Nắng nóng dễ gây đổ mồ hôi nhiều, làm mất cân bằng chất điện giải vì natri theo mồ hôi ra khỏi cơ thể. Uống nước chanh, nước dừa, các loại nước ép trái cây tươi giúp bổ sung lượng chất lỏng bị mất.
Dưa hấu chứa leukopin đóng vai trò như một chất chống ô xy hóa. Ăn dưa hấu giúp làm mát cơ thể khi bổ sung chất lỏng cho cơ thể, đồng thời giảm căng thẳng do nắng nóng.
Hạn chế dùng các đồ uống chứa caffeine, cồn hoặc có ga cũng như chứa nhiều đường. Hầu hết các loại thức uống này chứa chất bảo quản, phẩm màu. Chúng cũng có tính a xít cao và hoạt động như thuốc lợi tiểu khi làm mất chất lỏng trong cơ thể qua nước tiểu, khiến cơ thể rơi vào tình trạng mất nước.
Đừng dùng thức uống quá lạnh vì chúng thật sự không giúp hạ nhiệt. Theo các chuyên gia, uống nước lạnh khi trong người bạn đang cảm thấy nóng có thể dẫn đến co thắt nhẹ ở các mạch máu trong da và làm giảm quá trình hạ nhiệt.
Nên bổ sung lượng đường tự nhiên có sẵn trong các loại trái cây và rau củ. Dùng thức ăn lành mạnh thay thực phẩm giàu chất béo, chứa nhiều dầu mỡ. Bớt ăn các loại thực phẩm chiên. Ngoài ra, tránh dùng các loại trái cây và rau củ đã được lột vỏ để quá lâu ngoài không khí.
Ăn nhiều bữa nhỏ và tránh nhịn đói để bổ sung chất lỏng cho cơ thể. Không bao giờ bỏ bữa ăn sáng. Nhiều nghiên cứu cho thấy những người ăn sáng đầy đủ sẽ làm việc hiệu quả, ít cảm thấy mệt mỏi và có nhiều năng lượng hơn so với những người chỉ dùng một tách cà phê vào buổi sáng.
Rèn luyện thể chất đóng vai trò quan trọng giúp ngừa bệnh trong mùa nắng nóng. Vì thời điểm này, vi khuẩn và vi rút dễ sinh sôi nảy nở làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm cũng như tiêu chảy. Chỉ cần mỗi ngày đi bộ nhanh trong 40 – 45 phút hoặc đạp xe giúp tăng khả năng miễn dịch. Tăng cường vận động càng nhiều càng tốt như sử dụng cầu thang bộ, đi bộ…