Thuốc lá điện tử là gì?
Nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy, thuốc lá điện tử (e-cigarette) được phát triển đầu tiên ở Trung Quốc và được giới thiệu vào thị trường Mỹ năm 2007. Cho đến thời điểm hiện tại thì được bán ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam nhằm thay thế thuốc lá thông thường. Thuốc lá điện tử (TLĐT) khác cơ bản thuốc lá điếu ở chỗ không có lá thuốc lá, thực chất là một loại thiết bị làm bay hơi, thay vì đốt cháy lá thuốc lá, thiết bị này đốt nóng chất lỏng, chất lỏng sẽ biến thành hơi và được hít vào.
Nếu là một điếu thuốc lá bình thường thì quy trình sử dụng sẽ là châm lửa, hít và nhả khói. Người sử dụng hít khói vào để hít một lượng nicotin. Người dùng TLĐT hít chất khí một cách thông thường. Trong đó, tim của điếu TLĐT là một mạch vi xử lý, có nhiệm vụ kích hoạt một bộ phận phun hỗn hợp hơi nước khi có kích thích hít vào bởi người sử dụng.
Hỗn hợp hơi nước này sẽ được đẩy ra dưới dạng hơi và được hít vào bởi người sử dụng thông qua một bộ phận lọc. Tại phần đầu lọc, hỗn hợp khí sẽ được hòa với một hỗn hợp tạo mùi và vị, cộng thêm một lượng nicotin phù hợp. Tất cả các hoạt động trên được vận hành bởi một bộ nguồn nằm ở phần thân trước điếu thuốc. Thực ra, hút thuốc điện tử cũng nhằm cung cấp cho người hút một lượng nicotin nhất định.
Khác biệt là trong khói TLĐT không có 4.000 hóa chất độc hại như thuốc lá đốt sợi thuốc, trong đó có CO (oxid carbon, là khí rất độc với lượng nhỏ), các chất gây ung thư (có nhóm benzopyren gây ung thư phổi, da, bàng quang). Riêng nicotin chính là chất gây nghiện và có hại cho tim mạch của người hút thuốc.
Chất lỏng hoặc còn gọi là “nước cốt khói” thường là Propylene Glycol (chất chất dễ bay hơi tạo làn khói trắng khi gặp nhiệt độ cao, thường được sử dụng để pha loãng nicotine lỏng nguyên chất). Người tiêu dùng có thể mua loại chất lỏng ít, nhiều hay không chứa nicotin. Nhà sản xuất thường thêm hương liệu vào chất lỏng, đó có thể là tinh dầu hương vị bạc hà, chocolate, cà phê, táo, anh đào hay caramel…
Theo quảng cáo trên mạng, thiết bị hút thuốc có giá từ 980.000 đồng đến 2.500.000 đồng, thậm chí là cả chục triệu đồng, mỗi hộp “nước cốt” (tinh dầu và nicotin) có giá từ 70.000 đồng đến 150.000 đồng. Mỗi hộp người hút TLĐT có thể dùng trong một tháng.
Nguy cơ ung thư
Trong khi tác hại của thuốc lá luôn được nhắc đến thì thuốc lá điện tử xuất hiện với tuyên bố là không độc hại như thuốc lá điếu truyền thống. Để phần nào làm sáng tỏ điều đó, năm 2015 các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard đã tiến hành phân tích các loại tinh dầu thuốc lá điện tử phổ biến trên thị trường.
Trong nghiên cứu, họ đã tiến hành phân tích 51 mẫu tinh dầu tạo mùi trong thuốc lá điện tử, bao gồm cả những mùi được cho là hấp dẫn giới trẻ như kẹo bông, trái cây, bánh ngọt… Và kết quả khá đáng sợ: Hơn 75% trong số này có chứa một loại hóa chất rất nguy hiểm có tên là diacetyl và 2 loại hợp chất khác cũng nguy hiểm không kém. Diacetyl được biết tới như một chất gây viêm phế quản tắc nghẽn, một chứng suy thoái chức năng không thể phục hồi.
Các nhà khoa học cũng đã tiến hành kiểm tra lượng chất Formaldehyde, một chất khí không màu do thuốc lá điện tử tạo ra khi đốt nóng chất lỏng chứa nicotine và chất tạo mùi thơm bên trong thiết bị. Đây là chất hóa học độc hại có khả năng gây ung thư, thường được sử dụng trong chế tạo vật liệu xây dựng và bảo quản thi hài.
