Gần đây, Sài Gòn xuất hiện nhiều quán cà phê phục vụ 24/24 giờ. Không chỉ tìm đến đây để uống cà phê, trò chuyện, có những bạn trẻ còn tận dụng những không gian này để làm việc, học bài, làm đồ án… thâu đêm suốt sáng.
Nhiều người trẻ có thói quen thức nguyên đêm để làm việc. ẢNH: T.N
Dù là típ người 'cú đêm' hay 'chim sớm' gì đi nữa thì việc ngủ trái với quy luật tự nhiên và thiếu ngủ đều dẫn đến hệ lụy cho sức khỏe.Đó là cảnh báo của bác sĩ đối với nhiều người trẻ có thói quen đêm làm, ngày ngủ.
24/24 giờ
Thời gian gần đây, tại TP.HCM xuất hiện khá nhiều quán cà phê phục vụ khách 24/24 giờ. Không chỉ tìm đến đây để uống cà phê, trò chuyện với bạn bè, có những bạn trẻ còn tận dụng những không gian này để làm việc, học bài, làm đồ án… thâu đêm suốt sáng.
Tại những quán như Anh Coffee (đường Trần Hưng Đạo, Q.1), Vélo De Piste Coffee, Thức Coffee (Pasteur, Q.1), OFA Coffee (Lý Tự Trọng, Q.1), Ba Lá Trà (Nguyễn Tri Phương, Q.10)… dù đã 2, 3 giờ sáng vẫn đông khách, đa phần là người trẻ. Có người thì miệt mài bên đống tài liệu, người say sưa xử lý những số liệu công việc, có người mải mê học tiếng Anh, có những nhóm bạn trao đổi, học nhóm…
Huỳnh Tùng, sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, cho biết có thói quen đến quán cà phê để làm bài. “Vì ở nhà đôi khi internet chập chờn, lại dễ rơi vào trạng thái buồn ngủ, nên đến tối thường ra quán cà phê ngồi. Một tuần khoảng 3 đêm, có những khi bài tập nhiều thì luôn ra đây thức làm bài”, Tùng cho biết.
Tương tự, Ánh Thủy, sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết thường rủ bạn bè ra quán cà phê ngồi trao đổi kiến thức, học nhóm. “Ở nhà nóng nực, lại chẳng có tâm trạng để học bài gì cả. Có cảm giác ra quán ngồi thì học bài tốt và có được sự tập trung hơn”, Thủy giải thích.
Ngoài ra, còn có những lý do cho việc lựa chọn những “quán cà phê không ngủ” để “cày đêm” như: ban ngày không có hứng thú học, làm việc ở không gian thoáng mát, rộng rãi như quán cà phê vừa đỡ nhàm chán, vừa giúp nảy sinh ý tưởng và hiệu quả hơn. Hay vừa học bài, làm việc lại vẫn có thể nhìn cuộc sống Sài Gòn về đêm.
Hoặc như Trúc Thanh, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, thì: “Học bài ở quán cà phê, khi buồn ngủ gọi thêm ly cà phê uống, đói bụng gọi suất ăn nhẹ. Cứ thế là tha hồ học và làm bài đến 4, 5 giờ sáng”. Thanh thừa nhận bản thân đã “đảo lộn hoàn toàn giờ sinh học” suốt nửa năm qua.
Còn Hoàng Tuyển, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết ở nhà trọ nhiều khi bạn cùng phòng không có ý thức, lo tán gẫu, chơi game ồn ào làm ảnh hưởng đến việc học. Lại có những khi thức khuya làm đồ án, gõ máy tính, bị than phiền là làm ồn không cho người khác ngủ. Thế nên mỗi lần học bài là cậu lại tìm đến quán cà phê 24/24 giờ. “Đến 6, 7 giờ sáng lại về phòng trọ. Nếu có ca học sáng thì đến trường luôn, còn không thì về ngủ bù tới trưa”.
Hại sức khỏe
Theo tiến sĩ – bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, việc thức khuya, thay đổi nhịp sinh học sẽ gây hại đến sức khỏe, dẫn đến tình trạng mất ngủ.
“Khi thức khuya có thể tăng nguy cơ tai nạn, giảm hiệu suất lao động, tăng biến cố tim mạch và bệnh tim mạch. Chưa kể còn có thể làm tăng nguy cơ béo phì, nguy cơ ung thư, trong đó có ung thư vú, cũng như làm giảm đáp ứng miễn dịch, giảm khả năng tạo kháng thể của cơ thể”, ông Niên nói thêm.
Trước những ý kiến cho rằng thức khuya làm việc giúp nảy sinh nhiều ý tưởng sáng tạo hơn, ông Niên cho rằng đây là suy nghĩ sai lầm. Bởi nếu người trẻ thức khuya, ngủ không đủ giấc sẽ làm giảm khả năng hoạt động của não bộ, từ đó hiệu suất học tập và làm việc sẽ giảm sút.
Để tránh tình trạng buồn ngủ, mất tập trung, có trường hợp bạn trẻ tìm đến thuốc lá, cà phê. “Khi có cảm giác mệt trong người, muốn ngủ thì hút thuốc hoặc uống ngụm cà phê là tỉnh táo ngay”, Thành Nhân, nhân viên công ty thiết kế đồ họa ở Q.3, TP.HCM, chia sẻ.
Nói về điều này, ông Niên cho biết: “Đối với thuốc lá, khuyến cáo là không nên sử dụng thuốc lá do các tác hại về sức khỏe. Còn cà phê chứa caffein, là một chất có tính kích thích. Nhiều người cảm thấy caffein làm tăng khả năng tỉnh táo. Nhưng liều cao caffein có thể khiến người sử dụng cảm thấy lo lắng, bồn chồn, chóng mặt, nhức đầu. Caffein có thể ảnh hưởng lên giấc ngủ, khả năng tập trung và trong một số trường hợp có thể tác động đến nhịp tim. Vì thế, không nên sử dụng cà phê làm thức uống để duy trì hiệu quả làm vệc trong dài hạn. Cũng cần lưu ý một số thực phẩm khác chứa caffein như nước tăng lực, sô cô la…”.
Ông Niên cũng khuyên nên phân bố thời gian hợp lý để đảm bảo sức khỏe cũng như tăng hiệu quả làm việc, học tập. Nên đặt mục tiêu ngủ từ 7 đến 9 tiếng đồng hồ/ngày. Khi ngủ đủ giấc sẽ cảm thấy tỉnh táo và khỏe khoắn vào sáng hôm sau. Đừng bao giờ làm việc hay học bài với cường độ cao lúc sắp đi ngủ và nên tập thói quen đi ngủ và thức dậy vào thời gian cố định hằng ngày.
Thanh Nam/TNO
Nguồn: Giáo dục Online