết như nào để có tác dụng hiệu quả nhất và có ảnh hưởng tới sữa mẹ không vì cháu hiện vẫn cho con bú mẹ. Cháu cảm ơn bác sĩ (Minh Phượng, 28 tuổi)
– Bác sĩ Lê Văn Hiền:
Chào bạn,
Que cấy tránh thai là biện pháp nội tiết tránh thai chỉ có chứa progestogen. Một que cấy có tác dụng 3 năm và hiệu quả tránh thai khá cao (99%). Tuy nhiên có một số ít phụ nữ gặp những tác dụng phụ như khô âm đạo, vô kinh trong suốt thời gian đặt que cấy hoặc rong huyết. Nếu tác dụng phụ ảnh hưởng đến đời sống tình dục và chất lượng cuộc sống, bạn nên đi khám để bác sĩ cho những thuốc điều trị hoặc đổi phương pháp tránh thai nếu cần.
– Chào bác sĩ. Cho tôi hỏi nếu triệt sản, sau này đến kỳ mãn kinh, tôi có bị ảnh hưởng gì không? Có nhiều người triệt sản xong, đau bệnh liên quan đến phần phụ nhiều năm liền, lúc mãn kinh cũng không khỏe nên tôi rất lo lắng. Tôi chỉ muốn triệt sản vì đã đủ hai con và không có nhu cầu sinh tiếp. Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi. (Trương Thảo, 32 tuổi)
– Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng:
Chào bạn,
Bạn chưa cho tôi biết bạn đã bao nhiêu tuổi. Nếu còn trẻ thì không nên triệt sản vì đây là biện pháp tránh thai vĩnh viễn.
Triệt sản không gây ảnh hưởng đến sức khỏe phụ nữ như chúng ta vẫn lầm tưởng. Nhiều khi do tâm lý mà có cảm giác đau ốm sau triệt sản hoặc là đã có sẵn bệnh phụ khoa trước đó.
Dùng chữ “triệt” có vẻ nặng nề vì thủ thuật này thực hiện rất nhẹ nhàng, chỉ ngăn dòng ở ống dẫn trứng để tinh trùng không gặp được trứng được phóng ra trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt, giống như “Ngưu lang” không gặp “Chức nữ”.
Thủ thuật thắt ống dẫn tinh ở nam giới cũng giống như vậy, hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe người chồng. Tôi đã thực hiện thủ thuật này cho nhiều người và chưa thấy ai than phiền kém sức khỏe thường ngày cũng như trong quan hệ với vợ. Có một trọng tài đã được tôi thắt ống dẫn tinh ngày trước, qua hôm sau đã có thể cầm còi trong trận bóng đá được truyền hình trực tiếp. Khi nhìn thấy vị trọng tài này trên tivi, tôi rất vui. Cho đến nay đã gần 20 năm, vị này chưa lời than phiền nào về sức khỏe của mình.
– Tôi hiện đang dùng que cấy tránh thai được 2 năm, tuy nhiên tôi có bị vô kinh 9 tháng sau khi cấy que, đến giờ thì kinh nguyệt cũng không thường xuyên lắm, liệu còn biện pháp nào khác không (tôi bị dị ứng bao cao su). (quý, 33 tuổi)
– Bác sĩ Lê Thị Thu Hà:
Chào bạn,
Que cấy tránh thai có thể gây rối loạn kinh nguyệt như: vô kinh hoặc rong kinh, tuy nhiên hiệu quả tránh thai khá cao. Trường hợp của bạn bị vô kinh 9 tháng là khá thường gặp và không đáng lo.
Nếu bạn muốn lựa chọn biện pháp tránh thai khác để có chu kỳ kinh đều thì có thể sử dụng thuốc viên tránh thai hàng ngày. Khi sử dụng biện pháp này, bạn lưu ý dùng đều và đúng giờ mỗi ngày. Ngoài ra bạn có thể sử dụng phương pháp đặt vòng.
Vì bạn dị ứng bao cao su thì không nên sử dụng biện pháp này.
