Ngày 16/10, nước lũ vẫn chia cắt huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Nhìn nước ngập, con dâu Trần Thị Mai Như lại trở dạ sinh, con trai lại đi làm ăn ở trong miền Nam chưa kịp về, vợ chồng bà Nguyễn Thị Na như ngồi trên đống lửa. Nhưng không thể trì hoãn được, vợ chồng bà Na đành đưa con dâu đi viện bằng xe máy. Vượt khoảng 3 km từ xã Ngư Thủy Bắc đến ngã ba Cam Liên, huyện Lệ Thủy, xe máy không thể đi tiếp do đường ngập sâu. Vợ chồng bà Na rối bời không biết xoay xở thế nào, trong khi con dâu thì nhăn nhó kêu đau.
Đúng lúc ấy đại úy Lê Cảnh Hợp, Ban chỉ huy quân sự huyện Lệ Thủy, đang trực ở điểm ngập này, đã kịp thời đưa sản phụ 24 tuổi lên cano, di chuyển bằng đường sông tới bệnh viện. Sau khoảng 30 phút vượt 3 km dòng sông Kiến Giang, chị Như đã tới bệnh viện an toàn.
Đại úy Hợp cho biết, làm nhiệm vụ cứu trợ tại Lệ Thủy từ năm 2009, từng đưa nhiều bệnh nhân cấp cứu, nhưng đây là lần đầu đưa sản phụ đi sinh. “Tôi thấy hồi hộp, lo lắng khi điều khiến cano qua dòng nước lũ. Khi mẹ con họ đến bệnh viện, tôi rất vui mừng. Đây đúng là kỷ niệm đáng nhớ”, anh Hợp bộc bạch.
|
Sản phụ Trần Thị Mai Như được hộ tống bằng cano để tới bệnh viện sinh nở. Ảnh: Hoàng Táo. |
Trước đó rạng sáng 15/10, Bệnh viện Minh Hoá giúp sản phụ Đinh Thị Thành, 28 tuổi, trú xã Dân Hoá, huyện Minh Hóa, sinh mổ thành công sau gần một ngày đêm chờ đợi trong nước lũ. Khoảng 11h ngày 14/10, sản phụ Thành trở dạ nên được người nhà đưa đi viện, nhưng gặp nước lũ nên phải chờ bên suối. Nhiều phương án vượt lũ được đưa ra song đều không an toàn.
Nhận được yêu cầu hỗ trợ, Bệnh viện Minh Hóa đã cử kíp trực gồm một bác sĩ, hộ sinh và lái xe chờ bên kia suối. Đến rạng sáng 15/10, sản phụ đuối sức nên được nhiều thanh niên hợp sức đưa qua suối, đến 7h cùng ngày về đến bệnh viện.
Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình cho biết, lúc nhập viện sản phụ Thành đuối sức, được hồi sức rồi sinh mổ thành công, mẹ con đều khỏe. Tuy nhiên, anh Đinh Văn Sướng, người cố gắng đưa sản phụ qua suối, đã bị cuốn trôi, hiện chưa tìm thấy.
Cũng theo ông Cường, trước tình hình mưa lũ kỷ lục, sáng nay Sở Y tế cũng họp với UBND tỉnh cùng các đơn vị khác để phối hợp hỗ trợ người dân chống mưa lũ.
Theo ông Trịnh Xuân Bàng, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế tỉnh Quảng Bình, thống kê chiều 15/10, tỉnh đã ghi nhận 12 trường hợp tử vong và mất tích. Ngành y tế tỉnh đã chỉ đạo tất cả các đơn vị y tế từ trạm y tế xã cho đến các bệnh viện lớn trên địa bàn tỉnh đều phải chủ động, sẵn sàng hỗ trợ cấp cứu cho người dân. Do tình hình ngập nặng, di chuyển khó khăn, việc huy động các nguồn lực tại chỗ như trạm y tế xã là rất cần thiết. Các bệnh viện hỗ trợ chăm sóc cho người dân các vùng bị chia cắt do bão lũ.
Mặt khác Sở Y tế hướng dẫn xử lý nguồn nước và vệ sinh môi trường, đồng thời ngăn chặn các dịch bệnh sau lũ…
Áp thấp nhiệt đới ngày 13/10 kết hợp với gió mùa đông bắc gây đợt mưa lớn cho các tỉnh Trung Trung Bộ ba ngày qua. Quảng Bình là nơi thiệt hại nặng nề nhất, với lượng mưa phổ biến 500-600 mm, đặc biệt huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa lên đến 700 mm.
Hoàng Táo – Lê Nga
Nguồn: VnExpress
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…