Categories: Sức khoẻ

Bé nói ngọng: Lỗi bố mẹ?

Ban đầu thấy con nói ngọng, bố mẹ thấy “thật đáng yêu” nhưng đến lúc con lớn mà vẫn ngọng líu ngọng lô, bố mẹ mới phát hoảng.

Nghe giọng ngọng líu lo đáng yêu, ngồ ngộ của cô “con gái rượu” đang tuổi tập nói, vợ chồng chị Hồng Liên (Triều Khúc- Thanh Xuân – Hà Nội) tỏ ra thích thú. Thậm chí, vợ chồng chị còn bắt chước nói theo con khiến bé càng nói nhiều hơn nữa, nhưng càng nói càng ngọng.

Thấy vợ chồng con gái như đang cổ vũ cho con nói ngọng, bà Thu- mẹ chị Liên đã cảnh báo nhưng chị lại xua đi bởi nghĩ rằng bé đang tập nói, lớn lên ắt sẽ nói rõ. Sau này, chị Liên mới thực sự phát hoảng khi đến khi con sắp sửa vào lớp một mà vẫn phát âm tên mình là “Khái Ly” (Khánh Ly), “con hấu” (con gấu)… Lúc này chị mới chột dạ, lẽ nào con ngọng là lỗi của bố mẹ?

Ảnh minh họa

Chị Mai (Đống Đa, Hà Nội) cũng có con bị ngọng, lúc thì: “Con hông hích hái hế này” (Con không thích cái ghế này), “Con hích đi hăm em bé cơ” (Con thích đi thăm em bé cơ)… Chị chia sẻ: “Những khi nào nghe con nói ngọng, vợ chồng mình lại quát để con nói lại hoặc có khi giả vờ không nghe thấy, bắt con nói lại. Thấy mình quát mắng, con thấy sợ rồi dần dần ít nói đi, bởi sợ vướng vào các từ bị ngọng. Nhìn con thấy tội tội”.

Giải pháp nào cho con

Theo cô Phạm Hồng Vân – Giáo viên trường Mầm non thực hành Hoa Sen (Hà Nội), chuyện các trẻ nói ngọng ở lứa tuổi mầm non là điều hoàn toàn bình thường, thậm chí có đến 99,9% trẻ nói ngọng trong khoảng thời gian từ 1 đến 3 tuổi, vì vậy bố mẹ không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, đến khi trẻ bước vào lớp mẫu giáo lớn (5 tuổi) mà vẫn còn nói ngọng, lúc này mới thực sự đáng lo.

Bên cạnh một số lý do bệnh lý, trong một số trường hợp, chính sự chủ quan của bố mẹ khiến trẻ mãi vẫn không hết nói ngọng, trường hợp của hai gia đình trên là ví dụ. “Trong giai đoạn trẻ tập nói từ 2-3 tuổi, các chữ sẽ không được tròn vành, rõ chữ, lúc này vai trò của người lớn cực kỳ quan trọng khi có thể uốn nắn từng chữ cho con. Thế nhưng nhiều bố mẹ đã bỏ qua khâu rèn nói cho con khiến nhiều con đến khi vào lớp 1 mà vẫn nói ngọng”, cô Hồng Vân cho biết.

Trong quá trình giảng dạy của mình, cô Hồng Vân đã giúp rất nhiều bé từ nói ngọng trở nên phát âm chuẩn. Phương pháp của cô là phải uốn nắn từng câu từng chữ cho trẻ. Từ nào bé nói ngọng phải nói để bé nhận thức được rằng cách nói đấy là sai, nghe buồn cười, phải tập phát âm lại nhiều lần để nói chuẩn mới thôi. Người lớn tuyệt đối không chế giễu khiến bé mất tự tin trước các bạn. Việc cho bé đi học sớm để hòa nhập phát triển kĩ năng giao tiếp cùng các bạn cũng là một giải pháp tốt.

Song nếu chỉ mình giáo viên hướng dẫn trên lớp thôi chưa đủ nếu về nhà ông bà, bố mẹ không lưu ý sửa cho con. Do đó, bố mẹ cần lưu ý những nguyên tắc nhất định:

Tuyệt đối không nói nhại theo con: Bởi như vậy sẽ khiến bé không nhận thức được là mình đang nói sai. Đây là một sai lầm rất nhiều phụ huynh mắc phải. Đặc biệt, phụ huynh nên tránh nói ngọng khi nựng con chẳng hạn như câu “Mẹ yêu ton nhắm” sẽ khiến bé bắt chước nói ngọng ngay.

Kiên trì sửa từng chữ: Thay vào đó, bố mẹ cần phải chỉ ra cho con biết lỗi phát âm sau đó giúp con sửa lại từng chữ. Chẳng hạn khi bé nói “con gấu” thành “con hấu”, bố mẹ nên nói với con “Nào, nghe mẹ nói nhé: con gấu”, đồng thời hướng dẫn bé cách uốn lưỡi để phát âm và sửa đến khi con nói chuẩn thì thôi.

Bên cạnh đó, bố mẹ nên tạo cho bé sự thoải mái để bé nói nhiều. Việc để con nói nhiều sẽ giúp bé tăng vốn từ vựng, khi đó bố mẹ sẽ có điều kiện biết con thường sai ở từ nào và sửa kịp thời. Tránh trường hợp hỏi dồn khiến bé lúng túng, nói lắp, ngọng… hoặc quát mắng cũng khiến bé sợ, mặc cảm.

Ảnh minh họa

Hay nói chuyện, hát cho con nghe: Ngay từ bé, nếu bạn thực hiện điều này thật chuẩn, thường xuyên, bé sẽ có cả một quá trình để bắt chước theo những bài hát, câu chuyện mà bạn kể. Với những từ nào bé bị ngọng, bạn hát, kể đi kể lại phần đó để bé ghi nhớ và làm theo.

Cho bé tiếp xúc với môi trường rộng lớn bên ngoài: Điều này có lợi hơn là co cụm bé trong không gian ở nhà. Việc tăng cường những hoạt động giao tiếp, nhất là ở chỗ đông người sẽ khiến bé nhanh nhẹn, mau miệng hơn.

Hạn chế để bé tiếp xúc với người hay bị nói ngọng: Rất nhiều trường hợp bé nói ngọng là do bắt chước ông bà, bố mẹ, người giúp việc… vốn cũng đang nói ngọng (đa phần là nhầm lẫn giữa “l” và “n”). Lúc này, mẹ là người gần gũi nhất với trẻ, hãy giúp bé chỉnh lại. Vì thế, dù bé có nghe thấy người lớn khác như ông bà, cô giúp việc, chị hàng xóm… nói sai, bạn vẫn dễ dàng sửa sai cho bé. Chẳng hạn khi bé nói “uống lước”, bạn nên hỏi lại ngay: “Con muốn uống nước à?”, đồng thời cho bé nhìn cách bạn phát âm để bé có thể học theo.

Đưa bé đi khám: Cuối cùng, nếu bạn biết nguyên nhân bé ngọng xuất phát từ yếu tố bệnh lý, bạn cần đưa con đi khám ngay.

Bí quyết của mẹ

1. Kiên trì là giải pháp

“Khi con gái tôi ngoài 2 tuổi, cháu bị ngọng hết chữ cái đầu như ‘con gà’ thành ‘on à’, ‘mẹ thành ẹ’, ‘bố thành ố’… Một thời gian uốn nắn, bé cũng có tiến bộ hơn nhưng lại chuyển sang một thể ngọng khác. Kiên trì hướng dẫn con bằng cách cùng con nhắc lại thật chậm những âm con nói sai…đến nay sau hơn 1 năm (cháu đã 3,5 tuổi) tật nói ngọng của cháu gần như đã mất hẳn”. (Lê Thị Huyền – Thanh Hóa)

2. Cho bé nói trước gương

Con gái đầu của mình bị ngọng, sau đó được một chị đồng nghiệp mách, mình đã dùng cách này. Mỗi ngày mình cho bé đứng trước gương phát âm thật chậm, rõ ràng một số cụm từ bé hay nói ngọng như ‘Con muốn ăn cơm’ (không phải ‘tơm’), ‘Con muốn đi công viên’ (không phải ‘hông viên’)… Trước đó mình làm mẫu và hướng dẫn bé làm theo. Sau một thời gian thấy bé dần hết nói ngọng. Nói chung cứ từ nào nói ngọng mình đều dùng cách này. Giờ mình đang áp dụng cách này với cậu con trai thứ hai, cũng đang ngọng líu lo. (Nguyễn Thị Hoa – Quảng Ninh)

Thu Hà

adminyhoc

Recent Posts

Vi khuẩn đường ruột oxalobacter formigenes hỗ trợ điều trị sỏi thận

Cơ thể con người chứa đến hàng tỷ các vi sinh vật khác nhau bao…

7 hours ago

Vai trò, ảnh hưởng của hệ vi sinh đường ruột đối với bệnh tiểu đường, béo phì, ung thư đại tràng

Hệ vi sinh đường ruột của con người là một cộng đồng vi sinh vật…

1 day ago

JARDIANCE, empagliflozin điều trị đái tháo đường týp 2

JARDIANCE viên nén bao phim chứa 10 hoặc 25 mg empagliflozin. Thành phần tá dược:…

2 days ago

Vi khuẩn đường ruột có thể ảnh hưởng đến não như thế nào?

Hơn một thế kỷ trước, chúng ta phát hiện ra rằng vi khuẩn sống trong…

2 days ago

Mối liên hệ giữa hệ vi sinh đường ruột và trí thông minh

Hệ vi sinh đường ruột đảm nhiệm vai trò quan trọng trong cuộc sống của…

2 days ago

Vai trò, ảnh hưởng của hệ vi sinh đường ruột đối với bệnh lý của cơ thể

Hệ vi sinh đường ruột của con người là một cộng đồng vi sinh vật…

2 days ago