Ngày 7/5, phiếu kết quả kiểm nghiệm số 3600 của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia xuất hiện trên mạng cho thấy nước giải khát C2 và Rồng Đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép.
Cụ thể, mẫu citric acid sản xuất tháng 7/2015, hạn dùng 7/2018 do Công ty URC Hà Nội gửi kiểm nghiệm có hàm lượng chì là 0,84 mg/kg, trong khi hàm lượng cho phép là 0,5 mg/kg.
Trước thông tin này, trả lời trên Vietnamnet, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, xác nhận kết quả lan truyền trên mạng là kết quả xét nghiệm nguyên liệu.
Theo Báo Giao Thông, ông Đặng Văn Chính, Chánh Thanh traBộ Y tế, cho biết thêm đây là kết quả kiểm nghiệm riêng của URC theo quy định và Thanh tra Bộ chỉ thông tin kết quả đơn vị này kiểm tra.
Ngày 7/5, nghi vấn nước giải khát C2 và Rồng Đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép xuất hiện.
Lấy mẫu và kiểm tra hàm lượng chì
Chiều 9/5, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vào cuộc khi quyết định lấy mẫu ngoài thị trường, cơ sở sản xuất sản phẩm nước giải khát C2 và Rồng đỏ của Công ty TNHH URC Hà Nội để kiểm tra lại.
Theo ông Thanh Phong, việc kiểm tra hàm lượng chì sẽ được ưu tiên và yêu cầu các cơ sở kiểm nghiệm trả kết quả sớm nhất. Các mẫu sản phẩm, nguyên liệu được gửi viện kiểm nghiệm khác, không tiếp tục làm tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để đảm bảo độ khách quan. Tuy nhiên, sáng 13/5, kết quả vẫn chưa được công bố.
“Quan điểm của chúng tôi là bất cứ thông tin liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm đều phải kiểm tra, xác minh và công bố khách quan, chính xác, minh bạch, với mục tiêu số một là bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cũng phải bảo đảm những quyền lợi hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp”, ông Phong cho hay.
Doanh nghiệp sản xuất C2, Rồng đỏ nói gì?
Về phía doanh nghiệp, đại diện URC Việt Nam cho biết, đây là thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận và làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Định kỳ 6 tháng, công ty gửi mẫu lên Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia (NIFC) để kiểm tra và tất cả hàm lượng đều ở mức cho phép.
Trong thông cáo báo chí ngày 9/5, URC Việt Nam công nhận mẫu kiểm nghiệm đối với nguyên liệu là đúng. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thiên Hương – phụ trách truyền thông của URC Việt Nam – giải thích, kết quả của NIFC là thực hiện trên mẫu nguyên liệu, không phải là kết quả mẫu sản phẩm. Số liệu này đang bị hiểu nhầm là kết quả kiểm nghiệm sản phẩm.
Bà Hương cho biết, ngày 22/2 và 24/3, URC Việt Nam cũng lần lượt gửi mẫu trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ lần 1 và lần 2 cho NIFC để kiểm nghiệm. Theo phía công ty, đây là kiểm nghiệm định kỳ 6 tháng 1 lần theo quy định của pháp luật.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai – cho biết, nồng độ chì cho phép trong cơ thể người là dưới 10 mcg/dL. Trên thực tế, hàm lượng chì trung bình của người Việt Nam là 20 mcg/dL, tức gấp đôi hàm lượng chì cho phép tồn tại trong cơ thể.
Tình trạng nhiễm chì cao trong cơ thể của người Việt một phần là do ô nhiễm chì có trong không khí, nước uống và một phần do con người trực tiếp đưa vào cơ thể thông qua việc ăn uống và sử dụng vật dụng gia đình.
“Nhiễm độc chì là một cảnh báo nguy hiểm cho cơ thể. Song nhiều người chủ quan khi chưa nhìn thấy hậu quả từ việc này, tức là khi cơ thể chưa phát bệnh, nên trì hoãn chữa trị, hoặc bỏ dở điều trị. Thực tế, thải được nồng độ chì trong cơ thể không đơn giản, càng để lâu, càng nguy hại cho sức khỏe. Trong đó, trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị nhiễm độc chì hơn cả vì mức hấp thụ chì ở trẻ em cao và lâu hơn ở người lớn”, PGS Dũng cho hay.
Minh Hiền (tổng hợp)
Nguồn: Zing
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…