Theo đó, cứ 3ml chất lỏng được đốt nóng sẽ tạo ra 14mg chất Formaldehyde. Với người thường xuyên hút 1 bao thuốc/ngày, lượng Formaldehyde “nạp” vào cơ thể là 3 mg/ngày. Với liều lượng như vậy, nguy cơ ung thư ở những người hút thuốc lá điện tử lâu năm sẽ cao từ 5-15 lần so với những người nghiện thuốc lá thường.
Trước đó, các nhà khoa học thuộc Bộ Y tế Nhật Bản cũng đã kết luận, thuốc lá điện tử chứa lượng chất gây ung thư cao gấp 10 lần so với các loại thuốc hút thông thường. Ở Việt Nam, chưa được phép nhập khẩu và kinh doanh TLĐT. Thế nhưng điều đáng nói là TLĐT vẫn đang được rao bán công khai trên mạng. Tuy nhiên, theo những người đã mua hàng, mặc dù có rất nhiều hãng khác nhau nhưng hầu như tất cả đều là hàng Trung Quốc, không có chứng nhận chất lượng và bảo hành sản phẩm.
Về lĩnh vực sức khỏe, bác sĩ Ngô Văn Kha- Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Trung ương cảnh báo: Tại Việt Nam chưa có công trình nghiên cứu nào về TLĐT nhưng theo những tài liệu nước ngoài thì TLĐT không phải là sản phẩm an toàn cho sức khỏe con người. TLĐT bơm nicotin vào phổi vì vậy vẫn gây nghiện như mọi loại thuốc lá khác. Hút TLĐT không tạo ra khói thuốc thật và nhiều người nghĩ rằng dùng TLĐT để cai nghiện thuốc lá nhưng cuối cùng lại nghiện nó.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá cũng cho rằng TLĐT có chứa nicotine thay thế, nó vẫn gây nghiện và ảnh hưởng xấu với sức khỏe. Ngoài ra, chất lượng các tinh dầu tạo mùi không được kiểm soát, có thể đó là các hóa chất gây độc hại, ảnh hưởng hệ hô hấp, phế quản, phổi.
Cùng những phân vân này, bác sĩ Trịnh Văn Hiệp- Ban chủ nhiệm Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá (Sở Y tế TP HCM) cho biết, thuốc lá điện tử có hai phần, đầu lọc chứa nicotine và tinh dầu hỗn hợp chất tạo mùi thơm… Để tăng sự hấp dẫn, người ta thường trộn hóa chất độc hại trôi nổi trên thị trường, chưa kể có thể trộn các chất gây nghiện nguy hiểm vào tinh dầu mà người hút không hề biết, rất nguy hại cho sức khỏe…
“Cơ quan Kiểm soát dược phẩm và thực phẩm của Mỹ đã ra cảnh báo về sự thiếu thử nghiệm lâm sàng khoa học chứng thực độ an toàn của TLĐT. Một số nước như Úc, Canada, Brazil… nhận thấy loại thuốc này có hại nhiều hơn lợi nên đã cấm lưu hành sử dụng. Tại Việt Nam thuốc lá điện tử chưa được cấp phép kinh doanh, chủ yếu là hàng xách tay, nhập lậu. Tôi nghĩ không nên cho phép lưu hành sản phẩm này”- bác sĩ Hiệp nói.
Gần đây trong giới trẻ dấy lên phong trào hút TLĐT. Hiện trên nhiều trang mạng quảng cáo bộ sản phẩm được bán với đầy đủ phụ kiện gồm điếu thuốc với chip điện tử, đầu lọc, sạc pin, lọ tinh dầu. Người sử dụng sau khi mua về chỉ cần đổ tinh dầu vào điếu thuốc là có thể sử dụng và thể hiện sự sành điệu.
Vì chưa có nhiều tài liệu hướng dẫn cũng như nghiên cứu về loại thuốc lá vốn được coi là để cai nghiện thuốc lá này nên dư luận vẫn còn nhiều băn khoăn. Thiết nghĩ, Bộ Y tế cần sớm vào cuộc để công bố cho người tiêu dùng Việt Nam biết cụ thể về tính năng, tác dụng cũng như tác hại của TLĐT để có thể có những lựa chọn xác đáng khi sử dụng.
Lê Vinh
Nguồn: Đại đoàn kết
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…