– Cho em hỏi Thạc sĩ, bác sĩ Lê Văn Hiền. Lúc trước vợ em có thai mà bị sảy, hiện giờ đã được 5 tháng. Cho em hỏi khi nào vợ chồng em có thể có thai lại và cần phải tiêm vắcxin 6 trong 1 không? Nếu tiêm thì tỷ lệ sảy thai có thấp không?
Xin cảm ơn! (Trương Quốc Dũng, 29 tuổi, Quảng Nam)
– Bác sĩ Lê Văn Hiền:
Chào bạn,
Sau sảy thai 1-2 tháng, bạn có thể mang thai lại. Tuy nhiên, trước khi mang thai vợ của bạn nên đi khám tổng quát để kiểm tra sức khỏe và tiêm ngừa vắcxin Rubella. Bạn không cần tiêm vắcxin 6 trong 1. Sảy thai do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Do vậy, việc tiêm vắcxin để giảm thiểu phần nào những nguy cơ sảy thai, thai chết lưu hoặc bất thường do nhiễm Rubella.
– Tôi nghe nói dùng thuốc tránh thai hàng ngày trong thời gian dài sẽ gây nên nguy cơ loãng xương sau này. Điều này có đúng là sự thật không? (Duy Lê)
– Bác sĩ Lê Văn Hiền:
Chào bạn,
Thành phần viên thuốc tránh thai kết hợp có chứa estrogen và progestogen. Thuốc có tác dụng ức chế rụng trứng. Khi loại thuốc này, bạn có thể gặp một số tác dụng phụ thoáng qua như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng… chứ không gây ra tình trạng loãng xương như bạn nghĩ. Do vậy, bạn cứ yên tâm sử dụng và đi khám phụ khoa định kỳ hàng năm.
– Thưa bác sĩ, tôi sinh con được 2 tháng (sinh thường), giờ tôi muốn sinh hoạt vợ chồng lại bình thường, vậy tôi có nên sử dụng các biện pháp tránh thai hay không? (Nguyễn Thị Lâm)
– Bác sĩ Lê Thị Thu Hà:
Chào bạn,
Phụ nữ có thể mang thai ngay từ hai tháng đầu sau sinh, vì vậy đã có không ít người trong một năm sinh hai lần. Do vậy, để tránh thai, vợ chồng bạn cần chủ động sử dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả và an toàn.
Các biện pháp có thể áp dụng cho phụ nữ trong giai đoạn cho con bú như: đặt vòng tránh thai, thuốc viên tránh thai hàng ngày chỉ chứa progestin, que cấy tránh thai, thuốc tiêm tránh thai, bao cao su, xuất tinh ngoài.
– Thưa bác sĩ, cháu năm nay 33 tuổi, chồng 41, cháu sinh bé đầu đã được 18 tháng tuổi, hiện giờ mỗi lần quan hệ cháu có hiện tượng đau, khi đi vệ sinh thì rát, cháu muốn hỏi đó có phải là bệnh không và cách chữa ạ. Bác sĩ tư vấn giúp cháu, cảm ơn bác sĩ! (ngoc lan)
– Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng:
Chào cháu,
Sở dĩ có hiện tượng đau và rát mỗi lần cháu quan hệ với chồng là vì âm đạo bị viêm hoặc thiếu nội tiết. Nếu chỉ là viêm thì điều trị dễ, cháu nên đến khám chuyên khoa để được điều trị đúng mức và hiệu quả. Còn nếu do nội tiết thì khó hơn vì cháu còn trẻ, sử dụng nội tiết phải hết sức thận trọng.
Còn một nguyên nhân khác về tâm lý. Hai vợ chồng cháu cần nói chuyện thẳng thắn, mỗi lần quan hệ cần có thời gian chờ đợi, kiên nhẫn và đối xử nhẹ nhàng, êm ái với nhau.
– Em đặt vòng đã 5 năm, chuẩn bị lấy vòng ra. Em muốn dùng que cấy cho lần tiếp theo. Xin hỏi em nên thực hiện ở đâu an toàn và hiệu quả? Hiện tại có bệnh viện, phòng khám nào có chương trình khuyến mãi trợ giá cho việc cấy que tránh thai không ạ? Xin cảm ơn. (Nguyễn Bảo Khanh, 30 tuổi, Gò Vấp, TP.HCM)
– Bác sĩ Lê Văn Hiền:
Chào bạn,
Tại các bệnh viện, trung tâm, phòng khám chuyên sản phụ khoa hoặc kế hoạch hóa gia đình đều có thực hiện cấy que tránh thai. Để đạt được hiệu quả tốt nhất, bạn nên cấy vào ngày đầu tiên của chu kỳ kinh. Một que cấy có tác dụng trong vòng 3 năm.
– Thưa bác sĩ, cháu sinh mổ hôm nay được một tháng một tuần. Cháu cho con bú hoàn toàn và sau một tháng cháu có kinh luôn. Bác sĩ cho cháu hỏi trường hợp sinh mổ với thời gian hiện tại vợ chồng cháu sinh hoạt có sao không ạ? Và nếu được thì cháu phòng tránh thai bằng cách dùng thuốc hàng ngày bây giờ có ảnh hưởng gì đến sữa cho con bú hay không? (Nguyễn Thị Mai)
– Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng:
Chào cháu,
Cháu có thể quan hệ với chồng bình thường sau mổ hơn một tháng. Nếu cháu cho bé bú mẹ hoàn toàn thì hiện tượng rụng trứng thường xảy ra sau sinh ba tháng.
Thuốc viên nội tiết kết hợp tránh thai hàng ngày có thể làm giảm chất lượng và số lượng sữa mẹ. Cháu có thể sử dụng loại thuốc viên tránh thai chỉ chứa progestin mà không sợ bị ảnh hưởng trên sữa mẹ.
– Tránh thai bằng cách cho con bú có thật không hay chỉ là truyền miệng và hiệu quả của biện pháp này là bao nhiêu ạ? (Khanh Chip)
– Bác sĩ Lê Thị Thu Hà:
Chào bạn,
Cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu (không ăn, uống bất kỳ gì khác) là một trong những biện pháp tránh thai tự nhiên. Do prolactin tiết ra trong quá trình mẹ cho con bú đã ức chế sự rụng trứng nên không có khả năng mang thai. Tuy nhiên, nếu bé không bú mẹ hoàn toàn thì prolactin không được tiết đều đặn nên mẹ vẫn có khả năng rụng trứng và mang thai. Vì vậy, để áp dụng biện pháp này, bạn cần tuân thủ trong việc cho bé bú hoàn toàn và bạn vẫn chưa có kinh.
Hiệu quả tránh thai bằng phương pháp này đạt khoảng 80%, vì vậy, bạn vẫn phải khám phụ khoa mỗi 3 tháng hoặc có có những triệu chứng nghi ngờ mang thai như: buồn nôn, mệt mỏi…
– Xin cho em hỏi tại Việt Nam có loại thuốc ngừa thai một tháng chỉ cần uống một viên không? Loại thuốc này có ngừa thai an toàn không ạ? (Nguyễn Ngọc Đăng, 25 tuổi, Bình Chánh)
– Bác sĩ Lê Văn Hiền:
Chào Đăng,
Nội tiết tránh thai có rất nhiều dạng khác nhau như viên thuốc uống, tiêm, dán ngoài da, đặt âm đạo, que cấy tránh thai. Loại thuốc nội tiết tránh thai mỗi tháng dùng một lần chỉ có dưới dạng vòng đặt âm đạo chứ không có dạng viên uống. Tuy nhiên dạng vòng đặt âm đạo không phổ biến vì nhiều phụ nữ cảm thấy bất tiện mỗi lần đặt và tháo vòng.
– Cháu đặt vòng lúc con gái được 4,5 tháng, như vậy có an toàn không. Thỉnh thoảng có khí hư, nhanh hết nhưng không ngứa. Cho cháu xin lời khuyên ạ? (Nguyễn Ngọc Lam Phương)
– Bác sĩ Lê Thị Thu Hà:
Chào bạn,
Đặt vòng tránh thai là biện pháp có hiệu quả cao, tuy nhiên không phòng được các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Bạn có khí hư nên khám phụ khoa định kỳ để được bác sĩ chẩn đoán và xử trí phù hợp. Ngoài ra, việc thăm khám thường xuyên sẽ giúp bạn tầm soát được ung thư cổ tử cung và những bệnh lý phụ khoa khác.
– Con tôi mới được 6 tháng tuổi, vẫn còn đang bú sữa mẹ. Nếu tôi dùng thuốc tránh thai trong thời gian này thì có ảnh hưởng gì đến sữa mẹ và đến con không thưa bác sĩ? (Đỗ Ngọc Phượng)
– Bác sĩ Lê Thị Thu Hà:
Chào Phượng,
Thuốc tránh thai có nhiều loại, trong đó có những loại chứa cả estrogen và progestin, còn có loại chỉ chứa progestin đơn thuần. Các loại thuốc có chứa estrogen thường gây giảm tiết sữa nên không sử dụng khi bạn đang cho con bú.
Riêng loại thuốc chỉ chứa progestin không ảnh hưởng đến tiết sữa và chất lượng sữa mẹ nên bạn có thể sử dụng được.
– Em dâu em hiện không thể sử dụng các loại thuốc tránh thai (uống thì tụt huyết áp, đặt vòng thì tụt ra ngoài, dị ứng một số loại bao cao su). Xin bác sĩ tư vấn xem em của tôi nên làm thế nào để đảm bảo tránh thai an toàn. (ha dung, 30 tuổi, xa ngam dang vai ha giang)
– Bác sĩ Lê Văn Hiền:
Chào bạn,
Hiện nay có rất nhiều loại thuốc tránh thai với thành phần, hàm lượng, thế hệ nội tiết khác nhau. Khi dùng loại thuốc tránh thai này có tác dụng phụ như nhức đầu, tụt huyết áp thì không có nghĩa sẽ gặp những tác dụng phụ đó khi dùng thuốc tránh thai khác. Do vậy, có thể bạn đổi loại thuốc tránh thai khác có thể phù hợp hơn. Nếu cơ thể bạn quá nhạy cảm với nhiều loại thuốc, cơ địa dị ứng và bạn đã số con thì có thể cân nhắc đến các biện pháp tránh thai vĩnh viễn như thắt ống dẫn trứng dành cho nữ hoặc thắt ống dẫn tinh dành cho nam.
– Xin bác sĩ cho biết hiện nay có biện pháp ngừa thai nào dành cho nam giới không? (Đặng ThanhTâm, HCM)
– Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng:
Chào bạn,
Tôi không biết bạn là nam hay nữ, nếu là nam thì tôi rất hoan nghênh trước tinh thần trách nhiệm của bạn.
Bạn có thể:
– Theo biện pháp truyền thống tự nhiên, thì xuất tinh ngoài âm đạo.
– Sử dụng bao cao su
– Nếu bạn và vợ đã lớn tuổi và có đủ con thì có thể thắt ống dẫn tinh. Biện pháp này chắc chắn không gây ảnh hưởng gì trên sức khỏe của bạn như từ lâu nay mọi người vẫn nhầm tưởng. Trên thế giới hiện nay, có vài chục triệu nam giới đã thắt ống dẫn tinh nhưng vẫn khỏe mạnh và đảm đương các nhiệm vụ, trọng trách trong xã hội một cách bình thường.
– Hiện nay trên thế giới nhiều nhà khoa học đang tích cực nghiên cứu đưa ra thuốc viên tránh thai dùng cho nam giới. Thuốc chưa ra mà phụ nữ đã có ý kiến không tin tưởng vào hiệu quả vì các chị cho rằng, chuyện sinh đẻ là của nữ giới, chắc gì các ông chồng quan tâm đúng mức để không quên thuốc hàng ngày, đến khi vỡ kế hoạch thì chỉ có vợ phải chịu mang hậu quả.
– Cũng có loại thuốc tiêm tránh thai cho nam giới sắp được đưa ra thị trường nhưng không biết các ông chồng tiếp đón như thế nào.
– Thưa bác sĩ, tôi đang bị u xơ tử cung, nếu tôi sử dụng que thánh thai liệu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không ạ? (Võ Thị Hoài)
– Bác sĩ Lê Thị Thu Hà:
Chào bạn,
Đối với những phụ nữ bị u xơ tử cung thường rong kinh, rong huyết hoặc kinh nhiều, que tránh thai thường làm giảm các triệu chứng này.
Que cấy tránh thai chứa progestin liều cao có thể sử dụng được cho những phụ nữ bị u xơ tử là khá an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, bạn cần phải khám phụ khoa định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh của mình.
– Một trong những cách ngừa thai an toàn là xuất tinh ngoài. Nhưng gần đây một nghiên cứu cho thấy cách làm này có thể dẫn đến liệt dương và (hoặc) thay đổi trạng thái tình dục ở người nữ, trong khi đó đây lại là cách mà chúng tôi thường áp dụng. Vậy phải hiểu như thế nào cho trường hợp này? (Quốc Anh Trần)
– Bác sĩ Lê Thị Thu Hà:
Chào bạn,
Hoan nghênh bạn đã quan tâm việc phòng tránh thai.
Xuất tinh ngoài là biện pháp tránh thai hoàn toàn tự nhiên, không tốn kém và có thể áp dụng bất kỳ thời điểm nào. Tuy nhiên hiệu quả không cao vì trước khi xuất tinh đã có một lượng ít dịch loãng đầu dương vật chảy vào âm đạo. Trong dịch này có chứa tinh trùng, người phụ nữ vẫn có khả năng mang thai.
Ngoài ra, khi sử dụng biện pháp này, bạn nam cần phải có ý chí và kiểm soát được hành động của mình.
Xuất tinh ngoài thường gây giảm hứng thú, bị áp lực vỡ kế hoạch vì thế cả hai thường không thoải mái. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cho thấy xuất tinh ngoài gây liệt dương, bạn không nên quá lo lắng.
– Tôi muốn hỏi bác sĩ ở tuổi 50 thì tránh thai theo cách nào là an toàn và hiệu quả. Xin cảm ơn. (nguyễn thăng, 50 tuổi, tây hồ hà nội)
– Bác sĩ Lê Văn Hiền:
Chào bạn,
Người phụ nữ 50 tuổi nếu chưa mãn kinh vẫn có thể mang thai nếu quan hệ không bảo vệ. Do vậy, bạn vẫn cần phải áp dụng biện pháp tránh thai. Viên thuốc tránh thai hàng ngày hiện nay có hàm lượng nội tiết thấp, ít tác dụng phụ và ít liên quan đến ung thư vú và ung thư nội mạc tử cung. Do vậy, đây vẫn là biện pháp tránh thai phù hợp với lứa tuổi tiền mãn kinh.
Tinh trùng được sản xuất từ khi người đàn ông dậy thì đến cuối đời. Hơn nữa người đàn ông 50 tuổi là lứa tuổi vẫn còn sung mãn nên việc áp dụng biện pháp tránh thai để chủ động ngừa thai là điều cần thiết.
– Kính gửi bác sĩ Phượng!
– Bác cho con hỏi về phương pháp tránh thai dùng thuốc ạ. Nếu dùng cách tránh thai là uống thuốc thì có ảnh hưởng đến việc sinh con khi muốn dừng thuốc không ạ? Con đã từng khám phụ khoa và nhận tư vấn tránh thai ở bệnh viện, được bác sĩ tư vấn là dùng thuốc tránh thai, khi muốn có thai trở lại chỉ cần ngưng thuốc.
– Thực tế, con cũng làm theo như vậy và thấy vẫn có thai bình thường (hiện con đang mang thai bé thứ hai được 13 tuần). Nhưng con lại nghe có những thông tin trái chiều là dùng thuốc rất có hại và khó đậu thai lại. Vì thực sự kế hoạch của vợ chồng con muốn sinh thêm bé thứ 3 nữa (tất nhiên sinh xong bé thứ hai này phải 3 đến 4 năm mới sinh tiếp và trong thời gian đó phải tìm biện pháp tránh thai).
