Categories: Vợ chồng

Bà mẹ Hà Nội chia sẻ bí kíp ‘không lắp định vị cũng biết con ở đâu’

‘Từ 3 năm nay, con tôi đi đâu, làm gì cũng nói cho mẹ biết và bọn trẻ tự nhận ra chẳng tội gì phải nói dối mẹ”, chị Lê Phương Hoa viết.

Bài chia sẻ dưới đây là của chị Lê Phương Hoa, 46 tuổi, giám đốc trung tâm UNESCO về Phát triển bản thân – Life School, Hà Nội. Chị Phương Hoa có hai con gái, một đã tốt nghiệp đại học, đang đi làm, một vừa vào cấp 3. Cả hai cô bé đều rất gần gũi và có thể chia sẻ mọi chuyện với mẹ.

Hôm trước, tôi nghe một cô em kể: “Em mới lắp định vị vào xe cu cậu nhà em chị ạ, lắp hôm trước hôm sau tóm sống nó ở tiệm game”. Nghe xong tôi ôm bụng cười, về kể cho con gái. Ai dè nó bảo: “Lớp con đầy đứa bị bố mẹ lắp định vị”. Hôm sau tôi gặp một người quen, họ cũng kể: “Thằng nhà em láo lắm, toàn trốn học thêm đi đá bóng. Nên phải định vị nó!”. Đúng là phụ huynh thời công nghệ.

Trẻ con nói chung là hay nói dối bố mẹ, chả trách mà bố mẹ không tin con. Nhưng nói cho cùng, trẻ con khởi đầu không hề biết nói dối, thế nên mới có câu “ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Vậy tại sao dần dần các cô cậu ấy lại hay nói dối? Đơn giản là vì sợ bị mắng, bị đòn.

Trước đây, con gái tôi hay nói dối mẹ và toàn nói dối những chuyện chẳng đâu vào đâu (như mọi đứa trẻ khác). Tính nàng vốn đuểnh đoảng, từ bé đã liên miên đủ chuyện: đánh vỡ đồ, mất đồ, quên đồ, ngủ quên đi học, quậy phá ở lớp, lấy tiền của mẹ… Thường mẹ nghe qua là biết nói dối liền, hỏi đùa mấy câu là lộ ra ngay.

Chị Lê Phương Hoa và hai con gái hay rủ nhau đi chơi, uống cà phê và trò chuyện. 

Dạy con hết nói dối đòi hỏi sự kiên nhẫn và bình tĩnh vì đa phần các bố mẹ thấy con làm gì sai hỏng là nổi cáu. Trẻ sau vài lần bị mắng vì sai sót sẽ sinh ra phản ứng tự vệ là nói dối.

Đầu tiên là tôi phải giúp con đi qua cảm giác sợ hãi là sẽ bị mắng, bị trừng phạt, nhiếc móc… vì lỗi lầm. Không biết các bạn thế nào chứ tôi thấy chuyện con đánh vỡ bát đĩa, đổ mực, làm rách quần áo, mất đồ khi đi học… là chuyện bình thường (con gái tôi từng mất điện thoại iPhone khá đắt tiền mà mẹ đắn đo mãi mới dám mua cho, chỉ sau một tuần mang tới lớp). Chúng ta là người lớn mà còn làm hỏng, làm mất tiền, mất xe máy, ôtô thì trách gì trẻ con.

Mất, hỏng dĩ nhiên là tiếc nhưng cáu kỉnh, chửi mắng cũng không mang nó quay lại được, chỉ quan trọng là nhắc con cẩn thận, chỉ cho con kỹ năng rửa bát, dọn dẹp, chạy nhảy, bảo quản đồ… sao cho bớt mất, vỡ.

Nàng nhà tôi đi tham quan với lớp lần đầu tiên mất liền 3-4 thứ: tai nghe, sạc, áo khoác, lược. Mẹ về thấy thế cười lăn ra, bảo đúng là không ai như con, mải chơi quên hết, may còn nhớ mặc quần áo về nhà. 

Lần thứ hai đi với lớp, mẹ nhắc cẩn thận nên nàng chỉ đánh mất có hai thứ. Thế là tiến bộ vượt bậc rồi, mẹ khen. Thật ra lần này mẹ đã kín đáo gọi điện thoại cho cô, nhờ nhắc nhở các con soát đồ trước khi lên xe về, cho chắc.

Điều thứ hai là luôn luôn tìm hiểu nguyên nhân tại sao xảy ra sự cố, thay vì xông vào mắng con ngay lập tức. Lần con mắc lỗi nghiêm trọng nhất là lấy mấy triệu trong tủ của mẹ, đi mua vé trượt băng cho đám bạn thân ở lớp. Lúc đầu bạn ấy nhất định chối. Mẹ suýt nghi ngờ bác giúp việc vì rõ là tiền chỉ ở trong nhà, không ai ngoài bác ấy và con. Sau đó mẹ phải làm căng, vác gậy ra dọa, con mới nhận.

Con nhận xong khóc nức nở, mình không mắng mà ôm con vào hỏi thế sao lấy tiền. Nàng bảo: “Con hay đi trượt băng, các bạn con cũng thích lắm nhưng vé trượt băng thì đắt quá, con thương các bạn chưa được đi bao giờ nên mới lấy tiền của mẹ mua cho các bạn đi một lần cho biết”. Mẹ nghe xong bảo: “Lẽ ra con nên nói với mẹ, mình có thể mua một thẻ nhóm thì rẻ hơn nhiều”. Tôi cũng nhắc con luôn là không bao giờ nên nói dối hay giấu mẹ vì có nói thì mẹ mới giúp được.

Dần dần, mỗi ngày một tí, bạn ấy hết nỗi sợ bị mắng. Thỉnh thoảng mẹ vẫn mắng nhưng thay vì đứng đâu mắng mỏ cằn nhằn ở đó, mẹ với bạn ấy ngồi lại với nhau, chỉ rõ ra những gì chưa ổn, để thay đổi.

Một điều nữa là đừng mong phép màu. Mỗi đứa trẻ một tính cách. Bạn lớn mẹ nói hai ba lần là nhớ. Bạn thứ hai tính khá bừa bộn, hay quên. Mẹ kiên nhẫn ngày nào cũng nhắc, cũng dọn với bạn ấy. Một trăm lần, một nghìn lần, giờ bạn ấy khá hơn hồi 7-8 tuổi rất nhiều. Hồi đó bạn ấy ở đâu là như bãi chiến trường ở đó. 

Từ ba năm nay, chẳng có gì bạn ấy không cho mẹ biết. Con đi học về muộn 15 phút là nhắn tin báo mẹ, đi đâu, làm gì cũng thông báo. Nàng cũng kể đủ thứ, từ việc bạn con có người yêu tới chuyện có anh trên mạng tán tỉnh, con muốn xỏ khuyên rốn hay mới thêm cái lỗ khuyên thứ 8 trên tai…

Bạn ấy bảo: Con rút ra kinh nghiệm là chẳng việc gì phải nói dối mẹ. Cứ nói thật là tiện nhất, đỡ phải nghĩ cách bịa chuyện lằng nhằng, bịa xong trong lòng cứ ấm ức sao sao ý. Mà thế nào mẹ cũng đoán ra được.

Trẻ con có những say mê của nó. Chơi game, đá bóng, xỏ khuyên… đều không xấu. Chỉ là cách ta nhìn nhận nó và giúp con cân bằng niềm say mê với các hoạt động khác, và nhất là hướng niềm say mê vào những mục tiêu tốt đẹp, thú vị. Một đứa trẻ không sợ nói thật – lớn lên sẽ thành một người tự tin, vững vàng.

Tóm lại, nhà tôi không tốn tiền định vị vì các con thấy đi chơi với mẹ lúc nào cũng là thích nhất.

Lê Phương Hoa

Nguồn: VnExpress

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

1 day ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

1 day ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

3 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

4 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

6 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago