Phát biểu tại hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện Chiến lược Quốc gia về sức khỏe tâm thần ngày 7/12, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Trần Quý Tường nhấn mạnh, rối loạn tâm thần là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất hiện nay, gây ra khoảng 14% gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Tại Việt Nam, nó cũng là nguyên nhân hàng đầu của gánh nặng bệnh tật. Ước tính gần 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến, 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng.
Theo bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, người bình thường trong suốt cuộc đời đều có ít nhất một hoặc nhiều triệu chứng tâm thần.
|
Mất ngủ, suy nhược thần kinh, tâm trạng buồn rầu chán nản… cũng là biểu hiện của rối loạn tâm thần. Ảnh: N.P. |
Rối loạn tâm thần là bệnh phổ biến, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và có xu hướng gia tăng. Con người ngày càng nhiều việc, làm việc suốt ngày đêm, áp lực công việc lớn, căng thẳng nhiều làm tăng rối loạn tâm thần. Ngoài ra còn phải kể đến nguyên nhân tăng cách biệt giàu nghèo và bất bình đẳng, tiêu thụ rượu bia.
Khoảng trống điều trị còn rất lớn, nhiều người mắc bệnh vẫn chưa được chẩn đoán và điều trị. Tiến sĩ Lại Đức Trường thuộc Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, cứ 10 người bị bệnh thì có 2-3 người được điều trị. Hiểu biết của người dân về bệnh vẫn có phần lệch lạc, nhiều người cho rằng sức khỏe tâm thần là tâm thần phân liệt, điên mà không biết có nhiều loại rối loạn tâm thần khác như trầm cảm, lo âu, mất ngủ. Vì thế vẫn còn hiện tượng kỳ thị, giấu bệnh.
Triệu chứng mắc bệnh tâm thần rất đa dạng, từ mất ngủ, suy nhược thần kinh đến loạn thần. Tâm trạng buồn rầu, bi quan, mất tự tin; các hành động cười vô duyên cớ, nói lẩm bẩm một mình… cũng là dấu hiệu tâm thần.
Việc chẩn đoán sức khỏe tâm thần cũng khó hơn sức khỏe thể chất. Không có sự giúp đỡ của các phương tiện kỹ thuật hiện đại, bác sĩ chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, khai thác bệnh nhân. Trong khi Việt Nam thiếu về số lượng bác sĩ tâm thần, hạn chế về năng lực. Cả nước có khoảng gần 1.000 bác sĩ chuyên khoa tâm thần, chủ yếu tập trung ở tuyến trung ương và các thành phố lớn. Sinh viên ra trường không muốn làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần, tiến sĩ Trường cho biết.
Để phát hiện sớm, quản lý và điều trị kịp thời Bộ Y tế xây dựng Chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2016-2025. Trong đó, sẽ lồng ghép chăm sóc sức khỏe tâm thần vào chăm sóc sức khỏe chung. Các bệnh viện đa khoa, nhất là ở tuyến huyện cũng cần cung cấp dịch vụ sức khỏe tâm thần thiết yếu cho bệnh nhân.
Nam Phương
Nguồn: VnExpress
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…