Vậy sự thực về thuốc tránh thai là như thế nào ạ? Con xin cám ơn bác, chúc bác luôn khỏe và an lạc ạ! (Lê Thị Thanh Vân, 32 tuổi)
– Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng:
Chào con,
Thuốc viên nội tiết tránh thai nếu được sử dụng đúng theo hướng dẫn (không quên và uống đúng giờ mỗi ngày) thì có tỷ lệ vỡ kế hoạch rất thấp, khoảng 0,02 trên 100 phụ nữ sử dụng thuốc mỗi năm.
Thuốc viên nội tiết tránh thai cũng không ảnh hưởng gì đến khả năng sinh sản sau này. Nhiều nghiên cứu khoa học lớn trên thế giới đã minh chứng rằng, khi ngưng thuốc thì nội tiết tuyến yên và buồng trứng trở lại bình thường như trước khi sử dụng thuốc. Như vậy thì hệ trục tuyến yên buồng trứng vẫn hoạt động bình thường, do đó rụng trứng và có thai bình thường. Tỷ lệ có thai sau ngưng thuốc 12 chu kỳ vẫn cao hơn 80%, sau 24 chu kỳ khoảng 90% như những phụ nữ bình thường khác.
Hiện nay, sau 50 năm được đưa ra trên thị trường, thuốc viên nội tiết tránh thai ngày càng có nhiều cải tiến, đem lại hiệu quả tránh thai cao, an toàn và có nhiều lợi ích khác.
Nếu con vẫn còn lo lắng về thuốc tránh thai, con có thể sử dụng các biện pháp khác như cấy que, đặt vòng hoặc bao cao su.
– Tôi sử dụng thuốc ngừa thai thì hay bị tác dụng phụ như tăng cân, nổi mụn bọc, lột da… nên nhờ chuyên gia tư vấn giúp có biện pháp ngừa thai nào an toàn hơn mà không phải dùng thuốc không? Cám ơn chuyên gia và chương trình. (Nguyễn Thị Nhật, 27 tuổi)
– Bác sĩ Lê Thị Thu Hà:
Chào bạn,
Một số ít chị em khó dung nạp với nội tiết trong thuốc tránh thai nên có thể bị các triệu chứng như bạn đã nêu. Đối với trường hợp này, bạn không nên sử dụng nội tiết (các dạng thuốc viên, que cấy và thuốc tiêm tránh thai), thay vào đó, có thể sử dụng các phương pháp khác như: đặt vòng, bao cao su, xuất tinh ngoài…
– Tôi đang dùng Mercilon để ngừa thai lâu dài thì có tốt không bác sĩ?. Vì mới sinh con được 5 tháng nên tôi muốn 2 năm nữa mới có con.
Cám ơn bác sĩ. (Nguyễn Thị An Minh)
– Bác sĩ Lê Văn Hiền:
Chào bạn,
Thuốc tránh thai bạn đang dùng là viên thuốc tránh thai kết hợp, với hàm lượng estrogen thấp (20mcg) nhất có hiệu quả ngừa thai và ít tác dụng phụ. Bạn có thể dùng thuốc này lâu dài. Tuy nhiên, nếu bạn đang cho con bú thì nên chọn viên thuốc tránh thi chỉ chứa progestogen vì estrogen có thể làm giảm lượng sữa mẹ.
– Tôi là phụ nữ có tử cung đôi, phương pháp tránh thai nào là tốt nhất với tôi (tôi không muốn uống thuốc tránh thai vì nhiều tác dụng phụ)? (Trúc Vy)
– Bác sĩ Lê Thị Thu Hà:
Chào Vy,
Bạn có tử cung đôi nên không thể đặt vòng. Vì bạn không muốn uống thuốc tránh thai nên các phương pháp có thể lựa chọn trong trường hợp này là: cấy que tránh thai, dùng bao cao su, thuốc tiêm tránh thai, xuất tinh ngoài…
– Thưa bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng!
– Vợ chồng con đã có một bé gái 4 tuổi. chúng con định sinh thêm em bé, mấy tháng nay vợ chồng con đã không dùng biện pháp tránh thai gì nhưng hiện tại con vẫn chưa có thai (trước đây một năm con có bầu một lần và đã bỏ vì chưa có ý sinh thêm).
Hiện tại chồng con đang điều trị và uống thuốc trị viêm gan B, tên thuốc là Tenofovir 300, loại thuốc này anh ấy đã uống liên tục hai năm, ba năm trước anh ấy dùng loại khác. Vậy xin hỏi bác sĩ, loại thuốc này có ảnh hưởng đến việc sinh con không ạ? Con nên làm gì để có thể sinh con bình thường ạ. con cảm ơn bác sĩ đã tư vấn. (Nguyễn Hang)
– Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng:
Chào con,
Con chưa cho biết năm nay đã bao nhiêu tuổi. Nếu còn trẻ, dưới 35 tuổi thì có thể chờ đợi thêm, nếu con đã trên 35 tuổi, sau 6 tháng không dùng biện pháp tránh thai mà vẫn chưa có thai thì cần phải đi khám và tìm nguyên nhân để điều trị ngay.
Đây là loại thuốc có rất ít tác dụng phụ trên thai nên đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới để điều trị cho các bà mẹ mang thai có HBV DNA cao cho đến khi sinh con để dự phòng lây truyền viêm gan siêu vi B từ mẹ sang con. Do vậy, chồng cháu đang sử dụng thuốc này không ảnh hưởng đến việc cháu có thể có thai và sinh con bình thường.
– Cháu năm nay 32 tuổi, đã có 2 con và hiện đang uống thuốc điều trị bệnh cường giáp. vậy cháu có thể uống thuốc tránh thai được không? 2 loại thuốc này có ảnh hưởng gì đến kết quả không ạ? (Ly Ly, 32 tuổi)
– Bác sĩ Lê Văn Hiền:
Người phụ nữ mang thai mắc bệnh cường giáp có thể thể có những biến chứng nguy hiểm đặc biệt cơn bão giáp trạng có thể đe dọa tính mạng người mẹ và thai nhi. Do vậy bạn cần phải chủ động ngừa thai và quyết định mang thai khi chức năng tuyến giáp đã bình ổn. Trong thời gian điều trị cường giáp bạn vẫn có thể dùng viên thuốc tránh thai kết hợp. Tuy nhiên bạn cần khám tổng quát và xét nghiệm để loại trừ các bệnh lý cao huyết áp, tim mạch, rối loạn chuyển hóa… trước khi quyết định dùng thuốc tránh thai.
– Xin bác sĩ cho em hỏi: cách tính chu kỳ kinh nguyệt để tránh thai như thế nào? Người yêu em có kinh vào ngày 18-20 hằng tháng thì ngày nào là ngày an toàn và ngày nào là ngày nguy hiểm? Em xin chân thành cảm ơn? (Xuân Hồng)
– Bác sĩ Lê Thị Thu Hà:
Chào bạn,
Để tránh thai theo chu kỳ kinh nguyệt có hiệu quả cao thì bạn nữ cần ghi nhớ vòng kinh của 6 tháng gần nhất. Cụ thể như sau:
– Ngày đầu tiên ra kinh hàng tháng được tính là ngày kinh thứ nhất.
– Ngày sớm nhất có thể thụ thai (ngày bắt đầu có thể thụ thai) bằng số ngày vòng kinh ngắn nhất trừ 18.
– Ngày trễ nhất có thể thụ thai (ngày cuối cùng có thể thụ thai) bằng só ngày vòng kinh dài nhất trừ 11.
Trong giai đoạn có thể thụ thai (từ ngày sớm nhất tới ngày trễ nhất) cần tránh quan hệ, nếu có, cần dùng biện pháp bảo vệ.
Ví dụ, trong 6 chu kỳ gần nhất, vòng kinh ngắn nhất là 27 ngày, vòng kinh dài nhất là 31 ngày, thì ngày bắt đầu có thể thụ thai là 27-18 = 9 và ngày kết thúc có thể thụ thai là 31-11 = 20. Như vậy, bạn cần kiêng giao hợp từ ngày 9 tới ngày 20 của vòng kinh.
Bạn gái em có kinh từ ngày 18-20 hàng tháng, như vậy, chu kỳ là 28-32 ngày, bạn cần kiêng giao hợp từ ngày 10 tới ngày 21 của vòng kinh.
– Xin bác sĩ cho biết mức độ an toàn sử dụng vòng tránh thai? Có những tác dụng phụ gì? Trường hợp nào thì không nên dùng? (Quỳnh Nhi, Đà Lạt)
– Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng:
Chào bạn,
Vòng tránh thai hiện nay được 47% phụ nữ Việt Nam sử dụng. Ở các nước phát triển thì tỷ lệ này thấp hơn nhiều vì vòng có thể có tác dụng phụ như viêm nhiễm âm đạo, lượng máu hành kinh nhiều. Một số phụ nữ trẻ, chưa con hoặc chưa đủ con được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo không sử dụng vòng tránh thai mà nên sử dung thuốc viên nội tiết tránh thai hàng ngày.
Khi đang viêm âm đạo hay viêm cổ tử cung cũng chưa nên đặt vòng tránh thai mà phải chờ điều trị khỏi bệnh. U xơ tử cung cũng là một chống chỉ định tương đối của biện pháp đặt vòng tránh thai.
– Em đang chuẩn bị kết hôn, nhưng đang rất lo lắng vì trước đây mỗi khi quan hệ với chồng sắp cưới thì hay dùng viên tránh thai khẩn cấp. Gần đây xem báo, em nghe nói dùng nhiều viên tránh thai khẩn cấp thường xuyên có thể bị vô sinh. Vậy giờ em phải làm gì? Em có thể dùng viên tránh thai kết hợp hàng ngày thai cho viên tránh thai khẩn cấp không? Viên tránh thai kết hợp dùng hàng ngày có gây vô sinh không? (Thảo Nguyễn)
– Bác sĩ Lê Thị Thu Hà:
Thuốc tránh thai khẩn cấp có thể gây rối loạn kinh nguyệt tuy nhiên không gây vô sinh. Mặc dù vậy, em không nên sử dụng loại thuốc này thường xuyên vì những tác dụng phụ của nó.
Em có thể sử dụng thuốc viên tránh thai kết hợp hàng ngày thay cho thuốc tránh thai khẩn cấp. Loại này giúp kinh nguyệt đều đặn, hiệu quả và không gây vô sinh nên em có thể yên tâm.
– Em năm nay 34 tuổi, có được hai cháu trai, muốn nhờ bác sĩ tư vấn cách tránh thai nào hiện nay là an toàn và ít có tác dụng phụ nhất. Em có nên mua thuốc tránh thai uống hàng ngày được không ạ và thuốc nào tốt. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp ạ. (THANH THUY, 34 tuổi, q2)
– Bác sĩ Lê Văn Hiền:
Chào bạn,
Hiện nay có rất nhiều biện pháp tránh thai, mỗi biện pháp đều có những ưu và nhược điểm khác nhau. Không có biện pháp tránh thai nào là tối ưu cho tất cả mọi người. Việc chọn lựa tránh thai dựa vào rất nhiều tiêu chí: tuổi, số con, tình trạng sức khỏe, điều kiện kinh tế, công việc và hoàn cảnh gia đình… Do vậy để có thể chọn biện pháp tránh thai hiệu quả và an toàn nhất cho từng cá thể bạn nên đến khám và tư vấn tại các phòng khám chuyên khoa kế hoạch hóa gia đình.
Thuốc viên tránh thai kết hợp hiện nay là một trong những phương pháp an toàn và hiệu quả nhất. Tuy nhiên để có thể chọn lựa loại thuốc tránh thai phù hợp bạn có thể gặp bác sĩ tư vấn và khi dùng những vỉ thuốc đầu tiên bạn nên theo dõi những tác dụng phụ có thể xảy ra.
Như chúng ta biết rằng việc mang thai ngoài ý muốn ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe về tâm lý và thể chất của người phụ nữ cũng như những kế hoạch trong công việc của bản thân và gia đình. Do đó bạn nên chủ động trong việc kế hoạch hóa gia đình để có thể trở thành người phụ nữ năng động và hiện đại.
VnExpress
Nguồn: VnE
Viêm gan B là một bệnh lý truyền nhiễm do các virus chủng HBV gây…
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…