Categories: Nuôi dạy trẻ

Bí quyết của bà mẹ khiến con biết tự ngủ từ 4 tháng tuổi

Thay vì phải liên tục cho con ăn, bế rong, rung lắc, dỗ bé, tôi có nhiều thời gian làm đẹp, tập trung cho công việc vì rèn bé ăn, ngủ theo nếp.

Bài viết dưới đây là chia sẻ về cách rèn cho con tự ngủ ngoan của chị Nguyễn Thanh Nga, Hà Nội, bà mẹ có hai con trai, một bé 3 tuổi, một bé 5 tháng.

Từ lúc Kem 4 tháng đến nay, tôi nhàn tênh vì đã rèn con tự ngủ thành công. 

Từ lúc sang tháng thứ 4, Kem luôn đòi bế đứng chứ không chịu bế nằm nữa. Cứ bế nằm ru ngủ là bạn ấy la hét, giãy đành đạch khiến mẹ mệt và mỏi tay lắm. Nghĩ mới 8,5kg mà thế này thì khi con mười mấy cân thì sao mà bế rong nổi, trong khi mẹ thì bị đau lưng. Có những hôm, mẹ bế còng cả lưng, sái cả tay, có khi đu đưa đi lại, hát cả tiếng Anh mà con vẫn chưa ngủ cho, còn khóc gào chán chê, thậm chí khi con ngủ say rồi, đặt xuống, lại dậy kêu. Mẹ vừa mệt mỏi vừa “điên tiết”. Đã thế thì tự ngủ con nhá, không có bế bồng gì hết nữa.

Sau khi đọc cuốn sách “Nuôi con không phải là cuộc chiến”, tôi áp dụng luôn trong việc rèn con ăn và ngủ. Khi ấy Kem 4 tháng, mẹ giãn cữ ăn từ 3 tiếng một lần thành 4 tiếng và nhân cơ hội này luyện con nếp ngủ theo kiểu Easy.

Easy là nuôi con nhàn hạ. Chúng ta sẽ tuân thủ nguyên tắc cho trẻ: Ăn – Chơi – Tự ngủ, lặp lại chu kỳ này 4 tiếng một lần và ngày 3 lần như vậy, áp dụng với các bé 3-5 tháng.

Theo cách này, 7h Kem dậy sẽ được mẹ rửa mặt mũi cho tỉnh táo. 7h30 con ăn, 7h45 con bắt đầu nằm chơi, mẹ ngồi cạnh nói chuyện, líu lo đến 8h45 thì mặt đã buồn buồn, mắt lờ đờ (dấu hiệu buồn ngủ), và mẹ vẫn tiếp chuyện mà bạn ấy chẳng có ý kiến gì, buồn thiu. Mẹ nhìn đồng hồ, đến lúc thấy con thức được 1 tiếng 45 phút thì nên cho ngủ. Trẻ tầm tuổi này thường không thể thức chơi được quá 2 tiếng.

Ảnh Kem đang mắt díp buồn ngủ. Ảnh: Nguyễn Thanh Nga.

Nếu mẹ không biết điều này, có khi lại cố bắt con thức chơi, khiến trẻ mệt hoặc bắt con ngủ sớm hơn thì con chưa muốn ngủ nên cáu, khóc phản đối, thế là lại tưởng trẻ… gắt ngủ, ra sức bế rong, rung lắc cho con im và ngủ. Các mẹ thông thái thì sau khi con ăn và thức chơi được khoảng 1 tiếng 45 phút thì mới đặt con xuống giường, đắp chăn (chèn gối to 2 bên cho khỏi lật), tắt điện cho tối phòng (cả ngày lẫn đêm), ban đầu có thể bật nhạc, khép cửa phòng rồi ra ngoài, đảm bảo 10 phút sau quay lại là con ngủ tít rồi.

Bé sẽ ngủ khoảng 2- 2,5 tiếng là dậy. Trẻ không thể ngủ lâu hơn được vì ban ngày giấc ngủ ngắn thường 1,5-2,5 tiếng thôi (tất nhiên nếu có giấc ngủ ngắn nào bé ngủ một tiếng đã tự dậy hay bị tiếng động mạnh làm thức giấc lần sau bé sẽ ngủ bù nên bạn sẽ thấy tổng thời gian thức của con không quá 7 tiếng). Nếu bạn bắt con chơi nhiều hơn, trẻ sẽ thiếu ngủ, sinh mệt mà đêm cáu gắt. Nếu bạn để con thức ít thì đêm trẻ có thể dậy thức thêm cho đủ 7 tiếng.

Vậy làm thế nào để trẻ thức tầm 6-7 tiếng vào ban ngày?

– Con dậy vào mấy giờ hôm sau thì hôm trước sẽ ngủ vào giờ đó cộng thêm một tiếng nữa. Ví dụ, con tôi sáng dậy 8h dậy thì tối hôm trước 9h (21h) đi ngủ và ngủ thẳng một mạch vì ban ngày đã thức 7 tiếng. Có đêm con chuyển giấc dậy ngoáy đầu sang 2 bên tầm chục cái là tự ngủ tiếp luôn chứ không dậy khóc hay đòi mẹ bế, dỗ.

– Luôn nhớ phải cho con ăn theo cữ, không ăn vặt. Nhiều mẹ thấy con đòi là cho con bú, dù mới ti 30 phút đến một tiếng trước và vậy là con ngủ luôn, rồi cứ khoảng thời gian đó con lại dậy đòi ăn… Đó là một vòng luẩn quẩn khiến cả mẹ lẫn con đều mệt, không làm được gì, không có thời gian nghỉ ngơi, giấc ngủ không sâu khiến trẻ hay cáu, quấy. Đây là lỗi của mẹ. Hãy cho con ăn theo bữa, tùy tuổi mà tính khoảng cách giữa các bữa:

– 0-3 tháng: Cứ 3 tiếng lại cho trẻ ăn một lần. Khi đó, nếp Easy cũng là 3 tiếng một lần (tức ăn và thức chơi 45 phút đến một tiếng, ngủ 2 tiếng).

– 3-5 tháng: Cứ 4 tiếng con ăn một lần. Con thức nhiều hơn nên sẽ thức để ăn và chơi 1 tiếng 45 phút đến 2 tiếng, ngủ 2 tiếng.

Vì rèn con theo chu kỳ này nên bắt buộc nếu con ngủ quá 2,5 tiếng (chu kỳ lại thành 4,5h) thì phải đánh thức con dậy, cho ăn, và nếu trẻ vẫn ngủ thì lấy khăn lau mặt cho tỉnh, nói chuyện với con, hết giờ chơi thì lại đặt xuống giường, tắt điện, đi ra khỏi phòng.

Tôi áp dụng theo cách này đã thành công luôn từ ngày đầu tiên. Nhiều người không tin, cho rằng do con tôi ngoan thì mới được như vậy… Thực tế, cốt lõi của vấn đề là, nhất định con chỉ thức được 2 tiếng là buồn ngủ và cần được ngủ, khi đó, trẻ không cần mẹ phải bế rung lắc nữa. Có những lần khi bế, rung lắc con vẫn khóc, tôi đặt xuống rồi nói: “Con muốn nằm ngủ chứ gì, mẹ cho con nằm nhé. Mẹ yêu con, con ngủ đi!” rồi đắp chăn, chèn gối, tắt đèn và đi ra. Tất nhiên, khi đó con sẽ gào lên nhưng chỉ tầm 2-3 phút hoặc 5 phút là im im, ngủ luôn.

Làm sao để đảm bảo con sẽ ngủ ngay hoặc khóc một chút rồi ngủ say luôn?

– Khi chăm con, cần quan sát con kỹ để nhận biết đúng các dấu hiệu trẻ đói, buồn ngủ… Chẳng hạn, sau 2 tiếng thức chơi là con mắt liu diu, buồn ngủ lắm rồi và sẽ tự ngủ được chứ chẳng phải cách gì rèn giũa cao siêu.

– Ban ngày, nếu con ngủ quá 2 tiếng 15 phút thì phải gọi dậy. Nếu thương con, không gọi, trẻ ngủ ngày nhiều thì đêm sẽ thức, khóc. Rửa mặt các kiểu, bằng mọi giá phải dậy! Nên cho con bú thành bữa thật no, tránh thói quen bú vặt, vừa ăn vừa ngủ. Trước khi ăn, nên cho bé tập lật, sau khi con ăn xong cũng cần vỗ cho trẻ ợ hơi để bé không bị đầy bụng, khó chịu.

– Phải biết cách đọc tiếng khóc của con: Thường, trẻ khóc chỉ do ướt bỉm, đói, buồn ngủ, bụng chướng hơi. Vậy thì khi con khóc, bạn có thể cho lẫy để ợ hơi, thay bỉm, còn mỗi khả năng đói và buồn ngủ thôi. Nếu mẹ rèn con theo nếp Easy thì đơn giản hơn, sẽ dễ dàng nhận biết các nhu cầu của con theo thời gian. Khi đã được đáp ứng đủ các nhu cầu căn bản, trẻ sẽ không khóc quấy nữa.

Vì nhà tôi còn có một bé lớn 3 tuổi nghịch ngợm luôn tay chân, hò hét um xùm nên buổi tối, 21h cậu anh vào phòng riêng ngủ thì cậu em cũng mới được đưa vào phòng tự ngủ. Hôm nào vắng anh, em được ngủ từ 20h30 phút đến sáng hôm sau luôn.

Thông thường, cứ 20h30 phút tôi cho con ăn một bình no nê rồi 21h đặt vào giường. Con ngáp mấy cái, mẹ ra ngoài tầm 2 phút sau là con đã ngủ tít. Trường hợp nhà có khách, đến 21h mà chưa cho con vào giường, mọi người vẫn thay nhau bế và muốn chơi cùng là con cáu kỉnh, kêu gào vì quá buồn ngủ.

Dịp gần đây, khi mẹ chồng tôi lên chơi, thấy cháu nằm tự ngủ, bà còn ngạc nhiên hỏi con dâu: “Ôi sao con giỏi thế? Con làm thế nào mà nó tự ngủ được vậy?”. Tôi chỉ cười đáp với mẹ rằng: “Con nghiên cứu theo sách rồi áp dụng đó ạ”. Tôi làm được, tin rằng các mẹ khác cũng sẽ làm được. 

Nguyễn Thanh Nga

Nguồn: VnExpress

adminyhoc

Recent Posts

Những nguyên tắc bảo vệ gan khi thời tiết giao mùa

Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…

1 day ago

Bệnh viêm gan B và những dấu hiệu nhận biết

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…

1 day ago

Những điều cần lưu ý khi dùng cây hoa nhài trị bệnh

Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…

3 days ago

Bóng chuyền môn thể thao giảm gan nhiễm mỡ hiệu quả

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…

4 days ago

Bơi giải pháp điều trị gan nhiễm mỡ an toàn và hiệu quả

Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…

5 days ago

Đạp xe thường xuyên giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ

Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…

1 week ago