Categories: Sức khoẻ

Nguy biến do viêm tai giữa mạn tính

Viêm tai giữa mủ mạn tính (nhân dân gọi là thối tai) với triệu chứng chính là mủ chảy liên tục hoặc từng đợt từ lỗ thủng của màng nhĩ.

Viêm tai giữa mủ mạn tính (nhân dân gọi là thối tai) với triệu chứng chính là mủ chảy liên tục hoặc từng đợt từ lỗ thủng của màng nhĩ. Đây là bệnh khá phổ biến, có thể chiếm 2-3% dân số và cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến và có thể tử vong vì biến chứng.

Mọi lứa tuổi đều có thể viêm tai giữa. Nguyên nhân thông thường nhất gây viêm tai giữa là viêm nhiễm từ họng theo vòi nhĩ lên tai. Giai đoạn đầu của viêm tai giữa cấp là sốt, đau ở tai. Vài ngày sau xuất hiện chảy mủ tai. Mủ tai chảy trong vòng 5-7 ngày, lúc đầu đặc sau loãng dần. Nếu mủ tiếp tục chảy bệnh chuyển sang mạn tính còn gọi thối tai kinh niên. Biến chứng thông thường của bệnh là giảm sức nghe (điếc); các biến chứng nhiễm khuẩn cấp diễn cũng có thể xảy ra trong xương thái dương rồi có thể lan vào nội sọ hoặc lan đến các cơ quan khác. Trong đó viêm xương chũm là biến chứng phổ biến của viêm tai giữa

Viêm tai giữa có thể gặp ở mọi lứa tuổi do đó cần khám và điều trị kịp thời tránh biến chứng viêm xương chũm.

Vì sao viêm tai giữa dẫn đến viêm xương chũm?

Hiện tượng viêm sào bào xương chũm (tế bào khí của xương chũm) được xem là một bộ phận của viêm tai giữa cấp tính, song có thể bị dập tắt nếu được điều trị bằng kháng sinh một cách thỏa đáng. Nếu không được điều trị, quá trình viêm tuần tiến sẽ dẫn tới tình trạng hóa mủ dưới áp lực và các sào bào sẽ liền lại với nhau để tạo thành các hang lớn, từ đó phát sinh viêm xương. Mủ ứ căng trong tai sẽ làm vỡ màng nhĩ và thông với tai trong đồng thời thông ra phía sau với hang chũm, do đó viêm tai giữa dễ biến thành viêm xương chũm. Viêm xương chũm mạn tính khó tự khỏi, thường đưa tới các đợt hồi viêm, xuất ngoại. Ngày nay do sự phát triển của kháng sinh, nên các biến chứng như: liệt mặt ngoại biên do tổn thương dây thần kinh số VII, viêm mê nhĩ, các biến chứng nội sọ như viêm màng não, áp-xe não hay viêm tĩnh mạch bên đã giảm đi đáng kể… Tuy nhiên, viêm xương chũm mạn tính hồi viêm và viêm xương chũm mạn tính có cholesteatome là biến chứng hay tái phát và nguy hiểm.

Viêm xương chũm mạn tính hồi viêm

Là một đợt viêm cấp tính trên một bệnh nhân có viêm xương chũm mạn tính và đe dọa có biến chứng. Biểu hiện sốt cao kéo dài, mệt mỏi, đau tai ngày càng tăng dữ dội, đau lan ra nửa đầu, đau thành cơn dùng thuốc giảm đau không tác dụng. Nghe kém, ù tai, chóng mặt. Chảy mủ tai tăng nhiều hơn trước, mủ đặc, mùi thối khẳn. Vùng xương chũm sau tai nề tấy đỏ, ấn đau. Soi màng nhĩ, lỗ thủng rộng, bờ sát xương, đáy hòm nhĩ đỏ sung huyết, có thể nhìn thấy thành sau ống tai bị sập.

Viêm xương chũm mạn tính có cholesteatoma

Trong viêm tai giữa và viêm xương chũm, cholesteatoma là một loại bệnh tích đặc biệt cần lưu ý, vì nó phá hủy xương rất nhanh và mạnh nên làm suy giảm sức nghe rõ rệt và dễ đưa tới biến chứng. Biểu hiện: nghe kém rõ rệt, trong cả các trường hợp lỗ thủng ở màng nhĩ nhỏ. Nghe kém do khối cholesteatoma làm cản trở dao động của chuỗi xương con hoặc làm gián đoạn sự dẫn truyền âm do các xương con bị tiêu hủy; chảy mủ thối, trong viêm tai xương chũm có cholesteatoma mủ có thể chảy nhiều hay ít nhưng bao giờ cũng có mùi thối khẳn, rất khó chịu. Điển hình thấy mủ lổn nhổn trắng như bã đậu, có các mảnh trắng, sáng óng ánh như xà cừ, khi thả vào nước nổi vàng óng ánh như váng mỡ; khám soi tai thấy thủng góc sau trên màng nhĩ: lỗ thủng ở sát khung xương, có thể ăn sâu một phần da ống tai ở rìa lỗ thủng.

Xử trí thế nào?

Nếu phát hiện sớm có thể điều trị kháng sinh tích cực (khi khối cholesteatoma khô, nhỏ, khu trú rõ). Nên nhớ vì cholesteatoma phá hủy xương nhanh và mạnh, dễ đưa tới các biến chứng nguy hiểm, làm suy giảm sức nghe rõ rệt bệnh lại tái phát rất nhanh nên cần phẫu thuật tiệt căn kết hợp mở thông các hốc xương, dẫn lưu rộng. Hoặc mở xương chũm phối hợp: khi khối cholesteatoma khu trú.

Cần hết sức cảnh giác với biến chứng nội sọ

Vì do trần của hòm tai, đặc biệt trần của hang chũm chỉ cách màng não bằng một vách xương nên viêm tai xương chũm có thể gây viêm màng não rồi từ đó gây ra túi mủ (hay áp-xe) trong đại não và tiểu não. Mặt khác, xương chũm tiếp giáp ngay phía sau nó với một tĩnh mạch lớn trong sọ, nên viêm tai xương chũm có thể gây viêm các tĩnh mạch, rồi từ đó gây nhiễm khuẩn huyết.

Lời khuyên của thầy thuốc

Viêm tai giữa chảy mủ là bệnh thường gặp, có thể điều trị khỏi hoàn toàn nhờ kháng sinh. Tuy nhiên một số trường hợp chủ quan điều trị không triệt để dẫn đến biến chứng viêm xương chũm, biến chứng sọ não… dẫn đến hậu quả khó lường. Vì vậy các bác sĩ chuyên khoa tai cảnh báo những người có tiền sử viêm tai giữa chảy mủ tái phát cần chú ý với các triệu chứng hồi viêm: sốt, đau tai, mủ đang ít đột nhiên chảy nhiều (hoặc ngược lại), nhức đầu, nôn mửa…Đó là trường hợp biến chứng báo hiệu cần hết sức cảnh giác và phải đi khám ngay.

BS. Hoàng Văn Thái

Nguồn: SKĐS

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

1 day ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

1 day ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

3 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

4 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

5 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago