Đãng-trí-bác-học không phải là cụm từ ngẫu nhiên, mà xuất phát từ chính những câu chuyện ngây ngô, hài hước của các nhà khoa học từ cổ chí kim.
Albert Einstein- ngỡ con là khách và ăn… đồng hồ
Albert Einstein là một nhà vật lý nổi tiếng về tài năng nhưng cũng nổi tiếng không kém về sự đãng trí của mình, nhất là sự đãng trí trên những chuyến xe buýt. Người ta còn truyền tụng nhau một trong những câu chuyện ngờ nghệch của Albert Einstein:
Một lần trên xe buýt, Einstein bị rơi mất một mắt kính xuống sàn xe, đang lom khom tìm nhặt thì có một cô bé tinh mắt nhanh nhẹn nhặt lên và dúi vào tay ông. Ông cảm ơn cô bé và hỏi: “Cháu gái ngoan, cháu tên là gì?”. Cô bé nhanh nhảu trả lời: “Thưa bố, tên con là Clara Einstein”.
Lại có huyền thoại kể rằng, hàng sáng, vợ Einstein thường để một quả trứng và cái nồi nước sẵn trên bàn bếp để ông tự luộc và ăn cho nóng trước khi đến giảng đường. Một hôm, Einstein đang giảng dở bài thì nghe tiếng chuông, ông rất khó chịu, liền rút chiếc đồng hồ quả quýt trong túi ra coi lại xem chuông của nhà trường có chính xác không. Loay hoay một hồi mà Einstein vẫn không thể xem nổi là mấy giờ, còn đám sinh viên thì cười ồ lên. “Các cô các cậu cười cái gì thế?” – Einstein gắt gỏng. “Thưa thầy! Sao nãy giờ thầy ngắm quả trứng kỹ thế làm gì ạ?” Một cậu sinh viên hỏi. Einstein há hốc miệng – Thế sáng nay tôi ăn cái gì???
Isaac Newton- mất bạn, mất ngựa vì đãng trí
Vốn được mệnh danh là “ông tổ của nền cơ học cổ điển”, sự đãng trí của Newton đến ngây ngô nực cười. Người ta kể lại rằng, một lần mời khách, khi bữa ăn đã được dọn ra, một ý nghĩ chợt loé lên trong đầu, ông vội chạy vào phòng làm việc và cứ thế mải miết với suy nghĩ của mình.
Vì không muốn làm đứt luồng suy nghĩ của bạn, ông khách ăn cơm một mình rồi lẳng lặng ra về. Mãi sau khi thấy bụng đã đói mềm, ông mới rời phòng làm việc. Ngồi vào bàn ăn, ông thấy thức ăn đã ăn dở. Như sực tỉnh ông vỗ vào bụng và gật gù: “Ờ, té ra mình đã ăn rồi, suýt nữa thì nhầm” – rồi tiếp tục vào phòng làm việc.
Thậm chí có những lần phải đi đây đi đó. Đáng lẽ phải dắt ngựa về nhà nhưng vì mải với suy nghĩ của mình,Newton đã dắt ngựa ngược về phía sau nhà đến 5 dặm. Nhiều khi dắt ngựa đi, ngựa đã tuột dây chạy đi lúc nào, còn Newton vẫn cầm chắc dây cương và tiếp tục đi mà không hề hay biết.
Nhà soạn nhạc vĩ đại Beethoven – âm nhạc là món ăn
Nhà soạn nhạc vĩ đại Beethoven cũng chẳng khác Newton là mấy. Để có những tác phẩm âm nhạc vô cùng quý giá để lại cho đời, ông đã dồn hết tâm trí của mình vào sáng tác, nhiều khi quên cả thế giới xung quanh. Có một lần vào quán ăn, ông gọi người hầu bàn mang thức ăn. Trong khi chờ đợi, một tứ nhạc bất chợt nảy sinh trong đầu ông.
