Categories: Sức khoẻ

Chọn sữa cho người tiểu đường

Loại nào không làm tăng đường huyết? Hàm lượng carbohydrat liệu có quá cao? Chất béo bao nhiêu thì đủ?… Thật không dễ dàng để chọn được loại sữa thích hợp cho bệnh nhân tiểu đường thỏa mãn các tiêu chí này, nhưng điều đó không đồng nghĩa với “không thể”.

Những thông tin cho thấy mối liên hệ không mấy tốt đẹp giữa sữa động vật và bệnh tiểu đường có thể khiến bạn e ngại nguồn dinh dưỡng quý giá này. Nhưng thực tế, chúng ta không thể phủ nhận những điều tuyệt vời mà sữa mang lại: năng lượng cho cơ thể, cacil cho xương, vitamin D và nhiều loại khoáng chất bỗ dưỡng khác để tăng cường sức đề kháng.

Vậy không có lý do gì để người bệnh tiểu đường phải kiêng… sữa. Bởi, theo các chuyên gia dinh dưỡng, người bệnh tiểu đường cũng cần ăn đủ 6 thành phần cơ bản mỗi ngày, trong đó không thể thiếu sữa. Sữa sẽ vẫn phát huy tối đa những lợi ích của nó nếu chúng ta biết lựa chọn đúng.

Ảnh minh họa

3 thông số cần quan tâm

Hàm lượng carbohydrat, hàm lượng chất béo và chỉ số đường huyết là ba thông số bạn cần quan tâm khi chọn sữa cho người tiểu đường.

Theo Ths. BS Diệp Thị Thanh Bình: “Sữa dành cho bệnh nhân tiểu đường phải là loại sữa không làm tăng đường huyết quá mức. Như vậy trước tiên phải là loại không đường và quan trọng là hàm lượng carbohydrat thấp. Vì cabonhydrat là thành phần chính ảnh hưởng đến đường huyết” (trích Bản tin Bệnh viện ĐH Y Dược). Khi chọn sữa, bạn nên chú ý đến bảng thành phần trên sản phẩm. Ví dụ: Trên sản phẩm ghi 100ml cung cấp 3,1gram carbohydrat thì hộp sữa 200ml sẽ chứa 6,2 gram carbohydrat. Với hàm lượng này, bệnh nhân tiểu đường có thể sử dụng được.

Đánh vào tâm lý của người dùng, các nhà sản xuất thường nhấn mạnh vào chỉ số đường huyết thấp để khuyến khích người tiêu dùng. Đây là một thông số quan trọng cho biết mức độ tăng đường huyết sau khi dùng sữa. Chỉ số càng thấp thì khả năng tăng đường huyết càng ít. Chỉ số đường huyết dưới 55 là con số thích hợp cho người tiểu đường. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý, lượng sữa uống vào còn quan trọng hơn chỉ số đường huyết, chỉ số thấp nhưng dùng nhiều thì vẫn có thể gây tăng đường huyết.

Chất béo trong sữa cũng là một nguyên nhân khiến cho tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn. Bởi thế, người tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường có kèm rối loạn lipid máu nên dùng những loại sữa ít béo (hay còn gọi là sữa gầy). Với những sản phẩm sữa có hàm lượng chất béo thấp, dưới 0,1% thì bệnh nhân tiểu đường có thể an tâm sử dụng.

Một công trình nghiên cứu do TS. Simin Liu, Đại học Harvard (Mỹ) thực hiện còn khẳng định: Sử dụng thường xuyên những chế phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai, kem chua…) đã được loại bỏ chất béo có thể giúp chị em ngăn ngừa và giảm thiểu nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2. Với đặc tính nhiều canxi và men tiêu hoá, sữa chua (loại không đường được làm từ sữa tách béo) hỗ trợ hấp thu thức ăn, người bệnh có thể ăn từ 1-2 hộp/ngày. Tuy nhiên bạn cũng nên thường xuyên để theo dõi chỉ số đường huyết để kiểm tra.

Sữa chuyên dùng có thể trị bệnh?

Hiện nay đã có những sản phẩm sữa chuyên dùng cho bệnh nhân tiểu đường với đặc điểm ít béo và hàm lượng carbohydrat phù hợp. Các loại sữa này có chỉ số đường rất thấp (30-35) nhờ thành phần đường bột chứa isomalt, fructose hấp thu chậm nên không làm tăng đường huyết quá nhanh…

Tuy nhiên, sữa cho người tiểu đường không có tác dụng chữa bệnh như nhiều người nhầm tưởng. Nó chỉ cung cấp thêm năng lượng và chất dinh dưỡng cho cơ thể chứ không thể làm giảm đường huyết, do đó không thể thay thế thuốc chữa bệnh.

Ngoài ra, người dùng cũng cần phân biệt rõ giữa sữa và bột dinh dưỡng dành cho người tiểu đường. Theo thói quen, chúng ta vẫn xem những sản phẩm dưới dạng bột khuấy tan vào nước thành dung dịch trắng đục đều gọi là sữa. Thực tế, bột dinh dưỡng là các bữa ăn thay thế được dùng khi bệnh nhân ốm đau không ăn được hoặc dùng làm bữa ăn phụ giữa các bữa ăn chính nếu đường huyết ổn định.

Khỏe hơn với sữa đậu nành

Sữa đậu nành và các chế phẩm làm từ đậu nành không chỉ giàu đạm (tương đương sữa bò) mà còn giàu calci và không có cholesterol. Sữa đậu nành đặc biệt thích hợp cho những người bị tiêu chảy khi uống sữa bò.

Công dụng điều chỉnh những enzym làm tăng lượng đường trong máu như alpha-amylase và alpha-glucosidase của sữa chua làm từ đậu nành đã được các nhà khoa học Mỹ công bố trên tạp chí Thực phẩm Sinh hóa của nước này. Đặc biệt, theo họ, ăn sữa chua đậu nành có bổ sung hoa quả thường xuyên có thể giúp kiểm soát cả bệnh tiểu đường tuýp 2 lẫn bệnh cao huyết áp.

Lưu ý dùng sữa cho bệnh nhân tiểu đường

– Bệnh nhân tiểu đường có thể uống từ 1-2 khẩu phần sữa/ngày (1 khẩu phần tương đương 90 – 150kcal và không chứa quá 12 gram carbohydrat). Ví dụ như: Có thể uống 1-2 hộp sữa không đường 180ml hoặc 1 bịch sữa tươi không đường 220ml/ngày.

– Nên dùng vào giữa các bữa ăn chính trong ngày. Với người bệnh đang chính insulin, có thể uống 1 hộp sữa tươi không đường vào buổi tối (trong trường hợp đường huyết thử ban đêm thấp) giúp hạn chế nguy cơ hạ đường huyết về đêm.

– Nên kiểm tra đường huyết sau khi uống để biết sữa có thích hợp với cơ thể không. Nếu đường huyết tăng cao sau khi uống thì phải giảm lượng sữa uống vào, hoặc bột sữa pha vào.

Trâm Anh

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

1 day ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

1 day ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

4 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

4 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

6 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago