Categories: Tin tức

Ngọc càng mài càng sáng

PGS.TS. BS Nguyễn Lân Hiếu – một trong những người trẻ nhất được Nhà nước phong làm Phó Giáo sư (2013), hiện nay là Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, giảng viên Đại học Y Hà Nội. Anh cũng là một trong số ít bác sĩ ở Việt Nam thường xuyên được mời giải quyết những ca khó của bệnh tim mạch trong nước và nước ngoài.

PGS.TSBS Nguyễn Lân Hiếu.

Bác sĩ giàu lòng nhân ái

Nhiều người ngưỡng mộ và kính trọng anh không chỉ bởi tài năng mà còn bởi đức tính tận tụy, bình dị, hết lòng vì người bệnh, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực can thiệp tim mạch ở bệnh nhi và có nhiều cống hiến trong lĩnh vực tim mạch ở Việt Nam; là tài năng trẻ về tim mạch Đông Nam Á.

PGS Lân Hiếu là một bác sĩ giàu lòng nhân ái, thường xuyên tham gia các công tác khám, chữa bệnh ở vùng sâu, vùng xa trên cả nước cũng như chuyển giao công nghệ can thiệp tim mạch bẩm sinh cho các nước bạn (Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan…) và các địa phương của Việt Nam (hơn 10 Trung tâm Tim mạch).

Điều đáng nói hơn là hiện nay đã có “hơn một nửa trong số các Trung tâm đó đã có thể tự giải quyết được các công việc chuyên môn” như lời anh tâm sự – góp phần giải quyết hiện trạng số lượng bệnh nhân đổ về quá tải ở các bệnh viện tuyến Trung ương.

Trong ký ức về tuổi thơ, anh đã từng đam mê và ước mơ trở thành họa sĩ, nhưng có một kỷ niệm buồn đã khiến anh rẽ sang một ngành chẳng liên quan gì đến nghệ thuật hội họa để đến với ngành y – như là một định mệnh. Năm mới 17 tuổi anh đã chứng kiến cảnh bà ngoại bị ung thư phổi, vật vã nhiều ngày với căn bệnh hiểm nghèo và ra đi trong sự đau đớn tột cùng trước sự bất lực và tiếc thương của mọi người.

PGS Nguyễn Lân Hiếu tích cực tham gia truyền thông giáo dục sức khỏe cộng đồng, đến với các bệnh nhân ở những vùng khó khăn trên cả nước để làm thiện nguyện. Anh còn tận tâm làm công tác bồi đưỡng những sinh viên tài năng để thế hệ sau có thể nối gót mình – hướng dẫn thành công 9 bác sĩ nội trú và thạc sĩ, 14 sinh viên.

Anh chia sẻ: “Tất cả các học viên do tôi hướng dẫn đều bảo vệ tốt nghiệp giỏi và xuất sắc, sau khi tốt nghiệp phát huy, áp dụng được những kiến thức đã học trong công tác. Là những hạt nhân, cán bộ nguồn trong công tác quản lý cũng như chuyên môn. Hiện đang hướng dẫn 2 Tiến sĩ, 3 học viên cao học và Bác sĩ nội trú và nhiều sinh viên Y khoa”.

Anh có 4 đề tài nghiên cứu khoa học được các cấp Nhà nước, Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai xếp loại xuất sắc và đặc biệt là đề tài “Cải tiến dụng cụbít thông liên thất bằng dụng cụ ống động mạch” trên bệnh nhân, được áp dụng rộng rãi ở các bệnh viện Việt Nam và một số bệnh viện trong khu vực.

PGS Nguyễn Lân Hiếu đã tham gia biên soạn 9 đầu sách giáo khoa và sách tham khảo được NXB Y học và NXB Mỹ (Blackwell Futura) ấn hành. Các sách, giáo trình được sử dụng giảng dạy ở các trường Đại học Y trong cả nước và một số trường Đại học trong khu vực. Anh viết 59 bài báo công bố kết quả các công trình nghiên cứu khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước và quốc tế.