Người hầu bàn vốn đã biết ông là một nhạc sĩ nên thận trọng, không mang thức ăn ra ngay để ông được yên tĩnh viết nhạc. Nửa giờ sau, viết xong, ngẩng lên thấy bàn không có gì, tưởng mình đã ăn xong, và bát đĩa đã dọn đi rồi, Beethoven gọi người hầu bàn đến để… thanh toán tiền, thậm chí rối rít xin lỗi vì đã để hầu bàn đợi lâu.
Nhà bác học Andre Mari Ampere- to tiếng với hoàng đế Pháp
Ampe là nhà bác học Pháp, là người mở đường cho khoa học điều khiển – một nhân tài hiếm hoi của nhân loại, là giáo sư của các trường đại học. Ông đãng trí đến mức thường lấy giẻ lau bảng để lau mồ hôi trên mặt mỗi khi giảng bài.
Một lần, Ampere đến diễn thuyết tại Viện khoa học Pháp. Xong, ông về chỗ và phát hiện có người lạ mặt ngồi vào chỗ của mình. Nổi cơn thịnh nộ, ông đuổi nhân vật đó ra khỏi chỗ ngồi của mình mà không hề hay biết đó là Napoleon Bonapac – hoàng đế nước Pháp (có lẽ Ampe là người duy nhất sống trong thời đại đó mà không biết đến vị hoàng đế nổi tiếng này).
Ông thậm chí phàn nàn về các món ăn bởi suy nghĩ rằng bản thân đang ở nhà mình mà thực ra đang ở dinh thị trưởng. Một lần có việc ra đường, ông nhặt được một hòn đá và chăm chú quan sát. Giây lát sau ông sực nhớ đến công việc. Rút chiếc đồng hồ ra xem giờ, mải suy nghĩ ông đã ném chiếc đồng hồ xuống sông, cho hòn đá vào túi đi tiếp.
Lần khác, mải suy nghĩ tìm biện pháp tối ưu cho bài toán, chợt thấy phía trước có chiếc bảng đen. Theo thói quen, ông tiến lại gần, viết liên tiếp các công thức đang bận tâm suy nghĩ. Vài phút sau, chiếc bảng chuyển động. Ông đi theo cố làm xong phép tính nhưng chiếc bảng đi nhanh làm ông phải chạy theo nó. Đến khi bị bỏ rớt lại, ông mới chợt tỉnh và hết sức sửng sốt chiếc bảng mà ông viết là tấm gỗ phía sau cỗ xe ngựa.
Lại có hôm, Ampe có việc phải ra khỏi nhà vào buổi sáng. Lúc đi, ông khoá cửa và viết mấy chữ hẹn ở cánh cửa: “Ampere đi vắng, 16 giờ mới có mặt ở nhà”. Ông đi công chuyện, 14 giờ đã xong, ông thanh thản trở về nhà mình. Đến nơi thấy dòng chữ nói trên, đang mãi suy nghĩ, ông quên khuấy mình chính là Ampere, ông thở dài, xem đồng hồ và lẩm bẩm: “Vậy là mất đứt gần hai giờ chờ đợi!!!.
Nhà vật lý Plăng- đãng trí kịp thời
Nhà vật lý Plăng M. (M. Planck) nổi tiếng khi là người xây dựng thuyết lượng tử (1900).
Có một dịp đến Berlin, thủ đô nước Đức, Plăng quên khuấy mất là mình sẽ phải thuyết trình ở giảng đường nào. Trong phút đãng trí, ông nhanh trí lao vào văn phòng trường Đại họcTổng hợp để hỏi. Tại đây, ông gặp một giáo sư khả kính: “Xin bác cho biết, hôm nay giáo sư Plăng sẽ thuyết trình ở đâu ạ?”.
Vị giáo sư bỏ kính, nhìn Plăng từ đầu tới chân rồi nhún vai, lắc đầu: “Này anh bạn trẻ, đừng đến đấy làm gì. Anh còn ít tuổi thế, làm sao mà hiểu nổi giáo sư Plăng!”
Vì đãng trí mà Plăng hiểu được mình đang làm gì, và phải sửa gì. Một sự đãng trí có ích!
Bình Nguyên
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…