Categories: Sức khoẻ

Nghe chuyên gia chỉ dẫn về trẻ nên ăn váng sữa ra sao

Để con có thể phát triển trí tuệ, chiều cao và cân nặng, nhiều cha mẹ tin dùng váng sữa, tuy nhiên, thực chất, đây lại là sản phẩm nghèo dinh dưỡng, giàu chất béo và đường.

Từ lâu, váng sữa đã là một thực phẩm bổ sung không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của nhiều trẻ nhỏ. Lý giải về việc này, chị Mai Thị Lý (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: “Cu cậu nhà tôi còi cọc lại lười ăn, nhưng chẳng hiểu sao lại mê mệt với món váng sữa. Nói không ngoa chứ nếu cứ để tẹt ga, chắc nó ăn được liền hai hộp một lúc. Đặc biệt, những lúc ốm đau, sầu não, cho gì bé cũng không ăn, thế mà váng sữa thì cứ thun thút. Thôi, con cứ ăn được cái gì là mình mừng cái đấy. Mà nghe mọi người nói váng sữa là phần tốt nhất, tinh túy nhất của sữa nên tôi mới bấm bụng cho con ăn. Hơn nữa, giá của nó cũng khá cao nên chắc cũng là sản phẩm tốt”.

Khác với chị Lý, chị Dương Minh Hòa (Q.8, Tp.HCM) lại chọn váng sữa vì tính tiện lợi của nó. “Những lúc đi chơi, mang nhiều đồ ăn cho con rất lách cách nên tôi thường sử dụng váng sữa thay cho các bữa ăn. Tôi đã xem qua thành phần dinh dưỡng và thấy năng lượng nó cung cấp khá cao, tầm 190 kcal/100g, cao hơn hẳn sữa hay các bữa ăn phụ của trẻ nên khá yên tâm. Hơn nữa, hương vị của váng sữa cũng rất ngon nên bé con nhà tôi khá thích, ăn uống chả phải ép uổng như cháo hay sữa. Vậy là vừa tiện mẹ, vừa tiện con”, chị khẳng định.

Nghèo dinh dưỡng, giàu chất béo và đường

Được biết đến là chế phẩm đặc biệt từ sữa, váng sữa luôn được các mẹ tin tưởng là nguồn cung cấp dinh dưỡng tuyệt vời cho trẻ nhỏ. Chính vì thế, dù có giá khá cao, tầm 45.000-55.000/vỉ 4 hộp 55g, đắt hơn hẳn sữa chua và sữa nước thông thường, song sức tiêu thụ váng sữa vẫn rất dồi dào.

Ở những gia đình có điều kiện, trẻ được ăn thỏa thích váng sữa, thậm chí thay thế luôn cả bữa ăn chính là cháo hoặc sữa. Với những gia đình chi tiêu eo hẹp hơn, trẻ cũng được bố mẹ cố gắng cho ăn nhiều nhất có thể. “Con nhà người ta được ăn nọ ăn kia, con nhà mình đến hộp váng sữa cũng phải tính đi, tính lại, cách ngày mới được ăn một lần. Nghĩ cũng tội cho nó”, chị Lê Hải Bình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) thở dài.

Nếu như các bậc phụ huynh tin tưởng vào váng sữa bao nhiêu thì các chuyên gia lại băn khoăn về vấn đề này bấy nhiêu. Theo Tiến sĩ Từ Ngữ, Tổng thư ký Hiệp hội Dinh dưỡng Việt Nam: “Thực chất, ưu điểm lớn nhất của các sản phẩm công thức này là tính tiện dụng. Vì tính tiện dụng và những lời quảng cáo có cánh của các nhà sản xuất mà nhiều người tin dùng. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, bữa ăn tự nhiên bao giờ cũng là tốt nhất cho trẻ. Đối với trẻ đủ tháng, đủ cân nặng, tình trạng dinh dưỡng tốt thì không cần thiết phải dùng các sản phẩm này”.

Thực tế, các nhà sản xuất thường nói rằng: váng sữa là sản phẩm thơm ngon, bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe, có thể giúp bé tăng trưởng về trí tuệ, cân nặng và chiều cao. Tuy nhiên, nếu để ý đến thông tin dinh dưỡng ghi trên mỗi vỏ hộp, không khó để nhận ra chất béo và đường mới là thành phần tạo nên năng lượng vượt trội của thực phẩm này.

Cụ thể, trong 100g váng sữa chỉ có khoảng 3g chất đạm, 0,1g chất xơ, 120mg canxi; nhưng có đến 13,4g chất béo, 13,5g Cacbonhydrat (chất đường). Như vậy, với trẻ em, khi hệ tiêu hóa chưa được hoàn thiện, việc tiêu thụ số lượng chất béo và đường nhiều như thế này hoàn toàn không có lợi, nhất là với trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Hơn nữa, do nguồn năng lượng dồi dào, nên khi sử dụng váng sữa thường xuyên, trẻ lúc nào cũng có cảm giác ngang bụng, không muốn ăn thêm các thực khác. Điều này có thể dẫn tới suy dinh dưỡng với trẻ vốn đã lười ăn. Trong khi đó, đối với trẻ cơ thể hấp thụ tốt, việc bổ sung váng sữa quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì.

Theo Tiến sĩ Ngữ, các sản phẩm có công thức này chỉ phù hợp với những trẻ suy dinh dưỡng thiếu cân. Tuy nhiên, khi những trẻ này đã đạt ngưỡng như trẻ bình thường thì không nên áp dụng công thức ăn uống này nữa, hoặc nếu muốn chỉ nên coi là thực phẩm bổ sung, ăn ở mức độ hạn chế.

Bạn nên biết!

Theo Công ty cổ phần sữa Mộc Châu, váng sữa có tên tiếng Anh là “cream” nhưng không phải loại kem lạnh thông thường, mà là một chế phẩm sản xuất từ sữa tươi. Khi đưa sữa tươi vào máy ly tâm, lớp dưới cùng là bơ, lớp tiếp theo được tách ra váng sữa. 100kg sữa tươi mới sản xuất ra 1,25kg váng sữa.

Trong khi đó, nhiều loại váng sữa nhập khẩu từ Đức, Pháp… lại có thành phần chủ đạo là “sữa nguyên chất”, “sữa nguyên kem”, hoặc ghi chung chung là sữa… Tỉ lệ sữa nguyên kem trong một hộp “váng sữa” chiếm phổ biến 50-60%, thậm chí có loại lên đến gần 90% là sữa. Ngoài ra, các thành phần khác gồm hương liệu, chất tạo màu, bột ngũ cốc, đường, chất tạo đông…

Theo các chuyên gia ngành sữa, với tỉ lệ thành phần như vậy không thể gọi là váng sữa. Có thể nhà sản xuất vẫn trộn một lượng cream nhưng không phải thành phần chính. Phó giám đốc một công ty chuyên phân phối váng sữa nhập cho biết “váng sữa” là tên gọi Việt hóa. Nếu gọi tên theo đúng quy trình sản xuất váng sữa từ 100kg sữa tươi mới ra 1,25kg váng sữa thì đúng là phần nhiều váng sữa nhập khẩu không phải là váng sữa.

An Nhiên

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

1 day ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

1 day ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

3 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

4 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

5 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago