Categories: Sức khoẻ

Ăn – Uống thế nào có lợi cho sức khoẻ mùa nóng

Thời tiết nắng, nóng, cơ thể dễ bị mệt mỏi, ăn uống kém hơn… nên dễ mắc bệnh. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được nguy cơ bệnh tật do khí hậu gây ra bằng cách sống hợp lý, ăn uống thích hợp và điều độ…

Nguyên tắc ăn uống trong mùa hè

Chế độ ăn phải lỏng, nhiều nước, vì mùa hè mất nhiều mồ hôi nên cần một chế độ ăn nhiều nước, mềm, vừa dễ tiêu hoá, dễ hấp thu lại cung cấp thêm nước cho cơ thể. Các món nên ăn thường xuyên trong mùa hè: Cháo, súp, sữa, nước ép trái cây…

Chọn loại thức phẩm ít béo, giàu chất đạm, giàu vitamin và khoáng chất như thịt nạc, thịt gà, cá, tôm, đậu đỗ, rau xanh và quả chín.

Khi chế biến món ăn nên hạn chế xào, rán mà nên tăng cường các món ăn hấp, luộc, nấu canh, nên ăn nhạt.

Thực phẩm nên chọn loại tươi, ngon, tránh ăn thực phẩm đã bị ôi thiu.

Nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày, tránh ăn quá no, không để bữa ăn cách xa nhau dễ gây tình trạng hạ đường huyết.

Nên ăn nhiều vào bữa sáng, trưa ăn vừa phải, bữa tối không nên ăn quá no, không ăn tối muộn sau 7giờ. Đối với người cao tuổi và trẻ nhỏ nên giữ chế độ ăn từ 4 – 5  bữa trong một ngày, đồng thời khoảng cách giữa các bữa đều nhau và nên thực hiện tương đối đúng giờ. Nếu trong mỗi bữa ăn không ăn được đủ số lượng cần thiết, nhất là loại tinh bột (glucid) thì nên ăn tăng thêm bữa (xen vào giữa các bữa chính), ví dụ như vào khoảng 9 giờ sáng, 4 – 5 giờ chiều.

Những thực phẩm nên và không nên ăn nhiều trong mùa hè

Những thực phẩm nên ăn: Gạo, mỳ, khoai củ, đậu đỗ, hạt sen; thịt nạc, thịt gà, cá, tôm, sữa, đậu phụ; dầu thực vật; rau xanh như mồng tơi, mướp, bầu bí, rau dền, rau muống, dưa chuột, củ đậu; các loại quả chín như dưa hấu, đu đủ, cam, bưởi, chuối, thanh long…

Nên hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn trong thời tiết nắng nóng.

Những thực phẩm nên hạn chế: Thực phẩm chế biến sẵn như patê, xúc xích, lạp sườn, thịt hộp, thịt xông khói…; các loại nước ngọt có ga, bánh kẹo, socola… sữa đặc có đường; thức ăn nhiều muối mặn như dưa cà muối, mắm tôm, mắm tép; các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt chó, trâu, dê, ngựa; các loại phủ tạng như óc, tim, gan, thận…; thức ăn xào rán, thức ăn nhiều mỡ như thịt mỡ, mỡ lợn, mỡ gà, mỡ bò…

Không nên ăn các thức ăn tươi, sống như rau sống, gỏi cá, nem chua, tiết canh, nem chạo…

Hạn chế dùng các loại gia vị như ớt, hạt tiêu, mù tạt.

Và “bí quyết” bổ sung nước

Mùa nào cơ thể cũng cần nước, nhưng mùa hè thì nhu cầu nước tăng hơn do mất nhiều mồ hôi để cơ thể điều hoà nhiệt, chống nóng… Nếu thiếu nước ảnh hưởng đến các hoạt động sống của cơ thể vì tất cả các phản ứng, các quá trình chuyển hoá trong cơ thể đều cần nước. Nước còn giúp đào thải các chất độc hại ra ngoài cơ thể qua nước tiểu, mồ hôi.

Các loại nước ép trái cây tốt cho sức khỏe ngày hè

Nước uống một ngày bao nhiêu là đủ?

Trong điều kiện bình thường, mỗi ngày cơ thể mất đi chừng 2,5 lít nước. Để cho cơ thể hoạt động tốt, cần uống vào một lượng nước từ 1,5 lít đến 2 lít, nghĩa là từ 6 đến 8 ly nước mỗi ngày, mỗi ly khoảng 250 ml. Nhu cầu nước còn lại được cung cấp từ thực phẩm ta ăn vào (nước canh, trái cây, rau tươi…). Nước cần uống nhiều hơn khi bệnh có sốt cao, mất nước, khi thời tiết nóng, đổ mồ hôi nhiều, khi tập thể thao, khi bị nôn hay tiêu chảy…

Tuy nhiên cũng không nên uống quá nhiều nước. Uống nước quá nhu cầu cũng có thể đưa tới tình trạng ngộ độc nước, chẳng hạn khi giảm béo phì theo chế độ giảm ăn và tăng uống nước, thận không kịp bài tiết nước, nước xâm nhập tế bào, làm mất thăng bằng muối khoáng, dẫn đến rối loạn điện giải, các chức năng tế bào bị đình trệ, đưa đến hôn mê và có thể tử vong.

 

Uống như thế nào?

Sáng ngủ dậy uống 1- 2 ly nước đun sôi để nguội, vừa tỉnh ngủ lại tốt cho cơ thể sau một đêm không được ngụm nước nào. Uống nước vào sáng sớm còn có tác dụng làm sạch đường tiêu hoá, các thức ăn còn dư lại ở dạ dày sẽ được làm sạch. Chỉ 5 phút sau khi uống là nước đã rời khỏi dạ dày,  vì vậy chỉ nên uống nước mười phút trước khi ăn hoặc một giờ sau khi ăn chứ không nên uống ngay sau hoặc trong khi ăn, vì  uống trong khi ăn sẽ hòa loãng và mau đưa dịch vị dạ dày xuống ruột, khiến cho sự tiêu hóa khó khăn. Hơn nữa vừa uống vừa ăn, ta sẽ nuốt món ăn chưa được nhai kỹ không tốt cho tiêu hoá và hấp thu.

Uống nước nên chia làm nhiều lần trong ngày chứ không nên uống một lần quá nhiều. Ngay cả khi khát nước cũng không nên uống quá nhiều một lúc, tốt nhất là nên uống từ từ từng ngụm một để cho nước có thời gian thấm qua thành ruột vào mạch máu và thỏa mãn nhu cầu khát của một cơ thể bị thiếu nước.

Trong khi vận động, làm việc, cứ khoảng nửa giờ nên uống 100-150ml nước.

Những loại nước nào tốt cho sức khoẻ?

Nước uống có thể là nước máy đun sôi để nguội, nước lọc, nước tinh khiết đóng chai, sữa, nước ép trái cây, nước ép rau củ,  nước súp… đều có thể dùng được hàng ngày.

Những loại nước uống tốt nhất cho sức khoẻ đó là:

– Nước trà xanh: Là một loại nước uống thông dụng và cũng dễ tìm trong cuộc sống hàng ngày. Đây là loại nước uống có khả năng chống chọi với các loại bệnh liên quan đến tim mạch và những bệnh lây nhiễm khác.

– Nước ép trái cây tươi: Nước cam, quýt, bưởi, dưa chuột, táo… Khi uống không nên cho thêm đường. Loại nước quả ép này vừa cung cấp nước lại cung cấp các vitamin và khoáng chất cho cơ thể, giúp xóa tan những mệt mỏi, tăng cường chức năng hoạt động của não và làm khỏe mạnh những mạch máu, lưu thông khí huyết.

– Các loại nước ép từ rau củ như: Củ đậu, bí xanh, nước rau má… cũng rất tốt cho cơ thể vừa không sợ bị tăng cân, mà còn có tác dụng giải nhiệt, nhất là trong những ngày hè nóng bức.

– Sữa đậu nành không đường: Cũng là nước uống và thức ăn bổ dưỡng vừa cung cấp nước, cung cấp canxi và các chất dinh dưỡng khác.

– Nước rau luộc: Cũng rất tốt cho cơ thể vì cung cấp các vitamin và khoáng chất.

Uống nước có gas trong mùa hè không có lợi cho sức khỏe

Loại nước uống tốt nhất cho con người là nước sạch tự nhiên có trong rau quả, nước băng tan hoặc nước sạch nhân tạo.

Để đảm bảo sức khoẻ chúng ta nên tự đun sôi nước sạch để nguội uống hàng ngày, nếu uống nước đóng chai thì phải chọn các hãng có uy tín trên thị trường.

Ngoài ra, các nước uống cần phải hạn chế  dùng là: Nước khoáng, các loại nước ngọt có ga, các loại nước ép quả công nghiệp, cà phê, nước tăng lực, rượu, bia…

Người bệnh thận có chức năng thải khoáng kém cũng không nên uống nước khoáng vì những chất khoáng dư thừa sẽ tích lũy lại trong người và gây rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, phù…

ThS. BS. Lê Thị Hải

Nguồn: SKĐS

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

1 day ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

1 day ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

3 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

4 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

5 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago