Categories: Sức khoẻ

Khi lưỡi trẻ bị… nấm

Chị Hồng vừa mới sinh bé Na được hơn một tuần đã phải tá hỏa khi phát hiện thấy những chấm trắng hình tròn trên lưỡi bé. Chị không hiểu con đang mắc bệnh gì và nó có nguy hiểm không.

“Hung thủ” gây nấm

Trẻ từ khi mới sinh ra đã hay có hiện tượng này, dân gian thường gọi là đẹn trăng hoặc tưa lưỡi. Bệnh thường hay gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhưng có trẻ đến 10-15 tuổi vẫn bị do thói quen ăn uống không khoa học. Lưỡi trẻ có những chấm trắng hình tròn, tạo thành những đường chỉ trên lưỡi, làm trẻ không bú vì đau, ăn vào lại nôn ra, ngày càng gầy đi.

Theo các bác sĩ chuyên khoa thì bệnh này rất nguy hiểm nếu không phát hiện sớm. Bởi vì có nhiều trẻ bị lâu ngày nấm ăn loang khắp lưỡi, làm mất vị giác, khiến trẻ biếng ăn, lúc đó các ông bố, bà mẹ mới tất tưởi đưa con đi khám. Có trường hợp nặng, nấm lan xuống đường ruột, gây tiêu chảy kéo dài làm trẻ xanh xao, gầy yếu… Tệ hơn nữa có bà mẹ lo lắng quá, tự ý cạo những chấm trắng ra làm chảy máu lưỡi, dẫn đến nhiễm trùng…

Nấm lưỡi chủ yếu là do nấm Candidas albican gây ra. Chúng luôn ẩn nấp trong cơ thể mỗi người và bùng phát khi vệ sinh không sạch sẽ hoặc hệ thống miễn dịch của cơ thể suy yếu. Ở trẻ nhỏ, bệnh xuất hiện khi các em không được uống nước tráng miệng sau khi bú hoặc ăn bột, vệ sinh các dụng cụ ăn không tốt.

Ở trẻ lớn, nguyên nhân gây nấm lưỡi là không đánh răng sau khi ăn, hay ăn nhiều đồ ngọt, ăn đêm… Bệnh cũng có thể xảy ra khi trẻ phải sử dụng một số loại thuốc kháng sinh trong thời gian dài. Vì khi ấy, kháng sinh tiêu diệt những vi khuẩn có lợi và làm sinh sôi những vi khuẩn gây hại trong khoang miệng.

Tiêu diệt nấm lưỡi

Các hiệu thuốc có bán thuốc kháng nấm Nystatin. Bạn mua về, pha bột này thành hỗn dịch và chấm vào các vết nấm. Hơn 20 phút sau mới được cho trẻ ăn để không làm thuốc mất tác dụng.

Ngoài ra, các bác sĩ khuyên rằng, nên dùng mật ong để rơ lưỡi cho trẻ (mật ong sát trùng rất tốt) nhưng phải cho trẻ uống nước lọc tráng miệng để khỏi lưu lại chất đường trong miệng, vi khuẩn có hại dễ phát triển.

Các mẹ nên lưu ý phải vệ sinh bầu vú trước khi cho trẻ bú, làm vệ sinh miệng cho trẻ nhẹ nhàng hàng ngày, rửa sạch bình đựng sữa trước và sau khi trẻ bú để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn.

Cho trẻ uống 1-2 thìa nước sôi để nguội sau khi trẻ bú bình và dùng miếng gạc nhỏ, nhúng nước muối loãng pha ấm, lau nhẹ lưỡi, lợi cho trẻ.

Nếu trẻ đang ăn dặm, bạn nên cho con dùng những loại thức ăn mềm, dạng lỏng và cho trẻ ăn trong tư thế nằm để tránh tác động sâu vào vùng đáy lưỡi khiến trẻ bị đau rát. Khi xác định trẻ bị nấm lưỡi, không nên để trẻ tiếp xúc với các trẻ khác để tránh lây nhiễm.

Đối với trẻ lớn, cha mẹ nên bắt buộc trẻ đánh răng hoặc súc miệng bằng nước muối, thuốc tím, nhai tỏi sống, ngậm chanh để hạn chế vi khuẩn phát triển.

Chú ý là tuyệt đối không được dùng hàn the để rơ lưỡi vì khi vào cơ thể, hàn the tích tụ trong gan có thể gây ngộ độc mạn tính, ảnh hưởng đến gan, thận, gây biếng ăn và suy nhược cơ thể.

Chữa nấm lưỡi theo kinh nghiệm dân gian:

Dùng 100g lá rau ngót hoặc nhọ nồi rửa sạch, giã nhỏ, cho vào ít nước đun sôi còn ấm, vắt lấy nước. Dùng bông gòn hoặc vải mỏng để rơ nước này lên lưỡi, lợi, miệng của bé một lần một ngày, dần dần nấm lưỡi sẽ hết.

Thùy Dương

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

1 day ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

1 day ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

4 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

4 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

6 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago