Phần lớn cha mẹ cho trẻ nhỏ xem hoặc cầm điện thoại với mục đích bé bớt quấy, bé tập trung vào chiếc điện thoại, cha mẹ có thể làm việc khác. Đôi khi chiếc smartphone cũng có tác dụng đưa các bé vào giấc ngủ nhanh hơn. Hơn thế, nhiều gia đình coi chiếc điện thoại thông minh hay ipad như “vị cứu tinh” trong bữa ăn của trẻ vì có những em bé chỉ ăn khi vừa cầm ipad vừa xem video trên youtube. Đây là cách nuông chiều con trẻ rất có hại.
1. Vi khuẩn có hại
Chưa nói đến việc nhìn màn hình điện thoại gây hại cho mắt của trẻ mà nhiều bé đưa điện thoại lên miệng để gặm, hoặc đang cầm điện thoại rồi lại cầm vào đồ ăn. Đây là cách truyền vi khuẩn nhanh nhất sang cơ thể của bé.
Đa số điện thoại đều chứa nhiều vi khuẩn do bạn quăng quật nó khắp nơi. Hầu như bạn chẳng bao giờ lau chùi nó nhưng lại sử dụng liên tục.Một số không nhỏ điện thoại còn dính vi khuẩn E.Coli – loại vi khuẩn có trong phân và chất thải, có khả năng gây tiêu chảy, đau bụng, ói mửa, và có thể gây nguy hiểm tính mạng cho trẻ em dưới 1 tuổi. Nếu bạn không tránh được việc để bé gặm hay cầm điện thoại thường xuyên thì nên chăm lau chùi điện thoại bằng cồn 70% sẽ phần nào giúp bé tránh được các loại vi khuẩn có hại.
2. Tương tác giữa bé và cha mẹ
Trong quá trình lớn lên của con, việc tương tác giữa bé và cha mẹ rất quan trọng trong việc hình thành tư duy và nhân cách. Do đó, bạn nên thường xuyên chơi với bé, hạn chế dùng điện thoại thông minh để thay thế vai trò của cha mẹ dành cho con.
Đừng bao giờ để bé chơi điện thoại suốt mà quên đọc sách và hát cho con nghe, hoặc chơi các trò chơi có tính tương tác cao như ô chữ, vẽ, làm bánh, chơi đồ hàng. Đặc biệt, việc đọc sách cho con mỗi ngày từ lúc mang thai sẽ giúp bé phát triển nhận thức rất tốt. Điều này đã được Viện Hàn lâm Y khoa Mỹ (American Academy of Pediatrics) khẳng định hồi tháng 8/2014 như một chuẩn mực quan trọng trong việc nuôi dạy trẻ.
Cách hiệu quả nhất để cả bé và cha mẹ không quên dành thời gian cho nhau chính là bạn cũng cần làm gương bằng cách giảm bớt thời gian trên điện thoại, ti vi, máy tính. Đặc biệt các buổi đi chơi ngoài trời sẽ giúp cả gia đình gắn kết với thiên nhiên tốt hơn nhiều, và cũng là cơ hội để cha mẹ dạy con về thế giới thật thay vì để bé nhìn thế giới ảo qua màn hình.
3. Kiểm soát nội dung
Theo một cuộc nghiên cứu gần đây ở Mỹ thì đa số các gia đình để con xem điện thoại mà không hề trông chừng. Có những câu bé mới 3 tuổi vô tình xem những đoạn phim người lớn, xem cảnh đánh nhau đầu rơi máu chảy nhưng cha mẹ không hề biết.Trẻ con đơn giản chỉ vì tò mò, và khi không ai kiểm soát nội dung, lâu dần sẽ in hằn trong đầu chúng những suy nghĩ tiêu cực.
Bởi vậy, ngoài việc hạn chế cho con sử dụng điện thoại và khi đồng ý cho con xem những thiết bị thông minh thì cha mẹ hãy kiểm soát nội dung trước. Youtube hiện giờ đã có phiên bản Youtube Kids, bạn nên cài đặt ứng dụng đó thay vì để bé xem nội dung tự do. Ngoài ra, bạn cũng nên cài đặt cho bé các ứng dụng có tính giáo dục cao thay vì những ứng dụng có tính bạo lực hoặc không phù hợp với lứa tuổi của bé.
4. Giới hạn sử dụng
Theo khuyến cáo cũ của Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ, trẻ em dưới 2 tuổi không được tiếp xúc với các thể loại màn hình máy móc gồm ti vi, máy tính. Với những em bé trên 2 tuổi thì chỉ nên cho ngồi trước màn hình không quá 2 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, khuyến cáo này có thể sẽ không còn phù hợp với thời đại màn hình ở khắp mọi nơi như bây giờ.
Việc các bé sử dụng điện thoại thông minh và các thiết bị tân tiến khác với mức độ chóng mặt như hiện nay đã khiến các nhà khoa học không nghiên cứu kịp để có thể đưa ra những khuyến cáo phù hợp cho sự phát triển về tâm lý và thể lý của các bé. Bởi vậy, để cẩn thận thì các bậc cha mẹ nên hạn chế tối đa thời gian để các bé ngồi trước màn hình.
Một cách hiệu quả là cha mẹ có thể đặt ra quy định những nơi tuyệt đối cả nhà không được đụng đến màn hình như là bàn ăn, phòng ngủ, và phòng khách chung. Hoặc đưa ra những khung giờ tuyệt đối cả nhà không được sử dụng điện thoại như 1 tiếng trước khi đi ngủ. Chỉ cần bạn làm gương thì bé sẽ nghe theo.
5. Sóng điện thoại
Có nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề này do các nghiên cứu về sóng điện thoại và tác hại của nó trên con người chưa đủ sâu và đủ rộng. Hiện tại có hai nhóm nghiên cứu lớn về vấn đề sóng điện thoại và ung thư não, một nhóm ở châu Âu nghiên cứu trên người lớn và một nhóm quốc tế nghiên cứu trên trẻ con và thiếu niên. Hy vọng sẽ có kết quả nghiên cứu trong năm tới.
Tuy nhiên, Tổ chức Sức khoẻ Thế giới (World Health Organization) đã xếp sóng điện thoại vào diện “có thể gây ung thư” loại 2B, đứng sau loại 1 và 2A. Vì vậy, để bảo đảm sự an toàn tối đa cho bé, nếu bạn cho con chơi với máy thì nên để chế độ máy bay (airplane mode), và nếu cần bật sóng wifi.
Đến thời điểm hiện tại, tuy chưa có dẫn chứng khoa học nào cụ thể chứng minh tác hại của điện thoại thông minh, nhưng khả năng có hại của nó là không thể chối cãi. Và tôi chọn cách tắt sóng điện thoại khi ở gần con. Bạn thì sao?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Minh – MClub
Nguồn: zing
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…