Với những cống hiến không mệt mỏi, anh đã có 8 năm liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được tặng thưởng 3 bằng khen của Bộ Y tế, 4 giải thưởng khoa học trong và ngoài nước và nhiều bằng khen của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Tim mạch học Việt Nam, Hội Tim mạch can thiệp châu Á…

Đặc biệt, trong lĩnh vực giảng dạy, chỉ mới 18 năm làm giảng viên tại Đại học Y Hà Nội, anh đã được đơn vị đề nghị phong tặng danh hiệu cao quý “Nhà giáo ưu tú” (2011).

Có nhiều câu chuyện đáng để kể ra về anh, nhưng một câu chuyện đáng nói ở đây là công việc từ thiện của anh và các bạn bè với các bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh ở những vùng sâu, vùng xa trên cả nước. Từ nhiều năm nay, anh cùng với bạn bè của mình góp tiền mua máy siêu âm sách tay, thành lập “Bệnh viện dã chiến” cùng với nhóm chia sẻ tình thương đến các địa phương làm từ thiện, khám bệnh miễn phí và điều trị sau phẫu thuật đối với trẻ em nghèo bị bệnh tim.

Anh luôn quan niệm “Làm từ thiện phải có cái tâm”. Mỗi khi làm được một điều gì đó giúp đỡ các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn, anh đều cảm thấy vui vì mình đã giúp được một điều có ích cho mảnh đời bất hạnh.

Bác sĩ tâm sự: “Mỗi lần cứu chữa được cho một cháu bé, hay làm được một việc từ thiện nào đó tôi đều cảm thấy thoải mái và rất hạnh phúc. Đây chính là động lực lớn nhất của tôi”; “tôi đã đóng góp nhiều công sức về chuyên môn cũng như kêu gọi nhiều nhà từ thiện cùng chung tay, góp sức trong triển khai chương trình mổ tim nhân đạo “Trái tim cho em”, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho hàng trăm trẻ em Việt Nam mắc bệnh tim bẩm sinh, đặc biệt là các em nhỏ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”.

Thầy thuốc tài hoa

Anh cho biết, sở dĩ việc điều trị tim mạch đạt được nhiều thành công vì “hầu hết các phương pháp tiên tiến đã được áp dụng tại Việt Nam, ví dụ như: phòng mổ Hybrid là phương hướng rất mới đã có mặt tại Việt Nam. Tất cả các phương pháp mới này đều nhằm mục đích nâng cao tỉ lệ thành công, giảm biến chứng cũng như thời gian nằm viện; “Bài học lớn nhất” – theo bác sĩ – sau những ca mổ – “là không có một trường hợp nào giống nhau hoàn toàn 100%, mỗi bệnh nhân đều là một bài học cho người thầy thuốc tự rèn luyện mình”.

Anh đã thực hiện thành công nhiều ca nội soi tim bẩm sinh, trong đó có những ca cực kỳ phức tạp. Gần đây nhất, anh đã gặp một nữ bệnh nhân bị thông liên thất. Đáng lẽ việc can thiệp phải từ nhỏ, nhưng do hoàn cảnh và sự thiếu hiểu biết nên mãi đến 58 tuổi mới buộc phải phẫu thuật. Lúc này, lỗ thông đã biến dạng, do đó việc chụp dù rất phức tạp.

Lần mổ đầu, có sự tham gia của chuyên gia tìm mạch Hàn Quốc nhưng đã không thành công nên bệnh nhân vẫn ra nhiều máu. Mổ lần 2, do cải tiến phương pháp mổ, với bàn tay tài hoa của bác sĩ đã thành công ngoài mong đợi! Hiện nay, bệnh nhân đã dần dần hồi phục để trở lại cuộc sống bình thường.

Anh còn luôn quan tâm dìu dắt các bác sĩ trẻ đồng nghiệp, tận tình truyền nghề cho họ. Một minh chứng điển hình cho việc này là bác sĩ T. B. T. ở khoa C5 – Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai. Từ một bác sĩ trẻ đa khoa mới chập chững trong nghề được sự giúp đỡ tận tình của anh, bác sĩ B.T. đã trưởng thành vượt bậc, “có thể chẩn đoán điều trị, làm một số kỹ thuật mới cho các bệnh nhân tim mạch” và đã có thể thay anh trong những ca tim bẩm sinh không quá phức tạp.

Bác sĩ B.T. nhận xét về người đồng nghiệp của mình: “Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu không chỉ là người thầy mà còn là người anh lớn. Thầy đã giúp học trò định hướng chuyên môn từ những ngày mới tốt nghiệp, dạy học trò tận tình, là tấm gương về nghề nghiệp, về sự tận tụy, hết lòng vì bệnh nhân”.

Anh là một trong những bác sĩ được bệnh nhân tin tưởng và tìm đến nhiều nhất, họ tìm đến anh không chỉ vì anh giỏi chuyên môn mà còn bởi cách anh tiếp xúc với bệnh nhân thật giản dị, ân cần, chu đáo. Điều mà anh luôn trăn trở đó là Y đức của người thầy thuốc. Anh tâm niệm điều căn dặn của Bác Hồ kính yêu “Lương y kiêm từ mẫu” và “… cán bộ y tế cần phải: Thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt”.

Từ con người anh toát lên Y đức của một thầy thuốc tài hoa mà đặc tính quý báu này anh đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ mẹ anh – vốn là bác sĩ Nhi khoa – khi anh được chứng kiến cảnh mẹ trăn trở, thao thức trước những ca bệnh nặng; là bài học về lòng yêu thương người bệnh, coi người bệnh như con, cháu mình của người mẹ dịu hiền. Đức tính ấy còn chịu ảnh hưởng của cả các ông nội, ngoại, cha của anh đều là những nhà sư phạm tuyệt vời, rất có tâm huyết với nghề và luôn được học trò các thế hệ quý mến.

Anh tâm sự: “Ông bà, cha mẹ, các cô các chú đều là những tấm gương để học, vì hiếm có một gia đình nào giống gia đình tôi khi không một người nào nói đến chuyện nghỉ hưu; mọi người luôn tìm mọi cách khác nhau để liên tục hoạt động, cống hiến. Niềm vui trong công việc là động lực lớn để tôi hoàn thành những công việc tưởng như bất tận mỗi ngày. Thật may mắn là vợ và 2 con tôi là nguồn động viên, là nơi tôi luôn nghĩ đến đầu tiên khi gặp các khó khăn trong cuộc sống”; “với các đồng nghiệp đang sát cánh cùng tôi ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trường Đại học Y Hà Nội tôi chỉ có thể nói lời cảm ơn chân thành vì những cố gắng hy sinh cho công việc. Những gì họ đã và đang làm khó có thể ghi nhận bằng các con số mà chỉ có thể ghi nhận bằng những nụ cười của bệnh nhân và gia đình sau khi đã được chăm sóc điều trị tận tình chu đáo”.

Cũng cần phải nói thêm: Tuy sinh ra trong một dòng họ danh giá – dòng họ “Nguyễn Lân” – có rất nhiều con cháu là GS, PGS, TS ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng anh không ỷ thế vào gia đình. PGS.TS BS Nguyễn Lân Hiếu đã tự mình tạo nên một sự nghiệp khoa học riêng.

Trong chiếc áo blue trắng giản dị, cuộc sống hàng ngày của anh chính là niềm vui khi đem đến niềm hy vọng sống với những trái tim khỏe mạnh cho bệnh nhân và niềm hạnh phúccho những người thân của họ. Cũng như “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”, ngày ngày anh vẫn say mê nghiên cứu, không ngừng cải tiến, đưa các thành tựu y học tiên tiến trên thế giới áp dụng thành công cho những người bệnh tim Việt Nam và các nước để đóng góp vào sự phát triển của ngành Tim mạch, của nền Y học nước nhà…

Võ Quốc Hiển

Nguồn: Đại đoàn kết

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

23 hours ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

23 hours ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

3 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

4 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

5 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago