Danh tính 2 nạn nhân tử vong được xác định là Hoàng Văn L (SN 1968) và Hoàng Văn H (SN 1978) đều trú tại xã Côn Minh (huyện Na Rì, Bắc Kạn). Do trúng độc nặng nên đã tử vong trên đường đi cấp cứu.
Theo lời kể của anh Lục Văn Đ (SN 1994) là 1 trong 2 bệnh nhân may mắn thoát chết trong vụ ngộ độc rễ cây lá ngón, cho biết: 3 bác cháu trú tại xã Côn Minh (huyện Na Rì, Bắc Kạn) đều là họ hàng trong cùng gia đình, rủ nhau đi làm thuê tại một xưởng gỗ ở xã Chu Hương, huyện Ba Bể. Mới “chân ướt chân ráo” đến làm được 3 ngày thì xảy ra sự việc đáng tiếc như trên. Sự việc diễn ra từ ngày 9/1/2016, chiều hôm ấy trong lúc đang khai thác gỗ, thì một người trong nhóm thợ phát hiện một cây thân gỗ, nhìn giống cây thuốc Khem (theo tên địa phương). Do trong nhóm người làm công có một vài người bị ho, nên họ đã đào rễ cây về rửa sạch và sắc thuốc uống với mong muốn chữa khỏi ho.
Gương mặt vẫn còn chưa hết vẻ bàng hoàng sau khi trải qua cơn “thập tử nhất sinh” vừa qua, chị Hoàng Thị T (SN 1994) là con gái của chủ xưởng gỗ cho chúng tôi biết: Trước hôm xảy ra sự việc khoảng 2 ngày, chị Hoàng Thị T bị ho, do đang nuôi con nhỏ (13 tháng tuổi) nên chị ngại không dám uống thuốc tây. Hôm đó, nghe trong đội thợ làm công nói chuyện đào được rễ cây thuốc đem sắc nước uống có thể chữa ho, nên chị Hoàng Thị T đã thử uống một ngụm nhỏ. Một lúc sau chị cho con bú, thì thấy con tự dưng khóc thét và nôn trớ lên hết. Cùng lúc đó, chị thấy người choáng váng khó thở, và lịm đi.
Trao đổi với chúng tôi, bác sỹ Đinh Thị Đầm – Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc cho biết: 20h ngày 9/1/2016, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn tiếp nhận 4 bệnh nhân, trong đó 2 bệnh nhân đã tử vong từ trước, 2 người còn lại nhập viện trong tình trạng trụy mạch, ý thức lơ mơ, ngủ gà, huyết áp tụt. Đội ngũ y bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành cấp cứu theo phác đồ, cho thở oxy, tiêm thuốc hấp phụ độc chất để đào thải qua đường tiêu hóa… Sau 1h tích cực cấp cứu 2 bệnh nhân đã may mắn qua cơn nguy kịch. Người nhà bệnh nhân khi đến bệnh viện đã kịp mang theo số rễ cây còn sót lại cho các y bác sỹ kiểm tra, sau khi kiểm tra thì phát hiện đó chính là rễ cây lá ngón, một loại cây có độc tính rất mạnh, chỉ một chút độc tố đi vào cơ thể là có thể gây chết người. Bác sỹ Đinh Thị Đầm cũng khuyến cáo mọi người: “Tất cả các loại thuốc Nam, không rõ nguồn gốc xuất xứ thì tuyệt đối không nên tự ý đun nước uống. Mọi người dân khi có bệnh, đau ốm thì nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị theo đúng phác đồ.”
Khi phát hiện có người bị ngộ độc lá ngón cần phải nhanh chóng tiến hành các biện pháp sơ cứu, hạn chế hấp thu độc tính vào cơ thể. Trước hết, cần phải tìm mọi cách gây nôn cho bệnh nhân. Cần dùng tay chọc vào sâu bên trong cổ họng bệnh nhân, khi ngón tay chọc vào gốc lưỡi, phản xạ nôn sẽ xuất hiện. Hoặc sử dụng một chiếc lông gà ngoáy vào trong cổ họng bệnh nhân để gây nôn. Sau đó, cần nhanh chóng chuyển nạn nhân tới bệnh viện để bác sĩ thực hiện các kỹ thuật cấp cứu tiếp theo như rửa dạ dày bằng nước ấm, uống than hoạt.
Bài và ảnh: Phạm Thị Kim Cúc, t4g Bắc Kạn
Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…