Sinh viên Y năm nhất như Dũng đều phải tham gia học bộ môn giải phẫu. Ngoài học lý thuyết trên sách vở, họ còn được thực hành trên xác. Đan xen mỗi buổi lý thuyết là một buổi thực hành. “Lần đầu tiên nhìn thấy xác người, em cũng như các bạn vô cùng run sợ. Mùi formol, hóa chất bốc lên rất khó chịu. Tuy nhiên đã xác định là sinh viên trường Y thì tiếp xúc trên xác là cơ hội may mắn để có những bài học quý giá”, Dũng chia sẻ.
Căn phòng rộng chừng 100 m2 có 2 xác người cùng hàng chục tiêu bản cơ thể người đựng trong lọ hóa chất để sinh viên quan sát và học tập. Thầy Hoàng Văn Sơn, giảng viên bộ môn Giải phẫu, Đại học Y Hà Nội cho biết, trung bình một lớp vào thực hành sẽ chia thành hai nhóm, mỗi nhóm 25-30 sinh viên nghiên cứu một thi thể. Chính vì số lượng xác hạn chế nên sinh viên Đại học Y Hà Nội chỉ kiến tập chứ không được trực tiếp thực hiện phẫu tích. Tức học đến phần nào, thầy giáo sẽ phẫu tích, bộc lộ các mạch máu, dây thần kinh phần đó ra để sinh viên quan sát. Thi thoảng một số sinh viên được tự dùng kẹp, gim gắp các dây thần kinh, cơ… để dễ dàng quan sát, tiếp thu kiến thức.
Thực tập trên xác người rất hữu ích giúp sinh viên tích lũy kiến thức, nếu chỉ đơn thuần học lý thuyết sẽ rất khó hình dung, bởi những bộ phận bên trong cơ thể không được bộc lộ rõ trong sách vở. Dũng trăn trở việc thực hành trên xác còn nhiều hạn chế, số lượng sinh viên quá đông đứng chen chúc xung quanh một thi thể khiến việc quan sát rất khó khăn chứ chưa nói đến được tự tay phẫu tích. Dũng cũng như các bạn hy vọng có cơ hội thực hành trên xác nhiều hơn.
|
Thầy giáo giảng bài trên các tiêu bản đựng trong lọ hóa chất. Ảnh: Lê Nga. |
Nguyễn Thị Ngọc, chuyên ngành Y học cổ truyền, Đại học Y Hà Nội cũng chia sẻ, chân ướt chân ráo bước chân vào trường và học bộ môn giải phẫu ngay từ năm nhất khiến cô và nhiều bạn không khỏi ái ngại. “Con gái hơi nhút nhát nên lần đầu bước vào phòng xác em vô cùng hoảng sợ. Buổi đầu tiên em không dám nhìn thẳng vào xác và không tiếp nhận được chút kiến thức thực tế nào. Nhiều bạn còn ngất và nôn ọe khi bước vào phòng xác, đang học buồn nôn, ra ngoài nôn xong lại vào học tiếp. Có bạn phải đến buổi thực hành thứ ba mới dần làm quen được với môi trường này”, Ngọc nói.
Cũng chung tâm trạng lo sợ và hồi hộp khi lần đầu tiên bước vào phòng xác, bạn Hoàng Thị Thu Hoài, sinh viên năm nhất Đại học Y Hà Nội chia sẻ thuở mới vào trường được nghe các anh chị khóa trên kể về những khó khăn và trở ngại khi học giải phẫu. Thế nhưng, trăm nghe không bằng một thấy, khi trải nghiệm, Hoài mới thực sự hiểu cảm giác tiếp xúc trực tiếp một cơ thể người. “Em sợ máu nên nghĩ đến thực tập trên phòng xác em càng sợ hơn. Thế nhưng khi tiếp xúc với xác lại không sợ hãi như mình tưởng tượng trước đó nên em đã phần nào trấn an được tinh thần”.
Một bạn gái cùng phòng trọ với Hoài đã mất ăn mất ngủ triền miên sau khi vào nhà xác thực tập. Cô bạn bị ám ảnh mùi formol, khi về nhà ngửi mùi canh rau ngót cũng thấy mùi formol, thấy thịt kho là nghĩ đến phòng xác đến mức phải vào phòng vệ sinh nôn ọe ngay lập tức. “Lúc đầu, em định bỏ ngành, chuyển ngành khác học bởi áp lực học ngành Y rất lớn. Thế nhưng, nghĩ lại mình đã đánh đổi cả tuổi thơ để được vào ngôi trường này nên không vì chút sợ hãi mà thay đổi quyết định. Em muốn học tập, nghiên cứu thật tốt để cống hiến cho y học sau này“, Hoài bộc bạch.
Không chỉ bị ám ảnh khi thực hành trên xác người, mà việc thực hành trên xác chó cũng khiến cô sinh viên Phạm Hải Yến sợ hãi đến phát khóc. Yến tâm sự, khi học giải phẫu, thầy giáo phẫu tích trên chó để so sánh với cơ thể người khiến Yến hãi hùng đến phát khóc. Cô sinh viên năm nhất ngồi khóc cả buổi học và không thể tiếp tục học. “Chứng kiến cảnh giải phẫu trên con vật em yêu quý khiến em không kìm được nước mắt. Em biết những cảm xúc này ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập nhưng em không thể kiểm soát…”, Yến tâm sự.
Dù tâm lý sợ hãi, Yến, Hoài và nhiều bạn khác đều phải tự trấn áp bởi đây là nhiệm vụ của sinh viên y khoa, cần nghiêm túc trước người đã hy sinh cơ thể phục vụ sinh viên học tập. Mỗi buổi học tại phòng xác là một trải nghiệm quý giá, và sinh viên phải biết trân trọng những người đã cống hiến cả thân xác mình cho ngành y.
Giải phẫu khó khăn là thế, nhưng đây là môn cơ sở của tất cả bộ môn liên quan đến hệ ngoại. Giải phẫu dạy cho sinh viên biết được cấu trúc cơ bản của con người. Nếu bác sĩ không nắm rõ được cấu trúc từng bộ phận cơ thể người sẽ không thể phẫu thuật được. Việc thực hành trên xác giúp sinh viên nắm rõ, hiểu sâu và có nhiều kinh nghiệm thực tế hơn trước khi cứu người.
Sinh viên y khoa học giải phẫu trên tiêu bản
Lê Nga
Nguồn: VnExpress
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…