Categories: Tin tức

Đà Nẵng duy trì tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika

Vừa qua, Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp Phòng chống dịch bệnh, Cục Y tế dự phòng (EOC) – Bộ Y tế đã nhóm họp đánh giá tình hình dịch bệnh do vi rút Zika và cho biết, sau khi phân tích các thông tin về tình hình dịch bệnh trên thế giới, đặc điểm sự phân bố, lưu hành muỗi Aedes – loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và truyền bệnh do vi rút Zika, các chuyên gia nhận định có thể do đặc điểm vi rút Zika tại Việt Nam thuộc phân típ khu vực châu Á, không hoàn toàn giống với phân típ vi rút Zika khu vực châu Mỹ la tinh nên không bùng phát thành dịch lớn với mức độ lây lan nhanh. Tuy nhiên, trong thời gian tới, hoàn toàn có thể sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp bệnh mới rải rác tại một số địa phương nơi lưu hành dịch bệnh sốt xuất huyết cao, đặc biệt có thể gia tăng trùng với mùa dịch sốt xuất huyết sắp đến gần. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương luôn phải chú trọng trong công tác phòng dịch bệnh.

Diệt muỗi, lăng quăng là biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chăn sự xâm nhập của vi rút Zika và phòng chống bệnh sốt xuất huyết

Thực hiện Chỉ đạo của Bộ Y tế, ngành Y tế Đà Nẵng tiếp tục duy trì, tăng cường các biện pháp phóng chống sự xâm nhập, lây lan của vi rút Zika. BS. Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, tính đến nay, Đà Nẵng chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm vi rút Zika. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã lấy 23 mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nghi nhiễm gửi tới Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm. Viện Pasteur Nha Trang đã tiến hành phân lập 23 mẫu xét nghiệm, kết quả: 23/23 mẫu âm tính với vi rút Zika. Tuy nhiên, với điều kiện khí hậu, thời tiết và sự lưu hành của muỗi truyền bệnh Aedes tại địa phương; sự giao lưu quốc tế và nội địa về thương mại, du lịch thì nguy cơ dịch bệnh do vi rít Zika xâm nhập vào Đà Nẵng hoàn toàn có thể xảy ra. Nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika, Sở Y tế Đà Nẵng đã triển khai nhiều biện pháp, bao gồm: xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika trên địa; ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị chủ động sẵn sàng triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh cho vi rút Zika; tổ chức giao ban thường xuyên với các đơn vị về công tác phòng chống dịch nói chung và dịch bệnh do vi rít Zika nói riêng; cử cán bộ tham gia tập huấn giám sát và phòng chống bệnh do vi rút Zika do Bộ Y tế tổ chức; tổ chức tập huấn về giám sát và phòng chống bệnh do vi rút Zika cho cán bộ y tế từ tuyến thành phố đến quận, huyện, xã, phường với 84 học viện và tập huấn về phòng chống bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết cho lực lượng Cộng tác viên Dân số – Sức khỏe cộng đồng tại 03/6 xã, phường điểm về sốt xuất huyết; Sở Y tế Đà Nẵng cũng phối hợp với UBND quận Liên Chiểu tổ chức lễ phát động chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết” đồng thời thực hiện việc ký cam kết tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết giữa ngành Y tế và chính quyền địa phương từ quận, huyện đến xã, phường trên địa bàn thành phố; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thông tin kịp thời tình hình dịch bệnh đồng thời hướng dẫn các biện pháp phòng chống cho người dân; giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, cộng đồng và các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố thường xuyên theo quy định; chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh chủ động sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực điều trị, giường bệnh; sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị, vật tư, hóa chất… phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika theo các tình huống có thể xảy ra. Hiện tại, thành phố Đà Nẵng đã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị, vật tư, hóa chất, với 10 máy phun ULV; 500 lít hóa chất Permethrine 50 EC… phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.

Để ngăn chặn dịch bệnh do vi rút Zika xâm nhập qua đường cửa khẩu, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế Đà Nẵng thực hiện nghiêm túc việc giám sát hành khách tại cửa khẩu; thực hiện việc kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu thông qua sử dụng máy đo thân nhiệt từ xa để xử lý theo quy định. Cảng Hàng không Sân bay quốc tế Đà Nẵng có lưu lượng chuyến bay và số lượng hành khách xuất nhập cảnh rất lớn. Trung bình hàng tuần có từ 120 đến 150 chuyến bay nhập cảnh với trung bình là 19.000 hành khách nhập cảnh đa phần đến từ các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Lào, … là các nước đã có vi rút Zika lưu hành hoặc xâm nhập. Sở Y tế Đà Nẵng chỉ đạo Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Đà Nẵng thực hiện: kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh; hoàn thiện qui trình giám sát phát hiện và xử lý y tế các trường hợp nghi ngờ bệnh do vi rút Zika tại cửa khẩu; điều tra chỉ số muỗi và đưa ra các khuyến cáo, hướng xử lý cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của Cảng hàng không sân bay quốc tế Đà Nẵng; tiến hành xử lý y tế bằng hóa chất tại toàn bộ Nhà ga hành khách và các khu vực có liên quan tại Cảng hàng không Sân bay quốc tế Đà Nẵng từ 8/4/2016 đến hết ngày 18/4/2016; tăng cường nhân lực, trang thiết giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại cửa khẩu; thực hiện phân công trực phòng chống dịch 24/24 tại các cửa khẩu (Sân bay: 6 kiểm dịch viên/ ca trực, Cảng biển: 2 kiểm dịch viên/ ca trực); chủ động, tích cực truyền thông phòng chống dịch bệnh: pa nô áp phích tại Ga đến, đi quốc tế và nội địa, phát thông điệp truyền thông phòng chống dịch bệnh do vi rút Zi ka tại các Bảng điện tử quảng cáo trong các khu vực của Nhà Ga. Đối với Cảng Đà Nẵng phương tiện nhập cảnh gồm 02 loại chính là tàu khách và tàu hàng. Trung bình mỗi tuần có từ 2 đến 3 chuyến tàu khách đến trực tiếp từ Trung Quốc hoặc từ các Cảng trong nước. Lượng hành khách trung bình từ 2500 đến 3000 mỗi tuần. Giám sát phát hiện ca nghi ngờ mắc bệnh được thực hiện ngay tại nơi tàu cập cảng. Các hoạt động đã triển khai tương tự như tại Cảng Hàng không Sân bay quốc tế Đà Nẵng.

BS. Nguyễn Tiên Hồng cho biết, Đà Nẵng cũng đã xây dựng 04 phương án đối phó với các tình huống phòng chống vi rút Zika với các mức độ khác nhau, trong thời gian tới, ngành Y tế Đà Nẵng sẽ tập chung vào công tác diệt muỗi, lăng quăng; giám sát phát hiện bệnh và tăng cường năng lực cho đội ngũ phòng dịch… Mong rằng, với những nỗ lực của ngành Y tế; hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân Đà Nẵng, Đà Nẵng sẽ thành công trong công tác ngăn chăn sự xâm nhập của vi rút Zika, khống chế, đẩy lùi dịch bệnh sốt xuất huyết.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiển

Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

1 day ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

1 day ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

4 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

4 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

6 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago