Rau đay và cua đều là thực phẩm chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, cũng như nhiều chất quý có tác dụng chữa bệnh. Vì vậy, theo y học cổ truyền, canh cua rau đay được xem là món ăn vừa ngon, vừa có tác dụng như một phương thuốc.
Công dụng của rau đay
Rau đay có vị ngọt, chứa nhiều muối khoáng và vitamin, tính hàn, không độc. Theo các nhà nghiên cứu, rau đay có nhiều thành phần dinh dưỡng quý giá: sắt, kali, canxi, photpho, axit oxalic, vitamin C, vitamin B1, vitamin B2, vitamin A. Nhờ đó, loại rau ngọt mát này có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe.
Giúp nhuận tràng, trị táo bón: Chất nhớt trong rau đay là một tổ hợp sinh học có tác dụng kích thích ruột vận động, đồng thời làm nhờn phân, giúp đi ngoài dễ dàng hơn. Ngoài ra, trong rau đay có nhiều chất polysaccharid nên sẽ làm tăng lưu chuyển ruột, chống ứ đọng phân.
Thanh nhiệt giải độc: Rau đay có nhiều nước, nhiều đường và chất nhầy nên có tác dụng giải nhiệt. Hơn nữa, nhờ tính hàn, rau đay có tác dụng làm mát, tiêu khát, giải nhiệt, chữa say nắng, giúp hóa giải hiện tượng nóng trong.
Tác dụng thông tiểu: Do có hoạt chất vận động tim mạch nên rau đay có tác dụng làm tăng số lượng nước tiểu, tiêu thũng nên nước tiểu sẽ dễ dàng ra ngoài hơn. Ngoài ra, nó giúp kháng viêm, giải viêm nhiễm đường tiết niệu.
Thực phẩm lợi sữa: Mẹ sau sinh ăn rau đay sẽ giúp tăng thể tích sữa, sữa về nhiều hơn.
Trị rắn cắn: Theo y học dân gian, rau đay được xem là phương thuốc sơ cứu vết thương rắn cắn hiệu quả. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo chỉ dùng phương pháp này trong trường hợp khẩn cấp khi không có điều kiện đi viện kịp thời.
Tốt cho tim mạch: Nhờ có nhiều olitorisid chứa hoạt tính trợ tim cao, tăng sức co cơ tim và giảm nhịp tim gần giống như hoạt tính sinh học của strophantin, rau đay được xem là loại thực phẩm rất tốt cho tim mạch.
Tốt cho phụ nữ cho con bú: Rau đay là một loại rau nhiều sắt nhất trong các loại rau. Vì vậy, bà mẹ cho con bú nên bổ sung rau đay vào bữa ăn hàng ngày.
Tốt cho trẻ trong độ tuổi ăn dặm: Là thực phẩm giàu canxi, rau đay là món ăn dặm lý tưởng cho trẻ, giúp bổ sung canxi, phát triển hệ xương và răng.
Công dụng của cua
Theo sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam do viện Dược liệu (bộ Y tế) ấn hành, trong 100g thịt cua đồng chứa 12,3% protid; 3,3% lipid; 5.040mg% Ca; 4,7mg% Fe; 430mg% P; 0,01mg% vitamin B1; 0,51mg% vitamin B2; 2,1mg% vitamin PP; 0,12mg% vitamin B6; 125mg% cholesterol; 0,25mg% melatonin…
Theo y học cổ truyền, cua đồng chữa ứ huyết khi bị chấn thương bầm dập. Cua đồng có vị mặn, tính hàn, hơi độc, có tác dụng sinh phong liền gân nối xương; dùng trị nhiệt tà, bạt độc, trừ ghẻ lở và máu kết cục. Ngoài ra, y học hiện đại cũng xác nhận trong cua đồng có nhiều calci phosphat nên rất tốt cho trẻ còi xương hay người bị loãng xương.
Tuy nhiên, có một số đối tượng không nên ăn cua đồng vì có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe như người đau ốm mới khỏe, người bị tiêu chảy, người bị bệnh gút. Người huyết áp cao, bệnh tim mạch cũng nên hạn chế ăn cua đồng. Theo y học cổ truyền, do cua đồng có tác dụng phá khối u, tống xuất khối cục tồn đọng nên đông y khuyên phụ nữ có thai ở những tháng đầu tránh ăn cua đồng.
Cách làm món canh cua rau đay
Nguyên liệu
– 1 kg cua đồng
– 1 bó rau đay
– Mắm tôm, nước mắm
– Muối, bột nêm
Chuẩn bị
Rửa sạch cua, lật bỏ mai, yếm, gạt gạch cua ra bát. Cho cua vào cối giã nhỏ. Khi cua đã nhuyễn, cho một lít nước và một thìa muối nhỏ vào bóp kỹ, sau đó lọc lấy nước. Có thể lọc thêm một lần nước nữa nếu nấu nhiều canh.
Rau đay nhặt lá non, rửa sạch, cắt nhỏ.
Cách thực hiện
Đổ nước cua vào nồi sạch, dùng đũa quậy nước theo vòng tròn cho cua tụ lại ở giữa. Bắc nồi lên bếp nấu sôi. Gạch cua chưng với dầu ăn và hành khô cho đến khi có vị thơm thì múc ra bát. Khi cua chín, nổi lên, thì gạt nhẹ sang một bên để cho rau đay vào. Có thể cho thêm một thìa mắm tôm nếu thích. Khi rau gần chín, cho gạch cua đã chưng và nêm nếm thêm bột ngọt cho vừa miệng rồi tắt bếp ngay.
Như vậy là bạn đã có món canh cua rau đay vừa ngon, bổ, vừa có tác dụng chữa bệnh cho cả nhà.
Dương Thùy
Nguồn: Emdep
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…