Phát hiện suy thận từ năm 2012, ông Quỳnh đều đặn mỗi tuần 3 lần đến Bệnh viện Nhân dân 115 để chạy thận nhân tạo. Ròng rã đến năm 2014, người em trai út Lê Đình Quân hiện 44 tuổi đã vượt qua các kiểm tra xét nghiệm để trở thành người phù hợp tặng một quả thận cho anh trai cả. Hồi phục khỏe mạnh sau ghép, ông Quỳnh nhìn năng động, trẻ trung hơn rất nhiều so với tuổi 60 tuổi.
“Những tháng ngày nằm mòn mỏi trong khoa chạy thận tôi cứ nghĩ rằng cuộc đời từ nay khép lại chẳng còn hy vọng gì nữa. Đến lúc được hồi sinh sau khi ghép thận, tôi mới nghiệm ra chân lý sức khỏe luôn là thứ quý giá nhất”, ông Quỳnh chia sẻ tại buổi lễ kỷ niệm 100 ca ghép thận chiều 8/1.
|
Giáo sư Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam tặng hoa cho những bệnh nhân ghép thận tại Lễ kỷ niệm ca ghép thận thứ 100 thành công – Sinh hoạt Khoa học Kỹ thuật khối thận niệu chiều 8/1. Ảnh: Lê Phương. |
Bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết kể từ ca ghép đầu tiên thực hiện vào tháng 2/2004, nơi này hiện đã ghép thành công 100 bệnh nhân. Từ chỗ nhờ đến sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia nước ngoài, bệnh viện tự lực hoàn toàn vào năm 2008 và đã hoàn thành quy trình lấy thận từ người cho chết não.
Số bệnh nhân ghép tăng đáng kể trong 3 năm gần đây. Đặc biệt trong năm 2015 bệnh viện tiến hành ghép thành công 28 ca. Thời gian theo dõi hậu phẫu ngày càng rút ngắn lại, giảm từ hơn một tháng xuống khoảng 2 tuần là người nhận thận có thể xuất viện.
Bác sĩ Tạ Phương Dung, Trưởng Khoa Nội thận – Miễn dịch ghép Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết nơi này đang theo dõi cho 130 bệnh nhân ghép thận, 4 ghép gan và một ghép thận tụy. Số bệnh nhân này bao gồm 73 trường hợp từng thực hiện ghép tại bệnh viện và bệnh nhân đã ghép trước đó tại những đơn vị khác.
Theo bác sĩ Dung, 100 người cho thận là người sống với 69 nam và 31 nữ. Người lớn tuổi nhất cho thận là 54 tuổi, người nhỏ nhất là 18 tuổi. Người nhận thận lớn tuổi nhất là 69 tuổi, nhỏ nhất 16 tuổi. 98 trường hợp ghép cùng nhóm máu, 2 trường hợp không cùng nhóm máu. Chỉ có 15 trường hợp ghép cùng huyết thống, còn lại là vợ cho chồng, con dâu cho mẹ chồng. Trong số các trường hợp nhận thận, một bệnh nhân nữ ghép thận năm 2008, sau ghép có thai và sinh được một bé trai khỏe mạnh vào năm 2010. Ngoài ra 4 bệnh nhân nam có con trai sau ghép.
Trong 100 người ghép thận, hiện 85 người còn sống. Tỷ lệ bệnh nhân tử vong trong vòng 4 năm là 8%, tỷ lệ bệnh nhân tử vong trong vòng 8 năm là 7%. Có 3 trường hợp thất bại sau ghép. Một trường hợp bị thải ghép tối cấp phải lấy thận ra sau một tuần. Một trường hợp bị thải ghép nhiều lần, điều trị chống thải ghép thất bại, đã quay lại lọc máu. Một trường hợp bị tái phát viêm gan C chức năng thận giảm dần đã quay lại lọc máu.
Giáo sư Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam cho biết trong 5 năm qua cả nước đã ghép tạng cho gần 1.300 trường hợp. Trong đó có 1.200 ca thận, 34 ca gan, 14 ca tim và một ca tụy, nhiều hơn 4 lần số ghép trong 17 năm trước. Đặc biệt có 35 bệnh nhân chết não đã hiến tạng ghép cho 100 bệnh nhân. Hiện nhu cầu ghép tạng ở nước ta rất lớn, với 10.000 bệnh nhân suy thận đang phải lọc máu chu kỳ vì suy thận mạn, khoảng 21.000 người tử vong vì viêm gan B, C và ung thư gan mỗi năm.
Lê Phương
Nguồn: VnExpress
Khí hậu miền Bắc mang nét đặc trưng của 4 mùa xuân hạ, thu đông.…
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ảnh hưởng nghiêm…
Cây hoa nhài được sử dụng để hỗ trợ, điều trị một số bệnh nhưng…
Gan nhiễm mỡ là căn bệnh gây ra bởi sự tích tụ quá nhiều chất…
Trong tốp các môn thể thao hàng đầu có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ…
Để giảm nguy cơ gan nhiễm mỡ, song song với việc đảm bảo chế độ…