Thiếu vi chất dinh dưỡng có thể dẫn đến mù lòa, tổn thương não…
Trong những năm qua, công tác phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng ở Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, kết quả tổng điều tra dinh dưỡng do Viện Dinh dưỡng công bố năm 2015 cho thấy, tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng có xu hướng giảm so với điều tra quốc gia năm 2010 nhưng tốc độ giảm chậm và vẫn còn ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng đối với trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ về một số vi chất dinh dưỡng như thiếu vitamin A tiền lâm sàng, thiếu máu, thiếu kẽm, thiếu i-ốt, khẩu phần canxi thấp. PGS.TS. Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng dẫn chứng, tỷ lệ thiếu Vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13%. Tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi là 27,8%, ở phụ nữ có thai là 32,8% và phụ nữ tuổi sinh đẻ là 25,5%. Tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em dưới 5 tuổi là 69,4%, ở phụ nữ có thai là 80,3% và phụ nữ tuổi sinh đẻ là 63,6%. Bên cạnh đó, tỷ lệ người có nguy cơ bị các rối loạn do thiếu i-ốt có xu hướng gia tăng do độ bao phủ muối i-ốt ở nhiều địa phương ngày càng giảm dần, từ 90% (năm 2005) xuống còn 69,5% (năm 2008)…
Nguyên nhân của tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng là do khẩu phần ăn của người dân không đảm bảo cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho nhu cầu cơ thể. Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng, khẩu phần ăn của người Việt Nam hầu hết không đáp ứng đủ 100% nhu cầu về các vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó, vi chất dinh dưỡng từ nguồn thức ăn động vật có giá trị sinh học cao hơn, cơ thể dễ hấp thu và sử dụng hơn so với thức ăn nguồn gốc thực vật, nhưng các thức ăn động vật đều có giá thành cao nên làm giảm sự tiếp cận thường xuyên của người dân với nguồn vi chất dinh dưỡng có giá trị sinh học cao, đặc biệt là người dân ở nông thôn, miền núi và các vùng khó khăn.
Thiếu vi chất dinh dưỡng được gọi là “nạn đói tiềm ẩn” do khó phát hiện. Khi các triệu chứng thiếu vi chất dinh dưỡng biểu hiện rầm rộ thành bệnh đặc trưng như bệnh thiếu máu, khô mắt do thiếu vitamin A thì dễ phát hiện nhưng sự tăng trưởng, phát triển cả về thể chất và trí tuệ đã bị ảnh hưởng trong thời gian dài và đôi khi thiếu vi chất dinh dưỡng để lại những hậu quả nghiêm trọng, không thể hồi phục được. Thiếu vitamin A sẽ gây nên bệnh khô mắt thậm chí gây mù dinh dưỡng, giảm sức đề kháng, tăng tỷ lệ nhiễm trùng và tử vong, chậm phát triển ở trẻ em, làm tăng tỷ lệ trẻ thấp còi và nhẹ cân. Thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực, trí tuệ; giảm khả năng lao động và học tập; sức khỏe kém. Phụ nữ có thai bị thiếu máu dễ dẫn đến sẩy thai, đẻ non. Người mẹ bị thiếu máu thiếu sắt, con sinh ra có nguy cơ cân nặng sơ sinh thấp. Thiếu kẽm làm tăng biến chứng trong thời kỳ thai nghén, cản trở sự phát triển trí lực và thể lực ở trẻ em. Thiếu i-ốt gây thiểu năng trí tuệ, thậm chí gây đần độn.
Muối, bột mỳ, dầu thực vật – những thực phẩm bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng
Theo PGS.TS. Lê Bạch Mai, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng là cuộc chiến bền bỉ để đẩy lùi “nạn đói tiềm ẩn” nâng cao năng lực lao động, phát triển trí tuệ, tầm vóc, chất lượng cuộc sống và nâng cao sức khỏe của người dân Việt Nam. Bổ sung vi chất dinh dưỡng cho các đối tượng có nguy cơ cao là một giải pháp ngắn hạn quan trọng, cần thiết để khắc phục nhanh chóng, kịp thời tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng. Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là giải pháp trung hạn. Đa dạng hóa bữa ăn là biện pháp cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng một cách lâu dài và bền vững. Tuy nhiên, không có giải pháp đơn lẻ nào có thể phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng một cách hữu hiệu và bền vững.
Nhằm phòng chống bướu cổ, đần độn và các rối loạn do thiếu i-ốt gây ra; phòng chống thiếu máu thiếu sắt; cải thiện tăng trưởng góp phần nâng cao tầm vóc con người; phòng chống khô mắt, mù lòa…, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2016/CP ngày 28/1/2016 quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Nghị định nêu rõ, bốn vi chất dinh dưỡng bắt buộc tăng cường vào thực phẩm gồm i-ốt, sắt, kẽm, vitamin A. Những thực phẩm bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng bao gồm: muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt (bắt buộc áp dụng từ năm 2017); bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm (bắt buộc áp dụng từ năm 2018); dầu thực vật có chứa một trong các thành phần dầu đậu nành, dầu cọ, dầu hạt cải và dầu lạc phải tăng cường vitamin A (bắt buộc áp dụng từ năm 2018).
Mục đích chính của tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là “trả lại giá trị dinh dưỡng” với các vi chất dinh dưỡng vốn có trong thực phẩm nhưng đã bị mất do quá trình chế biến. Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào các thực phẩm thiết yếu là biện pháp đơn giản, có hiệu quả, dễ đạt độ bao phủ cao và có tính bền vững để giảm sự thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày. Thiết nghĩ, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm cần đóng góp cho sức khỏe người dân bằng cách sản xuất và phân phối các thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng theo đúng quy chuẩn, quy định của nhà nước. Người dân chủ động phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng nâng cao sức khỏe cho bản thân và cho gia đình bằng cách thay đổi thói quen tiêu dùng, tìm mua và sử dụng các thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng theo khuyến nghị của ngành Y tế và các cơ quan quản lý liên quan.
Bài, ảnh: Thùy Linh
Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…