ThS.BS. Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam cho biết, trong sự phát triển của y học hiện nay, để phục vụ và chăm sóc người bệnh một cách tốt nhất, điều dưỡng viên không chỉ là người đơn thuần thực hiện theo các y lệnh của bác sĩ, mà còn phải có khả năng tự sơ lược và đánh giá tình trạng bệnh để biết cách chăm sóc, vệ sinh, nâng cao thể trạng cho từng người bệnh; ghi chú hồ sơ bệnh án… Một yêu cầu quan trọng đối với điều dưỡng viên đó là phải biết nắm bắt tâm lý người bệnh. Điều dưỡng viên giỏi chính là người biết đặt mình vào tâm trạng người bệnh để hiểu và biết cách động viên, chăm sóc họ.
Theo Bộ Y tế, hiện nay, tại các cơ sở y tế, lực lượng điều dưỡng thực hiện tới 70% công việc điều trị cho người bệnh, từ đón tiếp, chăm sóc người bệnh cho đến khi xuất viện. ThS.BS. Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, cho biết, hiện nay, nguồn nhân lực điều dưỡng, hộ sinh thiếu nhiều về số lượng và trình độ chuyên môn. Thống kê trên 1256 bệnh viện năm 2014 cho thấy, toàn quốc có trến 61 nghìn y, bác sỹ làm công tác điều trị, 117 nghìn điều dưỡng viên, hộ sinh đang công tác tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tỷ lệ điều dưỡng, hộ sinh/bác sỹ là 1,9. Tuy nhiên, WHO khuyến cáo, 01 bác sỹ cần tới 3,5 điều dưỡng, hộ sinh. Mặc dù, thời gian qua, số lượng cơ sở đào tạo điều dưỡng tăng nhanh gấp đôi số lượng trong giai đoạn 2005 đến 2015. Tuy nhiên, chủ yếu gia tăng các cơ sở đào tạo trung cấp và cao đẳng điều dưỡng. Việc thiếu nhân lực điều dưỡng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng chăm sóc và an toàn người bệnh trong các cơ sở khám chữa bệnh và chính sức khỏe của người điều dưỡng.
Hiện tại, ngành Điều dưỡng nước ta đang phải đổi mặt với hai khó khăn chính, đó là: nhu cầu tăng cường nhân lực điều dưỡng trong nước và yêu cầu nâng cao trình độ điều dưỡng đáp ứng hội nhập. Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, hệ thống quản lý điều dưỡng chưa được hoàn thiện tại 21 Sở Y tế, nhiều điều dưỡng trưởng khoa trình độ trung cấp, chưa được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn và quản lý; tại các bệnh viện chưa có mô hình chăm sóc thể hiện rõ vai trò chủ động của người điều dưỡng. Để nâng cao số lượng, cũng như chất lượng cán bộ y tế làm công tác điều dưỡng, ThS.BS. Phạm Đức Mục cho biết, bên cạnh việc tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo điều dưỡng mới thì công tác đào tạo liên tục nhằm bổ sung kiến thức mới cho các cán bộ y tế hiện đang làm công tác điều dưỡng tại các cơ sở y tế là điều cấp thiết. ThS.BS. Phạm Đức Mục cho biết thêm, nhằm giúp nâng cao trình độ chuyên mộn cho các hội viên của Hội Điều dưỡng Việt Nam, Hội đã thực hiện hàng loạt các can thiệp đặt nền móng cho lĩnh vực nghiên cứu phát triển đào tạo điều dưỡng như biên soạn và xuất bản sách nghiên cứu điều dưỡng; đề xuất bổ sung môn học nghiên cứu điều dưỡng vào chương trình đào tạo điều dưỡng; đưa nghiên cứu điều dưỡng vào tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện hàng năm. Đồng thời, Hội đã khởi xướng xây dựng và được Bộ Y tế thẩm định, ban hành thực hiện các chương trình và tham gia xây dựng tài liệu đào tạo liên tục như Quản lý điều dưỡng; Phòng ngừa chuẩn; Quản lý và lãnh đạo điều dưỡng; Phòng và chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS… Trung tâm tư vấn và dịch vụ điều dưỡng của Hội đã được Bộ Y tế thẩm định, công nhận là tổ chức đủ điều kiện đào tạo liên tục từ năm 2012. Hội có tạp chí riêng và mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế về y khoa và điều dưỡng… Bên cạnh đó, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng đã xây dựng hoàn thành Chương trình đào tạo quản lý điều dưỡng cho điều dưỡng trưởng (ĐDT) các cơ sở y tế. Cả nước ước tính có 15000 ĐDT. Điều tra của Cục Quản lý khám chữa bệnh và Hội Điều dưỡng Việt Nam cho thấy có tới gần 40% các ĐDT đương nhiệm được lựa chọn từ các điều dưỡng viên giỏi về chuyên môn nhưng chưa được đào tạo về quản lý điều dưỡng. Một số trưởng phòng Điều dưỡng và ĐDT khoa đã được học các lớp quản lý điều dưỡng trước đây nhưng nay cơ chế quản lý bệnh viện và các quy định trong Quy chế bệnh viện đã có nhiều thay đổi nên đa số điều dưỡng trưởng chưa cập nhật kiến thức và kỹ năng. Chương trình đào tạo quản lý điều dưỡng sẽ giúp ĐDT có năng lực tham gia xây dựng chính sách, điều hành chăm sóc người bệnh, tham gia nghiên cứu và giảng dạy cho điều dưỡng có hiệu quả. Học viên sau khi hoàn thành khoá học có thể trở thành giảng viên dạy học môn quản lý điều dưỡng.
Nhằm phát triển nguồn nhân lực điều dưỡng chất lượng cao, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, đề xuất một số giải pháp, bao gồm: thống nhất mô hình đào tạo điều dưỡng, đảm bảo hội nhập quốc tế, giảm dần quy mô đào tạo điều dưỡng hệ trung cấp, rà soát, nâng cấp trường trung cấp đủ điều kiện lên cao đẳng, thành lập một số trường đại học điều dưỡng; đào tạo nâng cao trình độ điều dưỡng viên trung cấp đang làm việc trong hệ thống y tế công lập; triển khai hiệu quả các hoạt động đảm bảo chất lượng từ các nguồn hỗ trợ dự án về điều dưỡng; xây dựng và hoàn thiện hệ thống đào tạo lâm sàng cho điều dưỡng viên mới tốt nghiệp.
Bài, ảnh: Như Hiển
Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…