Phát biểu tại Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh và tiêm chủng các tỉnh miền núi phía Bắc được tổ chức vừa qua tại Tuyên Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, các tỉnh miền núi phía Bắc đang phải đối mặt với 2 nhóm yếu tố nguy cơ gia tăng các bệnh lây nhiễm. Một là nguy cơ lây nhiễm các dịch bệnh qua đường biên giới và nguyên nhân thứ hai là do các nguyên nhân nội tại như: vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm, vệ sinh nhà ở kém; phong tục tập quán lạc hậu.Trong khi đó, người dân chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh, khi mắc bệnh không đến cơ sở y tế khám, chữa bệnh, khi bệnh nặng mới đi khám. Theo Báo cáo của Cục Y tế dự phòng, dịch bệnh thường xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, kinh tế, đi lại khó khăn; nhân lực phòng chống dịch bệnh còn thiếu và yếu, ít kinh nghiệm trong giám sát dịch bệnh, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, công tác đáp ứng khi xảy ra dịch bệnh còn chậm do thiếu nhân lực, đặc điểm dân cư sống rải rác trên địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn …
Theo khảo sát trong năm 2015 của Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế cho thấy, khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long là những vùng có tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh thấp. Đặc biệt, tỷ lệ hộ gia đình không có nhà tiêu còn khá cao, lên đến gần 50% tại một số tỉnh như: Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang. Một số tỉnh khác cũng có tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh thấp như: Sơn La, Tuyên Quang. Bên cạnh đó, việc cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt người dân còn rất hạn chế. Nhiều trạm cấp nước ở nông thôn hay một số nhà máy nước đô thị không đạt các chỉ tiêu lý hóa, vi sinh và vệ sinh ngoại cảnh. Một số chỉ tiêu không đạt thường gặp như: lượng Clo dư thấp hoặc không có; nhiễm E.coli, Coliform. Ngoài ra nhiều mẫu có nitrit, nitrat, amoni, độ cứng, sắt, mangan cao hơn tiêu chuẩn cho phép.
Chủ động phòng chống dịch bệnh
Nhằm chủ động trong phòng chống các dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường vai trò chỉ đạo và trách nhiệm của chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cơ sở, phối hợp chặt chẽ ngành y tế trong việc phòng chống dịch bệnh, cung cấp dịch vụ y tế. Phối hợp quân dân y, bộ đội biên phòng để tăng cường công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch, tiêm chủng tại các vùng khó khăn, đặc biệt tại các khu vực biên giới, thiếu cán bộ y tế; các các cơ quan thú y và các đơn vị liên quan triển khai phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người, phòng chống buôn lậu gia cầm qua biên giới; các địa phương tăng cường giám sát dịch bệnh tại các bản, làng vùng sâu, vùng xa, vùng nhiều người dân tộc sinh sống để phát hiện sớm dịch bệnh. Riêng các địa phương có biên giới với Trung Quốc, Lào tăng cường giám sát tại cửa khẩu, cư dân biên giới. Rà soát năng lực đáp ứng chống dịch của các tuyến, duy trì đội cơ động chống dịch, đội cấp cứu lưu động ở các tuyến, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.Đối với các xã vùng sâu, vùng xa, thiếu cán bộ y tế thì tuyến trên cử cán bộ tăng cường hỗ trợ tuyến dưới, phối hợp quân dân y; cử cán bộ tuyến tỉnh, huyện tăng cường tới các vùng khó khăn, khu vực có ổ dịch. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ tăng cường tổ chức các lớp đào tạo và đào lại cho cán bộ y tế tuyến tỉnh về công tác giám sát, xử lý ổ dịch, điều trị bệnh truyền nhiễm bao gồm cả các bệnh có vắc-xin phòng bệnh. Ưu tiên tổ chức tập huấn cho các tỉnh về các bệnh có số mắc cao cũng như các bệnh dự phòng được bằng vắc-xin. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, các tỉnh khu vực miền núi phía bắc cần thực hiện tốt các biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ để hạn chế thấp nhất các yếu tố nguy cơ dịch bệnh bùng phát. Tập trung cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch. Đồng thời nâng cao năng lực cho y tế cơ sở để chủ động giám sát, phát hiện sớm các dịch bệnh trên địa bàn…; tăng cường truyền thông, nâng cao ý thức phòng, chống dịch trong cộng đồng.
Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, cần nâng cao cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em các tỉnh miền núi phía Bắc. Theo Viện dinh dưỡng Quốc gia, uống sữa được khuyến cáo như là một biện pháp hữu hiệu để bổ sung kịp thời các chất dinh dưỡng thiếu hụt, giúp cải thiện thể trạng, hệ miễn dịch, tiêu hóa cho trẻ. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế và nhận thức chưa cao, trẻ em Việt Nam đang đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi. Tỷ lệ này hiện khá cao tại các địa phương khu vực miền núi phía Bắc.
Ngày 5/10/2016, tại Tuyên Quang, Bộ Y tế phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch và tiêm chủng các tỉnh miền núi phía Bắc. Tham dự có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; đồng chí Hoàng Thị Hạnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; lãnh đạo Ủy ban Nhân dân, Sở Y tế các tỉnh trong khu vực như: Yên Bái, Nghệ An, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Phú Thọ, Thanh Hóa, Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên; lãnh đạo một số vụ, cục, viện trực thuộc Bộ Y tế. |
Bài, ảnh: Như Hiển
Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…